Sau nửa năm, cậu bé Churchill được mẹ vừa bồi dưỡng vừa huấn luyện sự tập trung chú ý, cuối cùng thì cậu bé đã có thể dễ dàng theo kịp bài giảng ở lớp. Sau này, cậu bé còn thi đỗ vào một học viện quân sự nổi tiếng…

Một số trẻ em khi học tập hay làm việc nào đó thường không toàn tâm toàn ý, vừa làm vừa chơi nên hiệu quả không cao. Việc bồi dưỡng cho con thói quen tập trung làm việc, để con hiểu làm việc gì cũng cần chuyên tâm, cần chuyên nhất đặt tâm sức vào đó đối với mỗi bậc cha mẹ cũng chẳng hề dễ dàng.

Thủ tướng Anh, Washington Churchill khi còn nhỏ là một đứa trẻ nghịch ngợm, cả ngày chỉ thích trèo cây hái quả hoặc dắt chó đi khắp nơi. Cậu bé hoạt động liên tục và không ngừng thay đổi trò chơi, đang mải mê chơi trò bắt ve, ấy vậy mà vài phút sau đã chơi trò thỏ đuổi cáo, thoắt cái đã thấy cậu bé có mặt ở giáo đường xem hát hợp ca… Churchill trở thành cậu bé tinh nghịch nổi tiếng trong vùng.

Năm lên 7 tuổi, Churchill vào học tại trường St. Georgie’s, cậu bé trở thành học sinh nghịch ngợm nhất trường. Khi giáo viên đang hăng say giảng bài trên bục giảng thì cậu ở dưới mải mê gấp thuyền giấy. Thành tích học tập của cậu cũng khá tệ, do vậy cậu bé cũng chẳng hứng thú với chuyện học hành.

Chứng kiến con mình như vậy, mẹ cậu bé Churchill rất lo lắng. Đứa trẻ ương bướng này khiến bà cảm thấy vô cùng đau khổ. Lúc này, bảo mẫu đã nói với mẹ cậu bé rằng: “Tật xấu lớn nhất của đứa trẻ này là không tập trung, vậy hãy cho cậu bé làm một số việc để bồi dưỡng tính tập trung xem sao”.

Mẹ Churchill nghe nói vậy cũng thấy hợp lý, liền đến xin lời khuyên của em họ mình, là mục sư ở nhà thờ. Vị mục sư này nói: “Bồi dưỡng tính tập trung cho trẻ chính là để trẻ chuyên tâm vào một việc, cho dù có các yếu tố phiền nhiễu bên ngoài tác động thì cũng không bị ảnh hưởng. Theo tôi, việc này nên bắt đầu từ cảm hứng của đứa trẻ”.

Người mẹ ngộ ra, quyết định làm theo lời khuyên của vị mục sư. Thấy con trai thích gấp các con vật bằng giấy, mẹ liền bỏ công tìm kiếm những tờ giấy màu, ngày ngày cùng con gấp các con vật bằng giấy.

Lúc đầu, cậu bé chỉ tập trung được vài phút, rồi được nửa tiếng, cứ tiếp tục tăng dần như vậy, thế rồi cậu cũng hình thành được thói quen chú ý. Trên cơ sở đó, người mẹ bắt đầu dạy con môn toán. Mỗi khi con trai làm đúng một bài, mẹ không bỏ lỡ cơ hội liền biểu dương con trai. Cậu bé có động lực bèn hào hứng làm tiếp những bài khác. Thời gian trôi qua, cuối cùng cậu cũng có thể tập trung sự chú ý dù làm bất kể việc gì.

Điều then chốt khi bồi dưỡng sự tập trung chú ý là rèn luyện cho trẻ tính nhẫn nại, trong thời gian dài mà vẫn chỉ quan tâm đến một việc duy nhất. Nên người mẹ đã mang theo giá vẽ cùng Churchill đi vẽ phong cảnh.

Mùa thu ở Ireland, lá đỏ rợp trời, những cây phong với lá đỏ rực như lửa, nhưng mẹ lại yêu cầu Churchill vẽ một cây tuyết tùng xanh tươi trong vạn sắc lá đỏ. Mẹ nhìn cậu bé nói một cách trìu mến: “Hãy nhìn chiếc lá này xem, khi con soi nó dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh sẽ thấy nó chuyển sang màu tím. Hãy nhìn lá cây tuyết tùng, nó nhọn như thanh gươm của kỵ sĩ chĩa thẳng lên trời vậy!” Rồi hai mẹ con cùng nhau thi vẽ, cùng nhận xét đánh giá lẫn nhau, sự chú ý của cậu bé Churchill từ trong vô thức mà được rèn luyện và đề cao.

Để bồi dưỡng sức chú ý cho con trai, người mẹ này còn đặc biệt chú trọng đến việc sửa những thói quen không tốt cho con. Ví như, khi phát hiện con trai vừa làm bài tập vừa nhìn ngó vẩn vơ, mẹ cậu bé liền nhắc: “Không nên không toàn tâm toàn ý như vậy, đó là cách học lười biếng nhất. Chú tâm vào bài vở, con sẽ thu hoạch được những điều ngoài sức tưởng tượng”.

Để con trai mình hình thành được thói quen chuyên tâm chú ý, mẹ cậu bé Churchill còn cùng con làm bài tập, không ngừng đặt ra câu hỏi để cậu bé không có thời gian nghĩ đến những việc không liên quan đến bài vở. Từng chút như vậy, tuần tự tăng tiến, Churchill đã thay đổi từng ngày.

Sau nửa năm, cậu bé Churchill được mẹ vừa bồi dưỡng vừa huấn luyện sự tập trung chú ý, cuối cùng thì cậu bé đã có thể dễ dàng theo kịp bài giảng ở lớp. Sau này, cậu bé còn thi đỗ vào một học viện quân sự nổi tiếng.

Winston Churchill và mẹ, phu nhân Randolph Churchill. (Ảnh: angletsurfphoto.info)

Có thể nói, việc mẹ rèn luyện cho Churchill tính tập trung, chuyên tâm làm việc đã có ảnh hưởng cực kì sâu sắc đến cuộc đời cậu bé sau này. “Chuyên tâm, bạn sẽ thu hoạch được những điều ngoài sức tưởng tượng”. Câu nói này đã được Churchill viết lại trên mặt bàn ở trường quân sự.

Để bồi dưỡng tính tập trung cho trẻ, cha mẹ cần chú ý đến những điểm sau:

1. Bồi dưỡng tính tập trung cần tuần tự từng bước

Không tập trung, dễ phân tâm là đặc điểm của hầu hết trẻ em. Trẻ càng nhỏ thì thời gian tập trung sự chú ý càng ngắn. Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, sự tập trung chú ý của các em chỉ được từ 7 đến 15 phút. Vì thế, cha mẹ không nên quá khắt khe yêu cầu con tập trung sự chú ý trong thời gian dài, cha mẹ hãy kiên nhẫn bồi dưỡng tính tập trung cho con một cách từ từ không nóng vội.

2. Bồi dưỡng tính tập trung bắt đầu từ việc trẻ có hứng thú

Chỉ khi làm những việc mình có hứng thú thì trẻ mới có thể chuyên tâm và tập trung chú ý. Sự chú ý của trẻ em dễ bị chi phối và khống chế bởi cảm hứng và tình cảm. Do đó, bồi dưỡng tính tập trung cần bắt đầu từ việc trẻ cảm thấy hứng thú. Nhất là với những vật thể mới lạ có khả năng biến hóa và thay đổi như con rối nhỏ có thể lắc lư cái đầu, gà mẹ có thể tự động đẻ trứng… đều khiến trẻ chú ý quan sát.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể đưa trẻ đi chơi đến những địa điểm mới. Vì khi trẻ hiếu kì với sự vật mới thì quang cảnh xung quanh cũng dễ thu hút sự chú ý quan sát của các bé.

Cha mẹ cũng cần chú ý không nên cho con quá nhiều đồ chơi và các vật dụng giải trí khác cùng một lúc. Khi xung quanh quá nhiều đồ chơi thì trẻ không thể tập trung vào một thứ nhất định được. Sự lựa chọn càng ít thì trẻ mới có hứng thú tìm tòi sáng tạo.

Bồi dưỡng tính tập trung bắt đầu từ việc trẻ có hứng thú. (Ảnh: ikn.kr)

3. Lặp đi lặp lại để tăng cường sức chú ý của trẻ

Cho trẻ làm việc gì đó trong thời gian dài có ý nghĩa to lớn đối với khả năng chú ý của chúng trong tương lai. Ví như, trẻ rất thích nghe kể chuyện, kể lại nhiều lần một câu chuyện có thể bồi dưỡng tính tập trung và kỹ năng lắng nghe cho trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ có thể đưa ra yêu cầu và mục đích cụ thể trong quá trình học nhằm tăng cường sức chú ý của trẻ. Ví như, mẹ muốn con thuộc một bài hát, hãy yêu cầu con hát cùng mẹ. Qua vài lần hát cùng mẹ, bé sẽ dần thuộc được bài hát đó.

4. Rèn luyện tính tập trung cho trẻ bằng trò chơi

Có rất nhiều trò chơi giúp rèn luyện tính tập trung ở trẻ, đơn giản nhất là trò chơi “tìm lại đồ vật đã mất”. Cách chơi là cha mẹ và con cùng bày lên bàn một vài món đồ chơi, dạy trẻ đếm số lượng đồ chơi, gợi ý trẻ gọi ra tên các loại đồ chơi, ghi nhớ chủng loại của nó. Sau đó, nhân lúc trẻ không chú ý, cha mẹ lấy đi một hoặc vài thứ, rồi hỏi con “đồ vật nào không còn ở trên bàn nữa rồi?”. Câu hỏi này sẽ giúp trẻ tập trung hồi tưởng, quan sát, tìm kiếm. Trò chơi này rất đơn giản, linh hoạt và thực tế.

Chơi trò chơi là hoạt động mà mọi đứa trẻ đều thích, cha mẹ nên lựa chọn đồ chơi để chơi cùng trẻ, đồng thời trong quá trình chơi có thể bồi dưỡng tính tập trung chú ý cho các bé.

Tính tập trung của một người không phải bẩm sinh đã có mà cần rèn luyện dần dần. Tính tập trung đặc biệt có lợi cho việc học tập của trẻ. Nếu đứa trẻ có trí lực bình thường nhưng trên lớp tập trung nghe giảng thì cũng có thể đạt được thành tích tốt. Câu chuyện trên đây đã minh chứng cho điều đó.

Hồng Ân