Mong con thành tài thì việc chăm chút và đầu tư cho con là chưa đủ, mà bậc cha mẹ cần phải thực sự quan tâm và thấu hiểu con. Nếu cha mẹ làm được những điểm sau, con cái sẽ tự khắc thành người xuất sắc.

1. Cần thường xuyên khích lệ, khen ngợi trẻ, không nên phê bình, chỉ trích và trách móc trẻ

Chỉ có khích lệ và khen ngợi mới đem lại sự tự tin và sức mạnh cho trẻ. Phê bình, chỉ trích, trách móc sẽ làm tổn thương tâm hồn trẻ.

Với người trưởng thành, động viên khen ngợi cũng có tác dụng thúc đẩy họ hăng hái, vui vẻ, say mê làm việc, đạt được hiệu quả tốt.

Với trẻ em, vì tâm hồn non nớt, thiếu lý trí suy đoán phân tích, nên càng dễ bị tổn thương, do đó càng cần khích lệ và động viên hơn.

2. Cần dùng hành động dạy dỗ trẻ, không nên chỉ thuyết giáo suông

Hành vi của trẻ không phải có được từ dạy dỗ thuyết giáo suông, mà được hình thành bởi quá trình mô phỏng, học làm theo.

Trẻ tư duy non nớt, thường học tập bằng trực giác, các giác quan và bắt chước. Nếu cha mẹ có thể hành xử mẫu mực như tấm gương cho trẻ, thì trẻ ắt sẽ tự nhiên học theo, và có cách hành xử mẫu mực như cha mẹ.

Trẻ sẽ tiếp thu rất tự nhiên khi cha mẹ làm gương. (Ảnh: hjenglish.com)

3. Cần thường xuyên lắng nghe lời tâm sự của trẻ, tránh vội vã bình luận, phán đoán

Lắng nghe là chìa khóa của giao tiếp, thấu hiểu. Muốn dạy trẻ, trước tiên phải thấu hiểu.

4. Cần yêu quý bản tính, bản chất vốn có của trẻ, không cố cải tạo bản tính và bản chất để biến trẻ thành kiểu người mà cha mẹ mong muốn

Mong muốn trẻ thành kiểu người mà cha mẹ muốn là tự tư, là tâm chấp trước về cái tôi rất mạnh. Cái tôi mạnh mẽ vậy sẽ tạo thành xung đột với cái tôi của trẻ. Với đứa trẻ mạnh mẽ, mối quan hệ với cha mẹ sẽ trở nên xung khắc, căng thẳng. Với đứa trẻ yếu mềm, trẻ sẽ thui chột tài năng thiên bẩm và khả năng sáng tạo của mình.

5. Cần ngồi xuống giao tiếp với trẻ, không nên đứng cao mà sai khiến, ra lệnh

Cưỡng ép, mệnh lệnh, dùng quyền cha mẹ để yêu cầu sẽ chỉ gây ra tâm lý nổi loạn và chống đối của trẻ.

6. Dụng tâm bầu bạn với trẻ, không nên nói chuyện với trẻ mà tâm hồn vẫn để ở tận đâu đó, hay nói qua quýt cho xong

Chỉ có thực sự bầu bạn cùng trẻ mới khiến trẻ cảm nhận được tình yêu và sự ấm áp của tấm lòng cha mẹ.

Lời nói, đặc biệt là giọng điệu, truyền tải những tình cảm cho trẻ: sự trìu mến, tình yêu, sự khích lệ, quý mến, làm bé yên tâm. (Ảnh: pinterest.com)

7. Cần kiểm soát được tình cảm cá nhân, cùng trẻ bình tĩnh xử lý tốt từng sự việc

Nóng tính và bạo hành chỉ thể hiện rằng cha mẹ bất lực và gây tổn thương cho trẻ. Khi cơn nóng giận nổi lên, con người sẽ mất hết lý trí. Thường sau cơn nóng giận sẽ thấy hối hận. “Dao sắc cắt thân thể, vết thương còn dễ lành. Lời ác khẩu tổn thương người, uất hận mãi khôn nguôi”.

8. Chủ động xử lý tốt mối quan hệ với vợ hoặc chồng, để tạo ra môi trường gia đình vui vẻ hài hòa. Tuyệt đối không để mâu thuẫn vợ chồng ảnh hưởng và tổn thương đến trẻ

Chỉ có quan hệ vợ chồng hòa thuận mới là tình yêu lớn nhất mà cha mẹ dành cho con.

9. Hãy để trẻ trưởng thành theo khả năng thiên bẩm của mình, không nên kỳ vọng trẻ sẽ trưởng thành theo hướng cha mẹ muốn

Nên biết trẻ không thuộc về cha mẹ, chỉ là được cha mẹ sinh ra, đến với thế gian, để hoàn thành mơ ước và sứ mệnh của bản thân chúng.

10. Thường xuyên gieo mầm thiện cho trẻ

Trồng nhân thiện thì mới kết quả thiện, “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương” (Nhà tích thiện ắt có dư phúc lành, nhà tích bất thiện ắt có đầy tai ương). Hãy trở thành người bạn tốt nhất, bạn thân nhất, và cha mẹ hiền từ nhất trong cả cuộc đời trẻ.

Nam Phương

Từ Khóa: