Chúng ta hay có tâm lý đợi mình giàu có mình sẽ giúp người, thế nhưng câu chuyện cuộc sống sau đây sẽ cho bạn góc nhìn hoàn toàn khác về điều này.
Câu chuyện Tiểu đồ đệ muốn giúp người
Một lần vị lão thiền sư dẫn theo một tiểu đồ đệ đi hoá duyên ở một vùng nọ. Trên đường, hai thầy trò họ gặp một bà lão ăn mày tàn tật, vị lão thiền sư nói với tiểu đồ đệ: “Con hãy lấy chút lương khô và số ngân lượng còn lại cho bà lão kia đi!”.
Tiểu đồ đệ nghe xong, trong lòng cảm thấy không thoải mái, không tình nguyện nhưng vẫn miễn cưỡng làm theo lời lão thiền sư.
Lão thiền sư thấy vậy liền nói: “Sinh tử và công đức chỉ ở một niệm. Chỗ ngân lượng và lương khô này đối với chúng ta mà nói thì chẳng qua cũng chỉ là tạm thời duy trì cuộc sống mà thôi. Nhưng đối với thí chủ đây thì lại là vật cứu mạng đấy”.
Tiểu đồ đệ nghe vậy, có điều hiểu có điều chưa hiểu liền nói: “Sư phụ dạy bảo, con xin ghi khắc trong tâm. Đợi đến lúc con tích được nhiều tài vật cho nhà chùa rồi, con nhất định sẽ cứu giúp những người dân nghèo khổ”.
Lão thiền sư không nói gì, chỉ lắc đầu thở dài. Mấy năm sau, ông viên tịch và để lại cho tiểu đồ đệ một lá thư, trong lòng vẫn còn chút phiền muộn.
Tiểu đồ đệ sau này trông nom ngôi chùa và không ngừng quyên góp được nhiều tiền của. Từ một ngôi chùa nhỏ cũ nát, tiểu đồ đệ đã xây dựng thành một ngôi chùa rộng rãi, khang trang.
Tiểu đồ đệ nghĩ thầm: “Sau khi việc xây dựng hoàn tất, mình nhất định sẽ nghe theo lời dạy bảo của sư phụ đi cứu tế những người dân nghèo”.
Nhưng sau khi ngôi chùa được xây dựng xong, tiểu đồ đệ lại nghĩ: “Đợi đến khi ngôi chùa được mở rộng hơn nữa một chút, mình sẽ đi cứu tế làm việc thiện cũng không muộn!”.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, tiểu đồ đệ khi xưa đã trở thành một ông lão 80 tuổi, ngôi chùa đã trở thành một ngôi chùa trăm gian, tường vách sáng lạn. Nhưng mấy chục năm qua, tiểu đồ đệ luôn bận rộn với việc quyên góp tiền xây dựng chùa, quên mất việc cứu tế. Vì vậy, ông vẫn chưa thể làm được một việc thiện tích công đức nào.
Trước khi lâm chung, ông chợt nhớ đến bức thư của sư phụ năm xưa. Ông chậm rãi mở thư ra, chỉ một dòng chữ đập ngay vào mắt khiến ông chấn động:
“Giúp người một lần, hơn hẳn tụng kinh 10 năm!”
Tiểu đồ đệ năm xưa không khỏi trào nước mắt và hối tiếc khôn cùng, nhưng ông đã không còn chút thời gian và sức lực nào để làm được việc cứu tế người khác nữa. Tiểu đồ đệ lâm chung, hai khóe mắt vẫn giàn giụa nước mắt.
Bài học cuộc sống
Nghe câu chuyện cuộc sống trên cũng đừng vội cười chê tiều đồ đệ năm xưa vì một phần chúng ta cũng như vậy mà thôi. Chúng ta hay có tâm lý đợi đến khi mình có thật nhiều tiền, thật giàu có mới đi giúp người khác mà không hiểu rằng, bất kỳ khi nào chúng ta cũng có thể giúp đỡ những người xung quanh mình.
Đơn giản chỉ là có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều, thậm chí nếu không giúp bằng tiền bạc thì có thể giúp bằng việc góp công, góp sức. Đến là việc giúp ai đó cũng phải cầu kỳ, đợi chờ thời điểm thích hợp thì cho thấy đây là lối tư duy sai lầm. Kỳ thực, việc giúp đỡ người khác không nhất thiết phải đợi đến lúc bản thân có đầy đủ khả năng, tiền bạc.
Mỗi khi đọc những mẩu tin như các tỷ phú như Mark Zuckerberg, Warren Buffet, Bill Gates,… làm từ thiện với số tiền khổng lồ đáng giá cả gia tài ngay lập tức sẽ có hai luồng suy nghĩ diễn ra: Sao họ không dùng tiền đó ăn tiêu cho đã. Hay: Đợi đến khi mình giàu như vậy mình cũng làm từ thiện được như người ta. Thế nhưng cả hai kiểu suy nghĩ này đều cho thấy sự thiển cận. Việc giúp đỡ chỉ cần nhỏ thôi nhưng đã có tác động rất lớn, tích tiểu thành đại, nếu chưa giúp ai đó bằng một việc nhỏ thì đừng mong việc có thể giúp người khác việc lớn.
Một trong những nhà từ thiện tiên phong tại Mỹ, Andrew Carnegie đã từng nói rằng: “Không ai có thể được coi là giàu có nếu không tự mình giúp cho những người khác cũng trở nên giàu có. Người đàn ông chết trong giàu có thật đáng hổ thẹn”. Vậy giàu có đâu có ý nghĩ gì nhiều nếu không là để bạn được giúp đỡ nhiều người hơn nữa.
Ta đến cuộc đời này với hai bàn tay trắng thì ra đi cũng nên là hai bàn tay trắng để cuộc đời nhẹ nhàng tựa hư không. Vì thế, hãy thoải mái giúp đỡ ai đó bằng tiền bạc của mình vì khi bạn xem việc giúp đỡ ai đó là mục tiêu cuộc đời bạn sẽ sống một đời ý nghĩa.
Làm việc thiện, giúp đỡ người khác là tùy thời, tùy chỗ mà thực hành chứ không phải đợi đến lúc mình có đủ khả năng. Rất nhiều khi chúng ta lấy “khả năng chưa đủ” để không giúp đỡ người khác, thực ra đó chỉ là một cái cớ để che giấu tâm ý thật của bản thân mà thôi!
Hơn nữa, giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình. Vũ trụ này tuân theo những quy luật kỳ lạ và vô cùng kỳ diệu mà chúng ta không thể nào giải thích được: Bạn cho đi thứ gì thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp đáp lại! Vì thế hãy đối đãi với người đúng cách mà bạn muốn được nhận về. Trao đi yêu thương sẽ nhận lại được yêu thương.
Theo quan niệm Phật gia, linh hồn của chúng ta được tái sinh trong một thân xác khác ở một kiếp khác khi người đó qua đời. Vì thế, những người ta gặp trong kiếp này có thể là cha mẹ ta ở nhiều kiếp trước, vì thế, hãy đối đãi với họ tốt như là đối đãi với bố mẹ mình vậy. Không chỉ là giúp đỡ tiền bạc mà có thể là bằng tình thương, bằng sự hỗ trợ tinh thần.
Thế nhưng, cách giúp đỡ như thế nào thì không phải ai cũng biết. Có nhiều người tự nhận trách nhiệm là giúp đỡ hết người này tới người khác trong nhà bằng cách gửi tiền về quê cho người nhà sinh sống, trong khi đó những người này lười nhác, không chịu lao động, chỉ chờ tiền được cho mà thôi. Đó là cách giúp đỡ hoàn toàn sai lầm.
Một bữa ăn cho người thế nhân chỉ có thể giải quyết cơn đói nhất thời, nhưng đó không phải “lương thực” chân chính cho một sinh mệnh. Tiền bạc chỉ giải quyết vấn đề nhất thời, có tính thời điểm mà thôi. Quan trọng là cho họ tri thức để họ tự kiếm sống bằng năng lực của mình. Nếu không những việc bạn giúp sẽ trở thành gánh nặng cho bản thân và xã hội không chừng. Đừng cho rằng mình giúp ai đó là tốt, nếu không giúp đúng cách còn mang họa.
Kathy
Đăng theo Lịch ngày tốt. Tiêu đề do ĐKN đặt. Vui lòng đọc bài viết gốc tại đây.
Video xem thêm: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?