Nhắc đến thủ đô Seoul nổi tiếng của Hàn Quốc, có lẽ không ít người có ấn tượng sâu sắc với con sông Hàn thơ mộng trong các bộ phim truyền hình ăn khách của xứ sở Kim Chi. Thế nhưng, đằng sau vẻ đẹp lung linh toả sáng ấy là một khoảng lặng khác của những con người vẫn âm thầm với công việc đầy gian khổ nhưng vô cùng ý nghĩa.

Nốt lặng phía sau vẻ đẹp của sông Hàn

Sông Hàn là một trong số 4 dòng sông lớn nhất ở bán đảo Triều Tiên, sau sông Áp Lục, sông Đồ Môn ở Bắc Triều Tiên và sông Nakdong ở thành phố Busan. Hàng năm, con sông Hàn xinh đẹp thu hút hàng triệu lượt khách tham quan ngắm cảnh. Vậy nhưng, nơi đây cũng có những câu chuyện buồn khi không ít người lựa chọn cho mình cái kết đầy bi thương.

Ảnh: vn.blog.kkday.com

Ở Hàn Quốc, trung bình cứ mỗi ngày trôi qua lại có hơn 40 người chết vì tự tử. Không giống như những nước phát triển khác, tỉ lệ tự tử ở Hàn Quốc tăng nhanh qua từng năm và hiện tại đã gấp 3 lần nước Mỹ. Chỉ trong giai đoạn từ năm 2000-2010, số vụ tự tử tăng 101,8%. Tỉ lệ tự tử cao nhất là ở giới trẻ trong độ tuổi từ 20-30 tuổi và tuổi già (ngoài 65).

Theo thống kê y tế của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) phát hành vào năm 2015, trung bình 29,1 người trên 10.000 người ở Hàn Quốc tự tử, trong khi mức trung bình của OECD chỉ là 12 trên 10.000 người. Và đa số những người tự tử chọn nhảy cầu trên sông Hàn là phương thức để kết liễu cuộc đời.

Con sông Hàn vẫn ngày ngày toả sáng trong đêm nhưng với nhiều gia đình, nơi đây chứa đựng nỗi đau không thể nguôi ngoai. 

Đội cứu hộ đặc biệt trên sông Hàn – những con người quả cảm

Trước tình trạng số lượng người tự tử ngày một tăng cao, ngày 28 tháng 9 năm 2012 chính phủ Hàn Quốc đã cho thành lập Đội cứu hộ đặc biệt 119 trực thuộc Sở cứu hoả thủ đô Seoul. 

Buổi lễ thành lập đội cứu hộ (Ảnh: m.gukjenews.com)

Đội cứu hộ có nhiệm vụ chính là giám sát, quản lý an toàn ven sông và phòng chống tự sát trên sông Hàn 24/24. Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động liên quan đến cứu hộ trên địa bàn Seoul.

Các camera được lắp đặt tại tất cả các cây cầu bắc qua sông Hàn và luôn có người giám sát camera suốt 24 giờ. Vậy nên, đội cứu hộ luôn được đặt trong tình trạng ứng phó khẩn cấp, chỉ cần chuông báo vang lên là toàn đội lập tức xuất phát. Trung bình mỗi ngày, đội được điều động khoảng 3 lần. 

Thống kê hàng năm của đội cứu hộ (Ảnh: http://fire.seoul.go.kr)

Năm ngoái, đội được điều động 1.499 lần trong đó có 639 vụ tự tử (437 người an toàn, 103 người bị thương, 99 người thiệt mạng). Những con số này khiến không ít người bàng hoàng. Gần đây, đội ngày càng nhận được lệnh cứu hộ thanh niên. Những thanh niên trẻ, trước áp lực cạnh tranh và khó khăn trong cuộc sống thường cảm thấy tuyệt vọng và dẫn đến những quyết định đáng tiếc. 

Ảnh: http://www.korea.kr

Khi thành phố sầm uất lên đèn, cũng là lúc toàn đội có những bữa ăn vội trong căng thẳng vì không biết chuông báo động sẽ reo lên lúc nào. Với số vụ tự tử ngày càng tăng, mỗi thành viên trong đội đều cảm thấy việc cứu hộ không chỉ là một công việc bình thường mà đó còn là trách nhiệm, niềm tự hào khi có thể cứu sống một sinh mệnh. Nhưng có những lúc không thể cứu được, dù biết không phải lỗi của mình nhưng cả đội đều rất đau lòng và cảm thấy nặng nề. Điều đó không dễ chịu một chút nào.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Công việc cứu hộ trên sông Hàn là một công việc vô cùng vất vả, đặc biệt vào mùa đông khi phải bơi trong dòng nước lạnh giá vốn là điều không hề dễ dàng. Nhưng chỉ cần nghĩ đến việc có thể cứu sống được một con người thì mọi người  trong đội đều quyết tâm cố gắng nỗ lực khắc phục mọi khó khăn.

Mặc dù công việc vất vả là thế nhưng người thân trong gia đình không phải ai cũng có thể hiểu được nỗi khổ của những người làm chồng, làm cha khi không thể hoàn thành trách nhiệm đối với gia đình vì đặc thù công việc. Khi mọi người tan làm trở về bên người vợ hiền và những đứa con thơ thì những nhân viên cứu hộ vẫn đang thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trong một phóng sự dài 2 tập của đài EBS Hàn Quốc về đội cứu hộ trên sông Hàn, người con trai của một nhân viên trong đội đã được phép trải nghiệm công việc hàng ngày của bố trong cương vị là một người cứu hộ đã thực sự thấu hiểu nỗi vất vả của những làm nghề như bố. Cậu đã tự mình cảm nhận các cung bậc cảm xúc của một nhân viên cứu hộ, từ cảm giác thở phào nhẹ nhõm khi cứu được một con người cho tới nỗi buồn khi đội đã đến quá muộn.

Người con trai không thể dấu nổi nỗi buồn khi nhìn thấy hình ảnh người tự tử được đội cứu hộ vớt lên (Ảnh: ebs.co.kr)

Những hình ảnh chân thực về cuộc sống của những nhân viên cứu hộ đã giúp người xem hiểu được sự gian khổ, khó khăn đồng thời cảm phục những con người vẫn lặng lẽ làm công việc cao cả – cứu người.

Nụ cười của hai cha con khi được làm một công việc cao cả

Hiện nay, nếu bạn có dịp đến cây cầu Mapo nổi tiếng bắc qua sông Hàn bạn sẽ không khó để nhận ra những thông điệp ý nghĩa viết trên thành cầu gửi đến những người có ý định tự tử với mong muốn họ có thể thay đổi suy nghĩ. 

Những thông điệp được viết trên cầu Mapo (Ảnh: photohistory.tistory.com)

Trên đường đời, sẽ có lúc bạn cảm thấy hoang mang, tuyệt vọng vì những áp lực và khó khăn. Nhưng nếu bạn nhìn sự nỗ lực của những nhân viên cứu hộ đang ngày đêm vất vả cứu người bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt, có lẽ bất cứ ai cũng thấy sinh mệnh thật đáng quý biết bao. 

Huệ Nhi