Theo một nghiên cứu được công bố vào tuần trước trên tờ PLOS ONE của các nhà nghiên cứu tại trường Đại học New Zealand Canterbury cho thấy số lượng đồ chơi dưới dạng vũ khí như: súng, dao… của bộ lắp ghép LEGO đã tăng 30% từ năm 1978-2014. Đồ chơi bạo lực tăng lên chủ yếu do phỏng theo các bộ phim như “Chúa tể những chiếc nhẫn”…

“Các sản phẩm của công ty LEGO không còn trong sáng như trước kia”, Christoph Bartneck, nhà nghiên cứu robot của Đại học Canterbury đã nói với BBC như vậy.

Trong nghiên cứu này, họ đã phân tích số lượng các mảnh ghép vũ khí của bộ LEGO trong những năm qua. Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành một cuộc khảo sát với 160 người lớn về mức độ bạo lực gắn với đồ chơi: mỗi người xem 1.500 hình ảnh từ catalogue của LEGO từ năm 1973 đến nay. Nhìn chung, những người được khảo sát đều thấy đồ chơi gần đây có mức độ bạo lực lớn hơn.

Các nhà nghiên cứu nói rằng điều này phản ánh xu hướng sản xuất đồ chơi trẻ em ngày càng bạo lực hơn và đưa ra giả thuyết rằng các nhà sản xuất đã đi theo các bộ phim bạo lực và các trò chơi video. Họ viết: “Để thu hút sự chú ý của khách hàng, các nhà sản xuất đồ chơi đã tự trói mình trong cuộc đua tạo ra các sản phẩm thú vị”.

Khi được yêu cầu nhận xét về nghiên cứu này, đại diện của hãng LEGO đã viết trong email: “Chúng tôi thấy một sự phân biệt rõ ràng giữa trò chơi xung đột và bạo lực. Và chúng tôi không tạo ra các sản phẩm khuyến khích bạo lực. Các đồ chơi giống như vũ khí trong bộ LEGO là một phần của lắp ghép theo tính hình tượng, và không gắn với bối cảnh cuộc sống hiện thực hàng ngày”.

Trong một bài viết không liên quan, hãng LEGO lập luận rằng “trò chơi xung đột” cho phép trẻ em sử dụng đồ chơi để hành động sáng tạo theo các cách khác nhau, qua đó giúp trẻ em phát triển các kỹ năng giải quyết xung đột. Người phụ trách marketing của LEGO, Mads Nipper nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ sản xuất các đồ chơi dùng trong chiến tranh. Chiến tranh là điều tệ hại và chúng tôi không muốn tuyên dương điều này”.

Theo Quartz
Dương Lương

Xem thêm: