Cha không quá kỳ vọng con phải có thật nhiều thành tựu ở tuổi 30. Nhưng con đã trưởng thành, nhất định cần phải biết rõ mục tiêu của cuộc đời mình là gì, để những chặng đường sau này không lạc lối, hoang mang.

Gửi con trai của ta!

Khi cha đang viết những dòng này, điện phòng con vẫn sáng, và con đang cắm cúi vào màn hình máy tính, tai đeo headphone, miệng bặm chặt, thi thoảng còn thốt ra những câu nói tục tĩu. Cha cũng đã nghe con cáu kỉnh khi bị mẹ sang tận phòng, giục giã con ngủ sớm để chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau. Nhưng vì đang bận vùi mình trong trò chơi điện tử mà con bỏ ngoài tai tất cả những gì mẹ khuyên.

Sẽ thật bất hạnh nếu ai đó trở thành vợ của con
Đàn ông trưởng thành nhất định phải biết rõ mục tiêu của cuộc đời mình là gì, để những chặng đường sau này không lạc lối, hoang mang. (Ảnh: elleman)

Việc con dành quá nhiều thời gia vào điện tử, chỉ là một chuyện rất nhỏ trong hàng tá bề bộn, bất ổn trong lối sống của con – một chàng trai đã ở tuổi 28, chưa lập gia đình, và công việc thì làng nhàng. Điều cha buồn nhất, không phải vì con không thành công giống bạn bè cùng trang lứa mà chính là việc con mỗi ngày đều đốt thời gian vào những trò vô bổ, không có chút dấu hiệu nào của ý chí cầu tiến, tinh thần nỗ lực.

Con biết không, đó sẽ là tử huyệt đối với một người đàn ông. Con đừng xem yêu thương của cha mẹ là tất nhiên, chúng ta đã nuôi con khôn lớn chừng này và dường như không nợ con điều gì cả.  Vậy nên, nếu con không nhanh chóng thay đổi, cha chỉ e rằng, cả thế giới này sẽ quay lưng lại với con và cuộc đời con sẽ chìm đắm trong thất bại và cô độc.

Còn bây giờ, con trai, hãy bình tĩnh để cha phân tích.

Một người đàn ông trưởng thành sẽ biết tự chịu trách nhiệm và không đổ lỗi!

Mới đây, con không chịu ăn cơm cùng cha mẹ, với lý do là bực bội vì dự án của con thất bại. Con than vãn rằng, lẽ ra công việc đã hoàn toàn trơn tru, vận hành theo đúng kế hoạch, nhưng cuối cùng lại đổ bể vào phút chót. Con đổ lỗi rằng người bạn đồng nghiệp đã bất cẩn bỏ qua một chi tiết quan trọng trong báo cáo, đổ lỗi rằng sếp không hỗ trợ đúng mức. Con thậm chí còn đổ lỗi cho tắc đường, kẹt xe… khiến con tới trễ 5 phút và đối tác không hài lòng. Con biết không, cả đêm ấy mẹ đã buồn đến mức không ngủ được.

Một người đàn ông trưởng thành sẽ biết tự chịu trách nhiệm và không đổ lỗi!
Một người đàn ông trưởng thành sẽ biết tự chịu trách nhiệm và không đổ lỗi!

Con trai à, hãy thử nghĩ mà xem, một người trưởng thành, khi mắc sai lầm, luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh thì có đúng không? Một người đàn ông đích thực, họ sẽ biết tự chịu trách nhiệm và không ngại nhận lỗi sai về mình. Trên đời này không ai hoàn hảo, cũng chẳng ai dám tự khẳng định rằng mình không sai lầm. Điều quan trọng là sau những lần vấp ngã đó, họ sẽ khắc phục được những khuyết điểm như thế nào. 

Cha nói thật, nếu con cứ mãi nhìn nhận vấn đề kém như thế, cả đời con sẽ phải sống trong tủi nhục mà thôi. Hay là, con đang huyễn hoặc rằng cả thế giới sẽ phải xoay quanh con?

Đàn ông, ai lại ngồi lê đôi mách bao giờ?

Thú thật, cha không thích những cuộc điện thoại của con và một bạn đồng nghiệp nào đó mỗi tối chút nào. Cha xin lỗi, vì đã hơi chú ý vào cuộc trò chuyện của các con (nhân tiện, cha nhắc con từ sau nên nói chuyện điện thoại bé một chút và đi vào phòng thay vì ngồi ở phòng khách như vậy. Thú thật ta và mẹ con cũng muốn xem ti vi).

Trong các câu chuyện của con, cha luôn nghe thấy giọng điệu mỉa mai và những chi tiết mang đậm màu sắc suy diễn, cợt nhả. Hình như bất cứ ai ở công ty cũng đều được các con đem ra phân tích, đánh giá thì phải? Mà hình như họ đều là người xấu?

Đàn ông, ai lại ngồi lê đôi mách bao giờ?
Đàn ông, chẳng ai ngồi lê đôi mách đâu con ạ! (Ảnh: Kidskunst.info)

Con biết không, biết đâu một ngày nào đó, ở sau lưng con, người khác cũng đưa con lên bàn cân để mổ xẻ, bình luận đầy khiếm nhã như cách con và đồng nghiệp đang ứng xử. Con có dễ chịu không? Đàn ông, chẳng ai ngồi lê đôi mách đâu con ạ!

Không lo rèn thực lực, chỉ lo nịnh nọt cấp trên – sai quá rồi con ạ!

Cha nhớ Tết vừa rồi, ngày nào con cũng hỏi mẹ nên mua quà gì, nên đi lễ Tết sếp như thế nào. Con thăm dò đồng nghiệp này tặng sếp chai rượu ngoại, thì con cũng không thể kém cạnh, phải tặng sếp món quà to hơn. Con hỏi thăm người này người kia sếp thích gì, rồi cả người nhà sếp thích gì. Cha tự hỏi, tại sao con phải khổ não như vậy? Nếu con dành tâm trí ấy để rèn luyện thực lực của mình thì cha sẽ thật mừng biết bao.

Thật ra, cha không phản đối chuyện lễ Tết, thăm hỏi lãnh đạo, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng. Đó là sự chân thành, tôn kính dành cho người quản lý. Nhưng mà, con lại biến nó thành cuộc chạy đua với những món quà vượt quá khả năng chi trả của con. Cha nhớ năm nào con cũng vay mẹ mười mấy, hai mươi triệu đồng để mua quà biếu sếp. 

Cha không tiếc tiền với con nhưng cha phải nói thật, đây là cách làm của những người không có thực lực. Nếu thật sự có tài năng và bản lĩnh, con sẽ không phải xu nịnh bất cứ ai. Làm đàn ông thì hãy tự đi lên bằng khả năng của mình!

Không lo rèn thực lực, chỉ lo nịnh nọt cấp trên - sai quá rồi con ạ!
Nếu thật sự có tài năng và bản lĩnh, con sẽ không phải xu nịnh bất cứ ai. (Ảnh:finance)

Cha không kỳ vọng con không có thu nhập 8 chữ số hay một tài khoản ngân hàng thật oách. Nhưng mà, cha rất muốn con trở thành một người đàn ông thực thụ, bản lĩnh. Nếu không, sẽ thật bất hạnh nếu ai đó trở thành vợ của con!

Chỉ 2 năm nữa thôi con sẽ bước chân vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời –  30 tuổi. Chạm ngưỡng 30, cha mong con sẽ có những thay đổi về suy nghĩ, chín chắn và tự lập hơn. Nhưng, tất cả những thay đổi đó, cần được chạy đà, tạo dựng từ nhiều năm trước đó. Có lẽ con đã hơi muộn một chút rồi đó, nhưng mà, muộn vẫn còn hơn là không bao giờ bắt đầu!

Trần Phong

videoinfo__video3.dkn.tv||de498e2c4__