Lúc kết thúc cuộc đời, bạn sẽ không hối hận vì từng điểm kém trong một kỳ thi, thất bại một dự án… mà thường ân hận vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho vợ chồng, con cái và những người thân yêu. Đó là lý do tại sao, ngay khi còn có cơ hội, chúng ta cần dành nhiều thời gian cho gia đình.

Áp lực cuộc sống đòi hỏi con người phải tìm được sự cân bằng giữa thời gian dành cho gia đình và công việc. Thực trạng cha mẹ mải miết kiếm tiền, xao lãng chăm sóc con cái đang phổ biến ở rất nhiều gia đình hiện đại.

Một ngày chỉ có 24 tiếng, dành bao nhiêu cho gia đình là đủ và làm cách nào để có những khoảng thời gian thực sự chất lượng?

6 lời khuyên sau sẽ giúp bạn tìm lại sự cân bằng giữa công việc và gia đình.

Để có thời gian chất lượng bên gia đình, đừng bỏ qua 6 lời khuyên này

Ưu tiên các sự kiện gia đình

Lễ bế giảng, một buổi biểu diễn, thuyết trình của con… bạn nên ưu tiên có mặt vào những thời điểm đó. Trẻ em lớn rất nhanh, bạn chỉ ần bỏ lỡ vài khoảnh khắc quan trọng là ấu thơ của chúng đã trôi đi mà thiếu vắng sự có mặt của gia đình.

Chính những kỷ niệm nhỏ đó lại là dấu ấn của cha mẹ trên chặng đường phát triển của con, và gắn kết tình cảm trở nên sâu sắc.

Lên lịch cụ thể

Chúng ta có thời gian biểu công việc, vậy tại sao lại không lên lịch thời gian cho gia đình?

Những sự kiện như sinh nhật các thành viên, buổi họp phụ huynh, lời hứa đưa con đi chơi… tất cả đều nên được ghi lên lịch và nhắc nhở trong điện thoại để đảm bảo được hoàn thành đầy đủ như công việc ở công ty.

Khi bạn có một lịch trình công việc và thời gian biểu rõ ràng, bạn sẽ nhìn được chính xác thời gian dành cho công việc và gia đình của mình đã cân bằng chưa. Nếu trong hàng tuần liền mà số lần ăn cơm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay thì bạn cũng cần lên lịch số bữa tối thiểu trong tuần phải ở nhà ăn cơm cùng gia đình.

Thiết lập ranh giới công việc và gia đình

Bạn đóng vai nhân viên mẫn cán trong công việc, nhưng cũng đóng vai là vợ chồng, cha mẹ khi trở về gia đình. Và bạn không thể làm tốt nếu các “vai diễn” chồng chéo nhau.

Nếu hoạt động gia đình đã được lên lịch, bạn nên sẵn sàng tăng ca nhiều ngày sau đó để bù lại thay vì huỷ lịch trình gia đình vì công việc. Hãy đảm bảo sếp và các đối tác tôn trọng khung giờ riêng tư sau giờ làm.

Khoảng thời gian “không điện thoại”

CFO một công ty lớn đã chia sẻ bí quyết chăm sóc gia đình bằng những khoảng thời gian “không điện thoaị”. Anh ấy từ chối tất cả các cuộc gọi, tin nhắn, email (ngoại trừ các trường hợp rất khẩn cấp tuy nhiên số đó không nhiều) từ tối thứ 7 đến tối chủ nhật hàng tuần để dành trọn vẹn 24h cho gia đình.

Hơn nữa, anh ấy còn ngắt các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính… trong nhà mỗi tuần 1 lần để cả gia đình có thời gian trọn vẹn bên nhau mà không bị công nghệ làm ảnh hưởng.

Để có thời gian chất lượng bên gia đình, đừng bỏ qua 6 lời khuyên này

Chúng ta đều làm việc chăm chỉ để có cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn, nhưng nếu không chăm sóc cho sự kết nối của các thành viên thì vật chất có dư giả đến đâu cũng vô nghĩa.

Có kế hoạch cụ thể

Hãy lên nhiệm vụ cụ thể để gia đình cùng thực hiện. Nếu tất cả các thành viên đều ở nhà nhưng mỗi người một phòng, ai cũng làm việc riêng thì đó không gọi là “thời gian dành cho gia đình”.

Cùng xem tivi, đi ăn tiệm, trồng cây hay dọn dẹp nhà cửa… là những hoạt động tập thể giúp gắn kết các thành viên và tạo cơ hội để mọi người chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Để có thời gian chất lượng bên gia đình, đừng bỏ qua 6 lời khuyên này

Họp gia đình

Khi một thành viên gặp những khó khăn trong cuộc sống hay có vấn đề quan trọng trong gia đình, nên biến nó thành chủ đề để “tổ chức” cuộc họp ngay tại bàn ăn. Cả nhà có thể cùng nhau chia sẻ và thảo luận, bình đẳng đưa ra ý kiến.

Tuy nhiên, đừng khiến khoảng thời gian này trở thành buổi kiểm điểm căng thẳng. Lúc gia đình bên nhau không phải là “hình phạt” cho các thành viên. Nếu đã xem đó là thời gian củng cố tình cảm gia đình, nên cố gắng loại bỏ mọi tranh cãi, tức giận và các cảm xúc tiêu cực khác.

Để có thời gian chất lượng bên gia đình, đừng bỏ qua 6 lời khuyên này

Những lời nói gây tổn thương cần phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Đó là lý do tại sao, mọi thành viên trong gia đình cần học cách cẩn trọng trong lời nói để giữ được sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Sự tử tế và bao dung mới là điều gia đình cần chia sẻ và phát triển trong văn hoá gia đình.

Night-fly