Chùa vốn là nơi vô cùng linh thiêng, thanh tịnh, tách biệt với thế tục, là nơi để chúng sinh tỏ lòng kính Phật, gieo mầm cơ duyên với Phật Pháp. Vậy nên, người xưa đi lễ chùa không phải cầu tiền tài, công danh mà là để thể hiện lòng kính ngưỡng đối với Phật.
Theo kinh điển nhà Phật, Phật không cần vật chất gì của con người. Đức Phật từ bi, muốn giang tay cứu độ con người ra khỏi bể khổ của lục đạo luân hồi nên dạy con người tích đức hành thiện, khuyên con người từ bỏ ham muốn vật chất, từ bỏ “tham sân si” để đạt được tâm thanh tịnh, tiến đến cảnh giới giác ngộ. Điều Phật ban cho con người cũng không phải là tiền bạc, của cải hay sức khỏe mà là trí huệ và giác ngộ tâm linh. Mọi sự việc ở cõi người vốn là chiểu theo quy luật nhân quả, ai làm điều thiện sẽ kết thiện duyên, ai phạm điều ác sẽ kết ác duyên.
Thế nhưng, ngày nay, nhiều người dường như đã quên mất những lời Đức Phật dạy, họ đến chùa xin công danh, cầu tiền, cầu tình, cầu con, tiêu tai giải nạn… Họ đi hết chùa này đến chùa kia, hễ nghe có người nói ở đâu linh thiêng là đến cúng tiến…
***
Bữa cơm tối nay của gia đình tôi trở nên náo nhiệt lạ thường, tất cả xoay quanh câu chuyện mẹ dự định sẽ vắng nhà 5 ngày để đi lễ chùa đầu xuân cùng mấy bác hàng xóm. Mẹ bảo năm nay là năm tuổi của bố, sao chiếu mệnh của hai đứa cũng là sao xấu, cần thành tâm đi chùa mới mong giải được hạn.
Bà nội nhất mực ủng hộ mẹ. Bà nói, hôm đi rút quẻ, thầy bảo là năm nay gia đình nhiều biến cố lắm, nên phải cẩn thận. Mình là “người trần mắt thịt”, chỉ có cách nương nhờ cửa Phật, xin Phật phù hộ độ trì thì mới được.
Bố là người không để tâm nhiều đến chuyện tâm linh. Nói là vô thần thì cũng không hẳn, nhưng mà bố suốt ngày bận chuyện làm ăn, không có nhiều thời gian, nên chuyện trong gia đình, hương khói như thế nào để do một tay mẹ lo toan. Bố thường chỉ thắp hương cho ông bà tổ tiên những ngày tết, giỗ chạp, rằm, mồng một, chứ không hay lên chùa, đến điện cúng bái như bà và mẹ. Nghe chuyện mẹ dành 5 ngày đi chùa thì có vẻ không ưng ý, bố bảo:
“Các cụ ngày xưa dạy rồi: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa”. Không phải cứ chăm đi lễ rồi mà bỏ bê chuyện gia đình rồi sẽ trong ấm ngoài êm đâu. Làm gì có chuyện đó”.
“Quan trọng nhất vẫn là tu tâm tính. Con thấy nếu mình mà sống lương thiện, làm việc tốt thì sẽ được Thần Phật phù hộ, chứ không nhất thiết phải đến chùa báo công đức rồi cầu điều này điều khác. “Trên đầu ba thước có thần linh” mà. Hồi đi học đại học, thỉnh thoảng cuối tuần con vẫn vào chùa để ăn chay, tụng kinh, niệm Phật cho tâm thanh tịnh, chứ con không cầu xin gì cả”. Em trai tôi tiếp lời.
Mỗi người một ý kiến, thảo luận, bàn tán rôm rả, đến tận lúc xong bữa cơm vẫn chưa hết câu chuyện, đành kết thúc để còn làm việc khác, để mẹ tự quyết định có nên đi chùa hay không.
Bình thường tôi không phải là người ít nói, nhưng hôm nay thật sự không muốn nói lời nào. Tôi dẫn mẹ vào phòng, lấy trên giá sách cuốn tạp chí Đại Kỷ Nguyên đưa mẹ.
“Trang 56 có bài “Đi lễ chùa đầu năm và những quan niệm sai lầm”. Con nghĩ mẹ nên đọc bài này rồi hãy quyết định có nên đi chùa hay không.”
Mẹ gật đầu đồng ý, cầm cuốn tạp chí rồi đi về phòng.
Khoảng 2 giờ sau…
Cốc cốc cốc!!! Đoán là tiếng mẹ gõ cửa, tôi đứng dậy ra mở cửa, quả là không sai!
“Tạp chí hay quá con à! Đúng là lâu nay mẹ chỉ toàn đi chùa theo phong trào, cúng bái theo người ta mà không biết là mình đã làm nhiều việc sai trái. Mẹ cứ nghĩ lên chùa cúng tiến là thành tâm kính Phật, ai ngờ…”.
Tôi đáp:
“Biết sai thì bây giờ mình sửa thôi mẹ ạ. Phật từ bi, sẽ không trách tội con người.”
Mẹ tiếp lời:
“Hôm sau mẹ sẽ không đi chùa nữa. Mẹ vừa đọc bài “Cả đời bái Phật nhưng vì sao vẫn không toại nguyện? Là bởi thiếu một nén nhang…” Bài viết xúc động quá”.
Tôi mỉm cười nắm chặt bàn tay mẹ, chưa bao giờ tôi thấy ánh mắt mẹ rạng ngời đến thế, trông mẹ thật phúc hậu và thánh thiện…
***
Xin được trích dẫn một đoạn trong bài viết: “Cả đời bái Phật nhưng vì sao vẫn không toại nguyện? Là bởi thiếu một nén nhang…”
“Con người cả đời đứng trước tượng Phật chỉ lo cầu khẩn cho những lợi ích và danh vọng của bản thân mình mà không biết rằng: Chí nguyện không thành, ấy là bởi “vẫn còn thiếu một nén nhang”.
Vậy “nén nhang” ấy là gì?
Người ta nói rằng ‘Phật từ bi độ nhân’. Nhưng có phải vì mâm cao cỗ đầy, vì chút hoa quả cúng dường, hay vì vài ba nén nhang và dăm ba lần quỳ lạy mà Phật phải thực hiện những gì con người đang đeo đuổi? Nếu ôm giữ cách nghĩ như vậy, rất có thể chúng ta đang bất kính với Thần Phật mà không hề hay biết.
Vậy người như thế nào mới được Thần Phật phù hộ độ trì? Phật gia có câu: “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới”. “Phật tính” – ấy là khi trong tâm thực sự thuần thiện, thuần chính, không màng tư lợi, hoàn toàn suy nghĩ cho người khác, thì mới có thể động đến tâm niệm của Phật Đà. Vậy cũng nói, con người coi trọng danh lợi, tiền tài, địa vị, nhưng Thần Phật thì chỉ xét một chữ “Tâm” này mà thôi.
Bởi vậy mà, khi con người có thể buông bỏ mọi dục vọng, buông bỏ mọi truy cầu, chỉ chú trọng nâng cao đạo đức và tâm tính của bản thân, thì một cách tự nhiên sẽ không cầu mà tự đắc…”
Huyền Sương