Linda, một giáo viên mầm non, và con trai Timmy đã mắc một chứng bệnh hiếm gặp. Căn bệnh này khiến họ sinh ra không có tay. Mặc dù vậy, sự khiếm khuyết không thể ngăn hai mẹ con đến từ Illinois tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn và làm mọi việc bằng chân.
Với xác xuất cực hiếm 1/100.000 người, Linda Bannon, 35 tuổi đến từ Illinois đã mắc phải hội chứng Holt Oram (hội chứng tay-tim) gây ra do sự bất thường ở phần chi trên và tim. Mặc dù vậy, Linda vẫn trưởng thành với một cuộc sống bình thường như bao người. Sinh ra và lớn lên không có tay không ảnh hưởng nhiều tới thế giới nhân sinh quan của Linda, bởi cô không cho rằng mình khác biệt nhiều so với mọi người.
Năm 2003, Linda gặp Richard, người chồng tương lai của mình. Và khi cô có thai, qua các xét nghiệm kiểm tra, các bác sĩ dự đoán rằng con của cô cũng có thể mắc căn bệnh này. Họ đưa ra lời khuyên cho cặp đôi về việc kết thúc quá trình mang thai. Nhưng Linda khẳng định cô và chồng sẽ không làm điều đó. Họ muốn có một gia đình với đứa con của chính mình.
Timmy, con trai của Linda và Richard chào đời với nhiều vấn đề về tim mạch và tất nhiên là bé cũng không có tay. Khi mới 8 ngày tuổi, bé đã được phẫu thuật và trải qua 2 tháng đầu đời tại phòng chăm sóc đặc biệt. Mặc cho sự khởi đầu khó khăn đó, Timmy cũng giống như mẹ, đã vượt qua sự kém may mắn để tận hưởng cuộc sống. Cả 2 mẹ con đều không đeo tay giả, họ không để bản thân gặp khó khăn gì trong sinh hoạt dù là việc nấu ăn, thay quần áo, hay chơi các trò chơi. Hai số phận kém may mắn đã tự tạo may mắn cho mình bằng nghị lực và tình yêu cuộc sống…
Trong sinh hoạt, khi Linda luôn cố gắng tự làm mọi việc để duy trì sự độc lập của mình, thì Richard, chồng cô luôn sẵn sàng giúp đỡ vợ. Richard nói rằng có một số công việc vệ sinh cá nhân mà Linda và Timmy cần được hỗ trợ. Anh cũng hỗ trợ những việc trong nhà tắm, những việc khác Linda có thể tự làm nhưng anh thích giúp cô dù biết rằng cô không cần.
Timmy mặc dù bị khuyết tật về thể chất, nhưng em không thấy mình khác biệt nhiều so với bạn bè, em nói rằng mình luôn luôn cảm thấy bản thân giống như những đứa trẻ khác. Ở trường học, Timmy được đối xử như tất cả các bạn. Tính cách của em đã giúp em có thể hòa đồng với các bạn, chúng chấp nhận em và chơi cùng em. Những đứa trẻ không nhận ra Timmy có một số nhu cầu đặc biệt.
Sau giờ học, Timmy và Linda thường đến bể bơi gần đó. Timmy mang một cái phao, em giữ cơ thể thăng bằng, vận động hông và bơi ngửa hoặc sấp. Hai mẹ con cố gắng tạo niềm vui và động lực cho cuộc sống của mình bằng những hoạt động ngoài trời như vậy. Có lẽ, họ muốn khẳng định rằng khiếm khuyết về thân thể không thể nào khiến họ “méo mó” trong tinh thần.
Bên cạnh việc cùng con trai vận động thể thao và là giáo viên mầm non, Linda còn bắt đầu tham gia một vài khóa học về kinh doanh với mong ước sẽ thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để hỗ trợ những gia đình có cùng cảnh ngộ như mình.
Giống như bất cứ người mẹ yêu con nào khác, Linda mong rằng Timmy có một cuộc sống hạnh phúc. Khi lớn lên cậu bé sẽ có thể chấp nhận cơ thể của mình, cậu sẽ tìm được một người yêu mình như chồng cô yêu cô và sẽ chăm sóc cậu khi cha mẹ không còn nữa…
Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong đợi, có những con người sinh ra đã khiếm khuyết nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc và gục ngã. Sinh mệnh là quý giá, Linda và Timmy tuy không thể hoàn toàn dựa vào y học để cải thiện khiếm khuyết của cơ thể mình. Nhưng nhờ vào tình thương yêu của những người thân, bằng tinh thần lạc quan và nghị lực vượt khó, họ đã biết khắc phục, chấp nhận và sống chung với “sự không hoàn hảo” ấy. Kết quả, họ không bi lụy hay than trách số phận mình và đang có một cuộc sống hạnh phúc như bao người bình thường khác.
Nguồn ảnh: NTD
Thanh Hương
Xem thêm: