Bình mình lên, ánh nắng chan hòa khắp khu vườn ngập sắc hoa thơm ngát, tiếng chim sơn ca líu lo rộn rã, người phụ nữ thức dậy, bà mặc chiếc váy dài, choàng lên mình chiếc khăn xô, đầu búi tấm khăn kẻ rồi bước xuống lượm những trái thơm trong khu vườn của mình.
Chiều sang, bà bắt tay vào công việc làm pho-mai và mứt, khi vẫn còn thời gian rảnh, bà dệt sợi hoặc vẽ tranh. Cuộc sống cứ vậy bình yên trôi đi từ năm này qua tháng khác. Người ta tưởng bà là một nhân vật chính được kể trong câu chuyện cổ tích ở một miền đồng quê yên bình nào đó, nhưng bà hoàn toàn có thật.
Bà Tasha Tudor, sinh năm 1915, tại bang Boston của Mỹ. Ngay từ những ngày còn thơ bé, bà Tasha đã nuôi dưỡng trong mình ước mơ về cuộc sống bình dị và yên ả nơi thôn quê nhẹ nhàng, chứ không phải nhịp sống hiện đại nơi phố thị.
Năm bà 9 tuổi, sau khi bố mẹ ly hôn, bà chuyển về vùng quê Connecticut sống. Những câu chuyện cổ tích và cuộc sống mộc mạc nơi ấy cứ từng ngày theo giấc mơ đến chốn hoa cỏ, trái thơm lớn lên trong bà.
Năm 15 tuổi, bà Tasha kết thúc khóa học của mình tại trường Nghệ thuật và Thủ công mỹ nghệ Boston. Bà bắt đầu cuộc sống mơ ước của mình, nuôi gà, trồng rau, vẽ tranh và dạy trẻ em hội họa. Thời thiếu nữ của bà Tasha cứ vậy trôi đi, trong sáng và nhẹ nhàng như vậy.
Rồi đến một ngày, bà cũng gặp được ý trung nhân của mình. Năm 23 tuổi, bà kết hôn, cùng chồng rời phố xá lui về vùng thôn dã xây dựng trang trại và sống những tháng ngày hạnh phúc. Họ cùng làm pho-mát và bơ để bán. Mỗi ngày, bà dậy từ rất sớm, vắt sữa bò, tưới và chăm sóc cho cây cỏ trong vườn, còn chồng bà sẽ làm những công việc nặng nhọc hơn. Trong căn nhà của đôi vợ chồng trẻ, cuộc sống thật sự hòa hợp với thiên nhiên và không dùng đến chút điện nào, tất cả đều bằng đôi bàn tay họ vun đắp.
Những tháng ngày bình yên và hạnh phúc bên chồng giữa chốn hoang sơ và đầy cây cỏ, đã trở thành nguồn cảm hứng cho bà Tasha sáng tác cuốn truyện tranh nổi tiếng Pumpkin Moonlight. Không những thế, người phụ nữ của thiên nhiên ấy còn cho ra rất nhiều cuốn truyện tranh khác, miêu tả gần như chính xác về cuộc sống xung quanh bà: Hoa bao quanh nhà, Cuộc sống giản đơn. Cùng trẻ em và vật nuôi chơi đùa… Một lối viết rất cổ tích, đậm nét Tasha.
Năm bà Tasha 56 tuổi, sau khi ly hôn 13 năm, bà chuyển về miền quê hoang dã Vermont, phía Đông Bắc Mỹ. Dù năm tháng trôi đi, dù mối tình đầu và cuộc hôn nhân tan vỡ, nhưng tình yêu với thiên nhiên và những nét hoài cổ trong người phụ nữ ấy chưa bao giờ phai nhạt. Chỉ có thể nói rằng, sau tất cả bà càng thêm yêu và đắm say hơn cuộc sống bình yên và mộc mạc ấy. Trên mảnh đất mới mua, bà đã tự tay thiết kế trang trại của mình theo kiểu cách của thế kỷ 19, ngôi nhà gỗ lợp ngói cổ kính, những loài hoa đủ sắc màu trên tường bao.
Bên trong khu vườn nhỏ, bà thỏa sức trồng đủ loài hoa cỏ, một hàng hoa sắc tím nhẹ, xa xa những khóm thủy tiên trắng nở rộ, hoa lê điểm trắng khoe hương thơm ngát cả một góc vườn trước nắng. Những khóm hồng leo nở rộ sắc hương khoe thắm, những chậu hoa thiên thảo đủ sắc màu bên ô cửa nhỏ xinh. Trên mái nhà lợp gỗ, những chú chim bồ câu chăm chỉ nhặt hạt dưới ánh bình minh chan hòa.
Như một phép màu của bà tiên đẹp, vùng đất hoang tàn cằn cỗi hôm nào bỗng chốc hóa thành khu vườn cổ tích ngập tràn sắc hoa, căng đầy sức sống. Mỗi ngày, bà Tasha đều bắt đầu công việc như mấy chục năm qua bà vẫn làm, dậy thật sớm bước xuống khu vườn nhỏ, đắm mình vào làn sương mai trong lành, tưới cây, tưới hoa và lượm trái.
Bên bà là chú chó Corgi, những chú dê hiền lành, đàn gà và cừu làm bạn. Mỗi lúc rảnh rỗi, bà Tasha lại thích đắm mình vào những sở thích của mình như dệt vải, vẽ tranh hay làm một vài món ăn mà mình yêu thích.
Có một điều đặc biệt là, đừng nghĩ rằng một phụ nữ như bà Tasha thì sẽ chỉ thích ở nhà đâu thôi nhé. Bà cũng thích du lịch đây đó, đến những miền đất chan chứa cỏ cây và hoa lá qua những câu chuyện mà bà từng đọc. Bà từng đến thành phố Nara cổ kính của Nhật Bản để học hỏi về cách chăm sóc vườn tược và thực phẩm nơi đây. Bà cũng từng đến với miền đồng quê của nước Anh hiền hòa, ghé qua những lâu đài cổ, những ngôi làng rất đỗi bình dị và thơ mộng.
Và dường như tất cả đó vẫn chưa làm bà thỏa mãn hết được lòng mong mỏi, năm 70 tuổi, bà Tasha đến miền Nam nước Pháp. Nơi có những cánh đồng hoa oải hương tím sắc kéo dài thẳng tắp tỏa hương thơm ngào ngạt xen kẽ với màu vàng rực rỡ của những cánh đồng hoa hướng dương, những xưởng thủ công sản xuất tinh dầu, xà phòng thơm thiên nhiên mà bà vẫn một lần ước ao được đến. Quá mãn nguyện trước khung cảnh nơi đó, bà Tasha quyết định lưu lại Pháp một năm để ngắm cho thỏa nỗi lòng để rồi đem tất cả những gì đẹp nhất mà bà cảm nhận được vào mỗi tác phẩm bà miêu tả về Pháp.
Bà cảm thấy tâm hồn của mình được hòa quyện với thiên nhiên tươi đẹp. Bà từng nói:
Khám phá và yêu cuộc sống của chính mình nhiều hơn, bạn sẽ thấy niềm vui đến từ những điều rất bình dị và giản đơn. Cho dù đó là một bông hoa trên bàn hay là một bữa ăn tối ấm cúng, chỉ cần học cách tận hưởng và chấp nhận thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng và thư thái.
Ngày nay, bà Tasha không còn nữa nhưng mọi người luôn nhớ đến bà. Bà là hiện thân của sự sáng tạo, tình yêu và niềm khao khát được thuận hòa cùng thiên nhiên.
Vì sao cuộc sống của bà Tasha trở thành niềm ngưỡng mộ của bao người? Vì nó quá đỗi bình yên, tràn ngập hoa thơm và cỏ dại, hay vì cuộc sống ấy quá tự tại và thong dong? Cổ tích là những câu chuyện đẹp mà người ta không dám tin rằng chúng thật sự tồn tại. Tuy nhiên, bà Tasha đã chứng minh điều ngược lại: Cổ tích là có thật!
Những câu chuyện cổ tích bà miêu tả qua tranh vẽ đều chính xác là những gì diễn ra xung quanh cuộc sống của bà. Vậy liệu có phải, mỗi người đều có thể tự viết nên câu chuyện cổ tích của đời mình, nếu chúng ta đủ can đảm để buông bỏ những bụi phủi hoen ố của bạc tiền và danh lợi rồi trở về với thiên nhiên, hòa mình vào cây cỏ, sống cuộc đời dung dị và giản đơn. Thật ra, làm người không cần suy nghĩ phức tạp, chỉ cần có được một trí tuệ đơn giản, một con đường nhân sinh thì liền có thể rời xa thống khổ và ưu lo.
Nguồn ảnh: Pinterest
Hồng Tâm