Những vất vả trong cuộc sống thời bao cấp đã khiến nhiều thế hệ cha mẹ Việt ép con mình cố gắng hết sức với mong ước sau này chúng có thể sống nhàn hạ, sung sướng, nhưng liệu đôi khi có phải chúng ta đang làm quá mọi việc không?

Những đứa trẻ “làm thuê” cho giấc mơ “con thành đạt” của cha mẹ

Ở Việt Nam, đa số các bậc cha mẹ thường luôn có cảm giác con nhà mình không được như con người ta. Họ thường cảm thấy khó chịu khi con nhà người ta học giỏi văn giỏi toán, trong khi con mình tính cái gì cũng sai, viết chữ nào cũng lỗi, chỉ suốt ngày ca hát và làm “những trò vô bổ”…

Họ ép con ngồi vào bàn học, rồi dụ dỗ, có lúc còn nhiếc móc, cốt làm sao cho con từ bỏ “những trò vô bổ” và đạt được điểm 9, điểm 10, để vào trường chuyên lớp chọn, đậu vào đại học danh giá…., chứ chưa bao giờ hỏi con thích gì, đam mê gì, sở trường ở đâu… Mà quả thực, với những đứa trẻ được nuôi dạy theo lối mòn chỉ biết đến lớp, về nhà rồi vùi đầu vào sách vở, hẳn cũng chẳng biết là mình thích gì, đam mê gì!

“Sao con lại vẽ cái nhà kỳ cục vậy? Cái này phải để đây mới đúng chứ? Sao con tô dòng sông màu hồng vậy? Dòng sông phải màu xanh chứ?”... Cha mẹ luôn vô tình thốt lên những câu tương tự như vậy mỗi khi thấy con mình làm những điều mà theo họ là “trái với lẽ thường”.

Cha mẹ ép con ngồi vào bàn học, rồi dụ dỗ, có lúc còn nhiếc móc, cốt làm sao cho con từ bỏ “những trò vô bổ” và đạt được điểm 9, điểm 10 (Ảnh: dantri)

Muốn thành công thì con cần những gì? Về mặt năng lực, phải giỏi tiếng Anh, giỏi Toán, biết đánh Piano, học trường chuyên, đi du học. Về mặt kỹ năng, phải có năng lực lãnh đạo giỏi, lên kế hoạch chuẩn, quản lý thời gian tốt, về mặt xã hội, phải hòa đồng, xã giao tốt, biết tạo quan hệ… Và những đứa trẻ trở nên giống như robot, được trang bị toàn bộ những ‘bộ giáp’ này ngay từ lúc học mẫu giáo đến khi trưởng thành.

Những đứa trẻ đã đánh đổi tuổi thơ để “làm thuê” cho giấc mơ của cha mẹ (Ảnh: kenh14)

Đó hiển nhiên không hoàn toàn là lỗi của các bậc phụ huynh, bởi thế hệ của họ đã trải qua bao khốn khó, từ bé đã luôn được dạy là cần phải kiếm thật nhiều tiền, rằng giàu có sẽ đi liền với hạnh phúc. Tất cả những gì họ biết về phương trình hạnh phúc = kiếm nhiều tiền. Và kết quả là, thay vì để con cái tự lựa chọn con đường đi cho cuộc đời mình, cha mẹ lại dẫn chúng theo những lối mòn họ đã từng đi, biến chúng thành những “cỗ máy” làm thuê cho những giấc mộng còn giang dở mà thế hệ của họ chưa có cơ hội thực hiện, một cách không tự biết.

Và cái giá phải trả là một cuộc đời khiếm khuyết…

Tuổi thơ của đứa trẻ trôi qua chẳng có ký ức gì, vì ngày nào cũng giống nhau. Sáng đi học, chiều học thêm, sau đó ăn vội vàng bữa tối rồi mẹ chở đi học ở trung tâm tiếng Anh, về nhà học kèm thêm 1 tiếng Piano, và không quên chuẩn bị bài cho buổi sáng ngày mai. Những triết lý trong “Em phải đến Harvard học kinh tế” trở thành cẩm nang các bậc cha mẹ áp dụng để nuôi dạy con cái thành một đứa trẻ tài năng.

“Em phải đến Harvard học kinh tế” trở thành cẩm nang các bậc cha mẹ áp dụng để nuôi dạy con thành một đứa trẻ tài năng. (Ảnh:tiki)

Cái giá phải đổi lại là một tuổi thơ vô nghĩa liệu có đáng hay không? Liệu sau này, khi chúng ta trưởng thành, có ai mà đi nhớ những điểm 10, những tờ giấy khen, những bảng thành tích? Giống như người phương Tây vẫn cứ thắc mắc tại sao dân châu Á cứ suốt ngày phải lo học giỏi để kiếm việc ngon và làm giàu.

Cả tuổi thơ, những đứa trẻ chỉ được dạy cách làm sao để chiến thắng, chứ không được học cách đối đầu với thất bại và chấp nhận những khiếm khuyết của đời mình. Vì thế, chúng luôn phải tạo áp lực cố gắng cho mình, kể cả trong những giải lao và thậm chí còn chui vào những giấc ngủ.

Tiền hẳn là có thể đảm bảo cho hạnh phúc, nhưng cuộc sống có nhiều màu hơn chỉ là việc thành công và kiếm nhiều tiền. Đừng để những giấc mộng của cha mẹ trở thành ác mộng của con cái, bởi thành công phải trả bằng một cuộc đời khiếm khuyết là cái giá quá đắt!

Hiểu Minh