Nhân dịp Tết cổ truyền, một cuộc thi nấu ăn “Cỗ Tết với Philips” đã diễn ra. Có bốn đội vào chung kết, chia ra làm Mâm cỗ ba miền: Bắc, Trung, Nam và fusion (hiện đại).
Điều kiện trổ tài: sau khi được nhận tôm – thịt – rau thì sau 45 phút là phải hoàn thành món ăn. Mỗi đội được một chuyên gia ẩm thực nổi tiếng hướng dẫn và được phát đầy đủ dụng cụ Philips để thực hiện bữa ăn, từ nồi chiên đến máy xay, bếp từ, máy làm mì, nồi áp suất…
Nhóm Cỗ Tết miền Bắc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Võ Quốc đưa ra thực đơn: Nộm rau cần nước, Canh bóng bì, Chả chìa, Giò và Chè kho. Nhóm Cỗ Tết miền Nam cùng chuyên gia Diệu Thảo tung ra các món: Thịt kho hột vịt, Canh khổ qua, Chả giò, Bò nhúng giấm và Chè bà ba. Đội thi Cỗ Tết miền Trung cùng chuyên gia Hoàng Anh có các món: Cá thu kho lá trà xanh, Gà rô ti, Canh hoa kim châm và Tôm thịt ram. Đội Mâm cỗ hiện đại (Fusion) có chuyên gia Bảo Huỳnh tư vấn đưa ra thực đơn: Gỏi thẻ bưởi đỏ, Mì trường thọ (mì dài trăm mét), Bánh tét chiên kèm táo xanh dưa món, Thịt kho chiên giòn, Súp hạt sen…
Ai mê ẩm thực cũng biết tài danh của cô Hoàng Anh, cháu nội của đội trưởng cuối cùng của đội Thượng thiện nhà Nguyễn, tức chuyên lo việc bếp núc trong cung. Người Huế, ngoài nổi tiếng ăn cay nấu mặn, còn dùng rất nhiều gia vị cho các món ăn. Có 5 thứ hay dùng nhất gọi là ngũ tân: ớt – nghệ – tỏi – gừng và hành. Ớt chống ung thư tuyến tiền liệt, bệnh tai mũi họng, phòng sốt rét; ác liệt nhất có ớt hiểm và ớt mọi. Tỏi thì hạ cholesterol, giảm rụng tóc. Gừng trị ho. Còn nghệ phòng chống bệnh đường ruột, dạ dày, họng. Hành trị cảm cúm, nóng sốt…
Còn vô vàn thứ về ẩm thực Huế, nhưng bí quyết thí sinh tham gia hội thi học được từ cô Hoàng Anh là Cá Thu kho trà xanh không cần nước và dầu ăn. Đơn giản chỉ là dùng lá trà xanh xếp ở dưới đáy nồi, sau đó mới xếp cá lên, công dụng của lá trà xanh là để khử mùi tanh của cá. Ướp cá với nước mắm, bột nêm, đường, ớt quả và một chút muối trong vòng 15 phút để thấm gia vị. Khi kho cá, để bếp ở chế độ lửa lớn nhất để nước trong cá tiết ra, sau đó đợi cá sôi bùng lên trong khoảng 5 phút thì vặn lửa liu riu cho đến khi cạn nước. Với cách làm đơn giản như vậy, bạn sẽ có một nồi cá kho thơm phức để dùng trong bữa cơm gia đình hoặc dịp lễ Tết.
Cô Diệu Thảo – chuyên gia ẩm thực Nam bộ, hào sảng tươi cười. Cô Thảo chia sẻ: Bên cạnh các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, món ăn phụ đi kèm theo như dưa giá, dưa chua cũng góp phần tăng thêm hương vị đậm đà cho mâm cỗ Tết. Chẳng hạn như món Thịt kho trứng kèm thêm chút vị chua ngọt của dưa giá sẽ giúp món ăn đỡ ngán, tăng thêm vị giác khi thưởng thức. Nhưng dưa giá thường phải mất một ngày để chế biến, làm sao trong ngày Tết bận rộn có thể đủ thời gian để chuẩn bị? Bí quyết là, với một chút giấm, một chút muối, một chút đường, bóp đều hỗn hợp và ủ trong 45 phút là bạn có được món dưa giá ngon lành. Với cách này, dưa giá vẫn đảm bảo giòn tươi, có vị chua như dưa giá lên men truyền thống…
Cùng chuyên gia Võ Quốc, món Chè kho “siêu tốc” đã hoàn thành trong vòng 45 phút. Đậu xanh cà vỏ rửa sạch, cho vào nồi áp suất với ít nước, nấu trong 20 phút là chín mềm. Lấy ra nhào bằng máy trộn Philips cho đến khi dẻo mịn, rồi đem trộn với đường, thêm vài giọt vani hay tinh dầu bưởi…
Chuyên gia Bảo Huỳnh bật mí công thức nấu món Thịt kho nước dừa chiên giòn trong vòng 45 phút: “Bí quyết cho món ăn này là trước khi kho thịt, bạn nên dùng chỉ buộc 3 vòng ngang và một vòng dọc miếng thịt. Sau khi rim sơ thịt với nước mắm và nước dừa, sử dụng nồi áp suất Philips để thịt chín nhanh, tiết kiệm thời gian. Sau 15 phút, bạn vớt thịt ra, để nguội và cho vào nồi chiên không khí Philips, bật chế độ chiên 15 phút với 180oC là bạn đã có món thịt kho vừa ngon lại lạ miệng.
Kết quả là đội làm Mâm cỗ miền Bắc đã đoạt Giải nhất.
CHI CHU