Thời gian trở lại đây, câu hỏi “có nên hợp thức hóa mại dâm?” lại trở thành tâm điểm của nhiều cuộc bàn luận xã hội. Rất nhiều lý lẽ, góc nhìn được đưa ra để xem xét vấn đề. Bên cạnh những luận điểm mang tầm vĩ mô của những người làm chính sách, hãy cùng nhìn nhận câu hỏi này ở một góc độ nhỏ và hẹp hơn – Từ một gia đình yên ấm. Đây rất có thể là nơi có biến động lớn và trực tiếp nhất nếu quyết định hợp pháp hóa này trở thành hiện thực. 

Bạn đọc đa phần đã có cho mình trải nghiệm về một gia đình êm ấm

Trải nghiệm đó có thể dài, có thể ngắn, nhưng chúng ta đều có thể công nhận với nhau rằng: “Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Khi có được chữ Thuận giữa người nam và người nữ trong gia đình, cảm giác ấm cúng, được sẻ chia sẻ luôn hiện hữu. Ngôi nhà chắc chắn sẽ thành tổ ấm.

Tổ ấm gia đình không gì sánh được. (Ảnh minh họa: MarryBaby)

Nơi ấy, chồng sẽ nhìn thấy nỗi buồn trên khuôn mặt vợ, để rồi hỏi han và chia sẻ những nỗi lo. Còn vợ sẽ là người để ý đến sắc mặt chồng, có nhợt nhạt không, có quầng mắt không, bởi những điều nhỏ nhặt ấy sẽ cho biết rõ về sức khỏe và tâm trạng. Họ cứ luân phiên dành sự quan tâm, chăm sóc và chia sẻ vui buồn với nhau như thế mỗi ngày.

Nơi ấy, con trai được nuôi dưỡng trong sự quan tâm âm thầm, đúng mực của cha; con gái nhìn mẹ để học được đức hạnh và phương cách yêu thương. Để rồi lớn lên và trở thành những người biết quan tâm, biết sống vì người khác như cha mẹ chúng. Mỗi lần lạc lối, lại theo những điều cha mẹ dạy, những ngày chứng kiến cách cha mẹ sống để tìm lối thoát cho mình.

Hợp thức hóa mại dâm, đôi điều về cách hiểu

Nói một chút về hợp thức hóa hoạt động mua bán này, nhìn ở một góc độ khác, phải chăng nó chính là đang hợp thức hóa “dục vọng” của con người.

Ngày trước, con người có những đạo lý như Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín làm kim chỉ nam để sửa mình. Người ta sẽ biết cách ước thúc và kiềm chế bản thân. Nhưng tới thời hiện đại, những đạo lý ấy đã bị lãng quên, chỉ còn lại pháp luật để kiềm chế cái tâm ham muốn này. Nhưng nếu mọi thứ công khai, cái khóa cuối cùng ấy cũng mở, con người sẽ phóng túng bản thân mình tới đâu? Hễ ham muốn tới, người ta có thể thỏa mãn nó không chút bận lòng.

Vậy một ngày kia, ở xứ sở của người Việt ta, khi nhà thổ được hợp thức hóa, việc “mua bán ham muốn” được công nhận, điều gì sẽ xảy ra với gia đình nhỏ kể trên. Nó có đe dọa đến nơi được gọi là “tổ ấm”?

Nhìn vào bên trong

Khi bạn và cô ấy có khoảng cách (Ảnh minh họa: Hôn nhân gia đình)

Hãy cùng tưởng tượng…

Bạn là một người đàn ông đã có gia đình. Nhưng bạn đã chung sống với cô ấy nhiều năm. Vợ bạn cũng không còn là một cô gái trẻ đầy sức sống. Hình ảnh của cô ấy bây giờ xuề xòa, thân hình xồ xề vì vừa sinh cho bạn đứa con thứ hai. Đôi mắt cô ấy không còn nhiều lấp lánh như ngày còn son rỗi. Và đặc biệt, cô ấy không còn đủ thời gian dành cho riêng bạn. Khi đó, có một nơi gọi là khu phố đèn đỏ đang mở cửa, bạn không hề vi phạm pháp luật khi bước vào.

Lúc này, bạn có nghĩ rằng mình đủ vững vàng để vượt qua suy nghĩ sẽ tìm kiếm điều gì từ nơi chốn đó, để giữ cho được niềm tin của người vợ yêu thương?

Thế rồi bạn có thể nói rằng, một vài lần cũng sẽ không hại gì tới cuộc hôn nhân trăm năm của mình. Bởi ở khu phố ấy, chỉ thuần những dục vọng, chứ không hề có sự yêu thương.

Nhưng bạn có chắc chắn rằng mình đủ vững vàng để biết sẽ không có lần tiếp sau, sẽ không có cảnh “ngựa quen đường cũ” và bạn có thể làm chủ bản thân, không để mình bị “dục vọng”, “lòng tham” dẫn lối và nhấn chìm?

Nhìn về tổ ấm

Trước khi quyết đinh, hãy một lần nhìn về tổ ấm. (Ảnh minh họa: cuucshuehn)

Tiếp tục chuyến đi trong tưởng tượng đến khu phố đèn đỏ ấy. Và tình huống là khi bạn đã mua bán xong thứ mình cần, hoàn toàn an toàn với pháp luật, sẽ không có công an đến hỏi, cũng không phải lén lút, giấu diếm. Bạn đường hoàng bước vào rồi bước ra.

Không có điều gì xảy ra cho tới khi bạn về nhà và nhìn thấy người vợ thân yêu. Cô ấy dành cho bạn nụ cười hiền hậu, trao cho bạn ánh mắt đầy tin tưởng như mọi ngày. Khi cô ấy nhắc bạn hãy tắm rửa để có thể thưởng thức bữa cơm cho thoải mái. Và rồi khi ngồi vào bàn, bạn nhìn thấy bữa cơm ấm cúng mà vợ đã cặm cụi nấu nướng suốt cả buổi chiều, sau khi tất tả đón con về.

Khi ấy, bạn có đủ thanh thản để đón nhận tấm lòng, sự tận tâm và tình yêu thương của vợ?

Một lần khác, khi đi qua khu phố vốn đem lại khoái lạc cho bao người ấy, bạn bỗng thấy một bóng dáng quen thuộc, thân thương bước ra từ con phố. Cũng cái cái dáng vẻ giống bạn lúc trước, điềm nhiên, không dấu diếm. Bạn tức giận và đuổi theo người phụ nữ ấy, mong làm cho rõ vấn đề. Nhưng may mắn thay, cô ấy là người lạ, không phải là người vợ hiền thảo của bạn.

Lúc này đây, bạn cảm thấy thế nào khi người phụ nữ mình thương, mẹ của các con mình sẽ bước vào nơi chốn ấy? Bạn có chắc mình đủ thản nhiên để đón nhận điều này?

Nhìn đến tương lai

Trước khi quyết đinh, hãy một lần nghĩ xa hơn những ham muốn của bản thân mình. (Ảnh minh họa: BigSchool)

Khi những nhà thổ trở thành chốn công khai, vậy khi ấy lại có thêm một cái nghề được liệt vào danh sách “những nghề nghiệp cho tương lai”. Và bạn sẽ nghĩ gì khi đứa con 5 tuổi của mình tròn xoe mắt ngạc nhiên: “Bố ơi, mẹ của bạn con làm nghề “mại dâm”, cô ấy làm nghề gì hả bố?”

Lúc này, bạn sẽ trả lời đứa con ngây thơ của mình như thế nào? Bạn có đủ can đảm để nói cho đứa trẻ của mình biết rằng, cô ấy bán đi thân thể để kiếm tiền và những khách hàng của cô ấy là những người mong muốn thỏa mãn ham muốn của mình.

Khi những đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, bạn cần dạy cho các con về sự thủy chung, về tình yêu, về những điều cao đẹp khi trở thành người lớn. Bạn nói với con về trách nhiệm thương yêu những người mà các con sẽ lấy làm vợ, làm chồng. Nhưng con bạn có thể hỏi, bố ơi, vậy con có thể đến khu phố đèn đỏ khi cần, đúng không ạ? Điều này không phải là sự phản bội, nó sẽ không làm sứt mẻ sự thủy chung đúng không ạ?

Trước câu hỏi mang tính định hình nhân cách này, bạn có đủ cam đảm để trả lời với con rằng: “Không con ạ, đó là một điều đáng xấu hổ, một sự lừa dối mọi người và chính mình con ạ”. 

Rồi đến một ngày, cô con gái mà bạn cưng chiều, yêu thương hết mực nói với bạn rằng: Bố mẹ, con quyết định rồi, con không muốn học hành nhiều nữa, có một nghề khác dễ dàng hơn, được mặc đẹp, được phấn son và được nhiều tiền. Con muốn làm một cô gái bán hoa.

Khi ấy, bạn có đủ can đảm để nhận ra rằng mình có thể sẽ mất đứa con gái quý giá vào “động quỷ”. Bạn khi ấy liệu có đủ bình tĩnh để nói với con rằng, đó là nơi con cần tránh xa. Đó không phải là nơi dành cho con người. Bởi ở trong đó, người ta sống với phần “con”  đầy ham muốn chứ không phải với phần “người” biết suy xét và giữ gìn phẩm giá của mình.

Tới đây, nếu bạn đã có tất cả các câu trả lời cho chính mình, người viết tin rằng bạn đã có được một góc nhìn về những điều có thể xảy ra khi những khu phố đèn đỏ không còn bị cấm. Hy vọng rằng, nó giúp bạn có được chính kiến của mình.

Gia đình là tế bào của xã hội. Một gia đình hạnh phúc, an ổn mới có một xã hội phát triển thịnh vượng và an bình. Quyết định “hợp pháp hóa dục vọng” của con người có góp phần vào việc gìn giữ vào sự an ổn và ấm êm của một gia đình?

Hy Văn