Có thể bạn chưa biết, hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đều sở hữu một đội quân các chuyên viên phân tích hành vi nhằm mục đích duy trì sự chú ý của người dùng trên các thiết bị điện tử càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, ở đâu đó trong thung lũng Silicon, nhiều người đang bắt đầu tìm cách “phá hủy” xu thế chung của làn sóng phát triển công nghệ này.

Thời đại của những chú chim bồ câu tự huyễn

Rất nhiều người trong chúng ta đều không hiểu tại sao mình rất khó tách khỏi chiếc điện thoại hay mạng xã hội như Facebook, Twitter… Có lẽ bởi chúng ta đã không biết đến câu chuyện con chim bồ câu tự huyễn của BF Skinner.

Năm 1950, Skinner đặt con chim bồ câu vào chiếc lồng đóng kín, chỉ có một chiếc cửa sổ mở ra và bên ngoài chiếc lồng là khay thức ăn. Bên trong chiếc lồng có một chiếc nút bấm bằng nhựa plastic. Mỗi khi chim bồ câu muốn ăn, nó phải gõ mỏ vào chiếc nút, chiếc cửa sẽ tự động mở ra và nó có thể thò đầu tới chỗ chiếc khay lấy thức ăn. Sau nhiều lần như vậy, chim bồ câu học được rằng muốn ăn cần gõ mỏ vào chiếc nút bấm.

Chúng ta liệu có trở thành những con chim bồ câu trong thời đại công nghệ. (Ảnh: Science Source)

Sau khi để chim bồ câu thành thục với thói quen này, Skinner cài đặt lại hệ thống lồng. Chiếc nút bấm không còn tác dụng, không chỉ một cú mổ là có thức ăn, nó phải mổ nhiều lần, nhiều lần, cho tới khi chiếc cửa chịu mở và số lần không quy định cụ thể, điều này khiến con chim bồ câu phát khùng. Nó phải mổ liên tục hàng giờ mà chẳng biết khi nào chiếc cửa sẽ mở để nó có thể lấy thức ăn. Và có một thực tế rằng, trong suốt 6 thập kỷ đã qua, chúng ta đang biến mình trở thành những con chim bồ câu mổ điện thoại, tìm tin mới, đọc tin nhắn, tiêu xài thời gian vào các trò chơi game, lướt mạng xã hội,…

“Cai nghiện” điện thoại bằng một ứng dụng

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Trong thời buổi công nghệ smartphone, “sự chú ý” của chúng ta ngẫu nhiên trở thành loại hàng hóa có giá trị nhất được săn đón trên khắp “các sàn giao dịch công nghệ”. Tại các công ty công nghệ, nhiều ông chủ đầu tư quyết định thiết lập hẳn một đội quân các nhà nghiên cứu hành vi và sở thích của người dùng nhằm kéo dài thời gian cầm điện thoại trên tay lâu nhất có thể. Tuy nhiên, trái với xu thế đang phát triển như vũ bão của công nghệ, một vài cá nhân đã can đảm đứng ra lựa chọn điều ngược lại. Đơn giản vì họ cho rằng công nghệ đang phá hủy hạnh phúc gia đình mình. Một vài chuyên viên cấp cao đến từ thung lũng Silicon đang xây dựng bộ đếm chương trình các tin nhắn cảnh báo về thời lượng truy cập mạng gây ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi của chúng ta.

Chúng ta đang trở thành nô lệ của thiết bị điện tử trong thời đại công nghệ. (Ảnh: BGR)

Nhóm nhỏ này đang dần tăng lên, càng ngày càng có thêm nhiều người tham dự vào những dự án nghiên cứu đưa người dùng vào vòng kiểm soát đối với các thiết bị công nghệ. Bước đột phá thành công gần đây nhất, chính là việc 2 ông trùm công nghệ là Google và Apple đã quyết định hợp tác với dự án này nhằm giúp người dùng giảm thiểu thời gian sử dụng điện thoại.

Trong nghiên cứu mới, Nick Fitz, một nhà nghiên cứu hành vi tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina, đã theo dõi việc sử dụng điện thoại của hơn 200 người. Phần lớn họ đều nhận được từ 65 đến 80 thông báo mỗi ngày. Khi điện thoại loại bỏ các tín hiệu thông báo, sự tập trung của họ tăng lên và tình trạng căng thẳng giảm xuống.

Nhờ kết quả này, Nick và cộng sự của mình đã cùng nhau nghiên cứu ra một ứng dụng mới nhằm gỡ bỏ những tín hiệu thông báo chuyển về 3 lần nhận tin trên ngày: Sáng, trưa, chiều. Những người dùng được cài ứng dụng mới chia sẻ rằng, họ cảm thấy bớt căng thẳng, không còn bất an và năng suất hoạt động cũng trở nên cao hơn.

Công nghệ khiến con người xa cách

Kề về nguồn gốc của ý tưởng tạo ra loại ứng dụng điện thoại đi ngược xu thế chung, Nick chia sẻ:

Tôi nhận ra mình ngồi trong phòng tắm lướt Instagram trong khi người cha già 78 tuổi đang mòn mỏi đợi tôi bên ngoài.

Nhận ra mặt trái của công nghệ đã làm thay đổi khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình, Nick dần dần từ bỏ Facebook và Instagram. Trên máy, anh chỉ cài đặt một ứng dụng mở rộng có tên là “Mortality” (Tạm dịch: Tử vong). Bất kỳ khi nào online, Nick sẽ được chào đón bởi một cột tín hiệu đen trắng đếm ngược những ngày tháng anh còn được sống trên đời. Phần mềm được thiết lập dựa trên cách tính tuổi thọ trung bình của đời người.

“Tôi không nói rằng công nghệ là xấu, nhưng chúng ta nên có ý thức về cách chúng ta sử dụng nó và cách nó đang sử dụng chúng ta”. Ví dụ: Trung bình, một người Mỹ cứ 20 phút sẽ kiểm tra điện thoại của mình một lần. Nghiên cứu thị trường cho thấy, người dùng bấm phím điện thoại trung bình 2.617 lần/ngày.

Kevin Holesh đã ấp ủ giấc mơ nghiên cứu ra loại ứng dụng kiểm soát hoạt động của con người với điện thoại. (Ảnh: Washington Post)

Trong ứng dụng của mình, Kevin Holesh sử dụng bẫy ngược nhằm giúp người dùng tránh xa “nỗi thèm khát” công nghệ của họ. Trong một nghiên cứu năm 2014, 46% người dùng trả lời rằng smartphone là thứ “họ không thể sống thiếu”. Ngày nay, thói quen này đã trở thành nguồn lực mạnh mẽ tiếp sức cho nền kinh tế Internet. Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong nhóm các chuyên viên đi đầu về thiết kế công nghệ hành vi là Nir Eyal – tác giả của cuốn Hooked – cuốn sách bán chạy nhất năm 2014 được đón nhận tại thung lũng Silicon.

Eyal phân ra 4 nhân tố công nghệ gây chú ý nhất cho người dùng bao gồm:

  • Tiếng “ping” từ một tin nhắn chưa đọc
  • Hành động (nháy mở một ứng dụng)
  • Đầu tư người dùng (nhấn like hoặc comment vào các tin)
  • Phần thưởng

Điều quan trọng là tất cả người dùng đều được ví như những chú chim bồ câu trong chiếc lồng của Skinner, họ sẽ chẳng biết được họ sẽ mổ bao lâu cho tới khi nhận được phần thưởng.

Trước khi quyết định khởi nghiệp công ty mới, chuyên viên phát triển mạng Kevin Holesh đã đọc tác phẩm của Eyal và nhiều chuyên gia khác từng nghiên cứu về hành vi con người một cách kỹ lưỡng và cẩn thận.

Tại thời điểm này cách đây 5 năm trước, Kevin càng cảm thấy giận chính mình và buồn bực về mối quan hệ giữa anh và người vợ sắp cưới: “Chúng tôi đi làm cả ngày. Buổi tối, chúng tôi vừa ăn tối vừa nói chuyện vừa ngó nghiêng cập nhật mọi thứ trên điện thoại. Rồi chúng tôi xem vô tuyến, cơ bản là thu mình trong thế giới riêng của mỗi người”, Kevin chia sẻ với phóng viên tờ Washington Post.

Nhận thấy những điều bất ổn trong mối quan hệ, anh quyết định tạo ra một ứng dụng nhằm phá hỏng thứ khiến anh và vợ mình ngày càng trở nên xa cách. Sau một thời gian nghiên cứu, Kevin đã sáng chế ra loại ứng dụng có thể gửi đi những thông báo nhắc nhở anh và vợ đã dùng điện thoại quá lâu, ứng dụng cũng có tác dụng như một loại trò chơi với mục tiêu giảm thời gian sử dụng điện thoại ít hơn, cho tới khi họ có thể tự kiểm soát được bản thân. Hiện nay, ứng dụng Moment là một trong những ứng dụng lành mạnh nhất với sổ lượt tải về là 5,9 triệu lần.

Cuộc sống của Kevin và vợ đã trở nên gần gũi hơn từ khi họ hạn chế sử dụng điện thoại. (Ảnh: Washington Post)

Không lâu sau khi cho ra đời ứng dụng mới, cuộc sống của Kevin và vợ đã thay đổi rất nhiều. Họ cùng nhau trò chuyện và trao đổi với nhau rất nhiều, đó chính là điều Kevin đã mong đợi. “Chúng tôi cùng nhau nấu nướng. Trong bữa tối, chúng tôi nói chuyện về những mục tiêu trong cuộc sống. Bàn về việc sinh con,… đó là những đề tài mà vợ chồng tôi dành nhiều thời gian để trao đổi hơn gần đây. Chúng tôi dành nhiều thời gian đọc sách và ngủ nhiều hơn”.

Ngoài Moment, một vài ứng dụng cảnh báo người dùng về thời gian sử dụng điện thoại khác cũng được đưa vào sử dụng trong 2 năm gần đây. Phổ biến nhất trong số đó phải kể đến Forrest, với tính năng cấy một cây ảo vào điện thoại của bạn. Khi bạn không sử dụng đến điện thoại, cái cây vẫn có thể lớn bình thường, những khi bạn cầm chiếc điện thoại lên, cái cây sẽ khô héo và chết.

Cái cây sẽ trở nên héo mòn mỗi lần anh ấy dùng đến điện thoại. (Ảnh: Washington Post)

“Tôi không biết vì sao tôi lại quan tâm nếu những cái cây này chết”, một người dùng nhận xét trên iTunes. Ngoài ra các ứng dụng khác như Freedom, SelfControl, AppDetox,… đều có công dụng hỗ trợ người dùng chặn các chương trình hoặc ứng dụng khó bỏ.

Andrew Dunn, một nhà quản lý sản phẩm ở San Francisco, gần đây đã xúc tiến một chương trình đặc biệt dành cho người dùng điện thoại Android, họ sáng tạo ra một loại màn hình điện thoại mới: Lược bỏ những biểu tượng hấp dẫn màu sắc trên các ứng dụng, cách tiếp cận các ứng dụng có khả năng làm mất nhiều thời gian khó hơn,…

Trong 3 năm kể từ khi xuất bản cuốn Hooked, Eyal đã tập trung nhiều hơn vào tầm quan trọng của đạo đức thay cho việc chỉ chú trọng đến tính kỹ thuật của thiết kế. Anh kể rằng anh không cảm thấy hối hận vì đã viết cuốn sách: “Luôn có những điểm bất lợi đối với công nghệ mới. Giải pháp không phải là vứt bỏ nó đi mà làm nó trở nên tốt hơn”.

Trong suốt 5 năm qua, Eyal đã âm thầm tìm đến những ông trùm công nghệ lớn nhất thế giới để trao đổi với họ về việc lắp đặt ứng dụng yêu cầu người dùng ngừng lạm dụng công nghệ. Họ đều cho rằng ý tưởng của anh thật tuyệt, nhưng chưa có ai đứng ra để thầu chính sách này.

Eyal, Nick, Kevin đã dũng cảm lựa chọn con đường ngược lại với xu thế và đứng lên cất tiếng nói riêng nhằm mục đích bảo tồn những giá trị họ cho rằng xứng đáng hơn đó là Đạo đức và tình người. Chặng đường còn rất dài, hy vọng họ giữ vững niềm tin trên con đường đã chọn!

Liễu Nguyện