Trong các sắc dân trên thế giới, có lẽ hiếm có dân tộc nào chịu số phận bị đọa đày, miệt thị và khổ ải như dân tộc Do Thái. Trải qua hơn 2000 năm lưu vong, tứ tán khắp nơi và chỉ được thực hiện “giấc mơ phục quốc” mãi cho đến năm 1948. Hàng trăm ngàn người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới đổ về mảnh đất Israel, sát cánh cùng nhau, bắt tay xây dựng và bảo vệ đất nước giữa vòng vây cấm vận của các quốc gia Hồi giáo thù nghịch.

Trên vùng đất khô cằn, tồi tàn và thiếu nước ấy, người Do Thái đã biến Israel trở thành “ốc đảo xanh tốt”, trở thành “quốc gia khởi nghiệp” và phát triển như một kỳ tích, khiến thế giới không khỏi giật mình thán phục.

Hãy tạm quên đi khung trời tự do của cường quốc Mỹ, tạm gác lại nếp sống văn minh của người Nhật hay những câu chuyện hạnh phúc ngọt ngào ở Bắc Âu để tìm hiểu về đất nước Israel nhỏ bé, non trẻ vẫn thường được nhắc đến trong những tin tức chiến tranh cùng những sa mạc nóng bỏng dài tít tắp, biết đâu, bạn sẽ tìm thấy những điều lý thú và kỳ diệu…

***

Ngày 28/9/2016, cố Tổng thống Israel Shimon Peres đã qua đời ở tuổi 93. Được xem là một trong những học trò xuất sắc nhất của David Ben-Gurion, người đã sáng lập ra nước Israel hiện đại, ông Peres vừa là người khai sinh nền công nghiệp quốc phòng Israel, vừa được giải Nobel Hòa bình, lại vừa là cha đẻ mô hình “quốc gia khởi nghiệp”.

Dù là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Israel, nhưng cố Tổng thống Peres cũng là một nhà đàm phán xuất sắc và là người kiến tạo hòa bình. Với những đóng góp vào hiệp định hòa bình Oslo giữa Israel và Palestine, ông đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1994. Ông cũng là người khởi động cho hòa ước giữa Israel và Jordan được ký năm 1994, chấm dứt 46 năm chiến tranh giữa 2 quốc gia láng giềng này.

Vùng đất của chúng ta nhỏ, vì thế sự hòa giải của chúng ta phải to lớn. Tôi muốn nói với đoàn đại biểu Palestine là chúng tôi chân thành… Tất cả chúng ta hãy biến đạn pháo thành những lá phiếu, biến súng ống thành cuốc xẻng. Chúng tôi sẽ cầu nguyện với các bạn. Chúng tôi sẽ giúp đỡ các bạn làm Gaza thịnh vượng và Jericho bừng nở trở lại.

Những phát biểu trong bài diễn thuyết đã khiến ông Shimon Peres được nhớ tới trên chính trường thế giới – một người Israel đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hàn gắn và đấu tranh cho hoà bình.

Tổng thống Shimon Peres (giữa) nhận giải Nobel hòa bình năm 1994 cùng Yasser Arafat và Yitzhak Rabin. (Ảnh: Wikimedia)

Với cộng đồng doanh nghiệp Israel, di sản quan trọng nhất mà Peres để lại cho họ chính là việc ông đã biến đất nước nhỏ bé chưa tới 9 triệu dân này thành “quốc gia khởi nghiệp” khiến cả thế giới phải học tập theo. Khi Peres lên làm Thủ tướng Israel vào năm 1984, quốc gia này đang trong tình trạng rối loạn nghiêm trọng: khủng hoảng ngân hàng, lạm phát phi mã lên tới 400%, thâm hụt ngân sách lên tới 15% GDP, nợ công đạt 220% GDP, dự trữ ngoại tệ cạn kiệt…

Tổng thống Shimon Peres (góc trái dưới) tại nhà máy của Intel ở Israel. (Ảnh: timesofisrael.com)

Trước tình hình đó, Peres đã đưa ra hàng loạt quyết định quan trọng để vực dậy nền kinh tế. Ngày 30-6-1985, ông tổ chức một cuộc họp nội các để bàn thảo về kế hoạch mới. Sau 19 tiếng đồng hồ ngồi họp không ngừng nghỉ, đến sáng ngày 1-7 họ công bố một chương trình đầy táo bạo, với nhiều cải cách “đau đớn” nhưng cần thiết như cắt giảm ngân sách, tăng lãi suất và đổi tiền.

Tổng thống Shimon Peres (trái) ngồi trong khoang lái của chiến đấu cơ Lavi “made in Israel”. (Ảnh: Wikimedia)

Với nhiều người, đó cũng là ngày ra đời của nền kinh tế Israel hiện đại. Tới cuối năm ấy, lạm phát của Israel giảm xuống còn 20%, còn tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng hơn 1% trước khi lại giảm xuống. Đồng tiền shekel của Israel cũng được ổn định tỷ giá trở lại, và ngân sách chính phủ nhanh chóng được cân bằng. Các chính sách của Peres cũng mở đường cho Israel từ chỗ là một nền kinh tế kế hoạch tập trung cao độ trở thành một nền kinh tế thị trường tự do, và từ đó biến thành “quốc gia khởi nghiệp”.

Tổng thống Peres (ngồi giữa) cùng các lãnh đạo Israel thử nghiệm công nghệ thực tế ảo vào tháng 7-2016. (Ảnh: Newsweek)

Mặc dù không sử dụng smartphone và cũng không xem tin tức online, nhưng Tổng thống Peres lại là người không bao giờ ngừng nghỉ trong việc tạo dựng cơ hội kinh doanh cho các công ty khởi nghiệp của Israel. 

“Peres là nhà tiên tri cho nền kinh tế công nghệ cao của Israel, và là người hiểu được thế giới công nghệ hơn cả những người trong ngành”, ông Maxine Fassberg, CEO của chi nhánh Intel tại Israel nhận xét.

Sống là luôn giữ giá trị và nhân phẩm cho bản thân

Tổng thống Peres luôn sống và làm việc theo tôn chỉ: “Thà gây tranh cãi vì những chuyện đúng, còn hơn là được yêu quý vì những chuyện sai”. Ông cho rằng con người đầu tiên cần phải thấu hiểu chính bản thân mình, từ đó sẽ biết cách đối xử tốt với người khác. Ông cho rằng: “Cần đối xử với người khác theo cách mà mình mong muốn nhận được” đồng thời cũng ví von rằng: “Nền văn minh nhân loại bắt nguồn từ việc phát minh ra chiếc gương soi”.

Tổng thống Peres chụp hình cùng các binh sĩ Israel. (Ảnh: idfblog.com)

Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là dám làm. Điều phức tạp nhất trong cuộc sống là sợ hãi. Điều khôn ngoan nhất trong cuộc sống là làm người có đạo đức”.

Không “gào thét” để chứng minh bản thân

Tổng thống Peres từng nói: “Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, tôi tin rằng nói năng nhẹ nhàng bao giờ cũng hiệu quả hơn”.

Doanh nhân David Sackman, người từng được nghe Peres nói chuyện trong 1 tiếng đồng hồ, nhận xét: “Ông ấy là một người nhỏ con và nói năng rất nhẹ nhàng. Nhưng những ý tưởng mà Peres trình bày làm cho chúng tôi dính chặt vào ghế ngồi của mình và cố nghe hết từng lời một. Bài học từ ông ấy là nếu bạn nói ra những điều thực sự quan trọng, thì mọi người sẽ tự khắc lắng nghe. Nếu người ta không lắng nghe, thì hoặc là những gì bạn nói không quan trọng, hoặc không làm cho người ta hiểu được”.

Trân trọng người bạn đời của mình

Lúc kết hôn với người bạn đời của mình – Sonia Peres, Tổng thống Shimon Peres chỉ có 3 món tài sản duy nhất: 2 chiếc quần dài và 1 đôi giày. Có lẽ khi ấy họ không thể ngờ rằng cả hai sẽ gắn bó cùng nhau suốt 67 năm sau đó, cho tới khi Sonia qua đời vào năm 2011. 

Trái với hầu hết những bà vợ của các chính trị gia, Sonia là người chưa bao giờ thích xuất hiện trước công chúng và dư luận. Làm trưởng một hội từ thiện cho trẻ em, bà thường xuyên là người xung phong tình nguyện đi cọ rửa sàn nhà và trực tiếp trao thực phẩm đến tay những trẻ em cơ nhỡ.

Nói về vợ mình, Tổng thống Shimon Peres cho biết: “Tôi chưa bao giờ yêu ai khác ngoài một người duy nhất là cô ấy. Tôi là một người đang yêu suốt cả cuộc đời. Người phụ nữ tôi yêu cũng là đồng minh thân cận suốt đời của tôi”.

Tổng thống Shimon Peres và người vợ Sonia. (Ảnh: ynetnews.com)

Thứ tình yêu duy nhất có thể vượt lên tình yêu mà Tổng thống Shimon Peres dành cho Sonia là tình yêu đất nước. Khi Sonia phản đối việc ông lên làm tổng thống năm 2007, ông đã trả lời: “Anh đã phục vụ nhân dân và tổ quốc cả đời. Đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc đời anh. Anh không biết nghỉ ngơi là gì, với anh nghỉ ngơi giống như là hấp hối vậy. Anh sẽ chết mất nếu như không nhận nhiệm vụ này”. Chính vì mâu thuẫn này đã khiến 2 người ly thân với nhau, thế nhưng, họ chưa bao giờ từng nghĩ đến chuyện ly dị.

Dù vậy, khi nhậm chức Tổng thống, Shimon vẫn tuyên bố trước mọi người rằng Sonia là tình yêu trọn đời của ông. Khi Sonia qua đời vào năm 2011, Shimon đã nói: “Tôi yêu cô ấy từ cái nhìn đầu tiên. Tình yêu ấy sẽ ở mãi bên tôi cho tới khi đến lượt tôi cũng nhắm mắt lại vĩnh viễn”.

Thiện Nam