Ngoài cách làm mứt chuối thì bạn có thể tham khảo cách làm chuối sứ ép phơi khô dưới đây nhé!
Chuối sứ còn được gọi là chuối xiêm, do ngày xưa vua Xiêm La triều cống cho nước ta nên mới có tên như vậy. Hình dáng hai đầu thon và nhỏ, phần giữa to hơn, trên vỏ có ba gờ và cuống dài; khi chín màu vàng, phần thịt màu trắng nõn vị ngọt.
Chuối sứ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như: Các loại vitamin, tinh bột, protein, các chất khoáng như magie, natri, canxi, kẽm, sắt, kali, phosphat… Do đó, chúng được dùng để chế biến rất nhiều món ăn như: Kem chuối, chè chuối, chuối chiên, chuối nướng, chuối luộc… Không những chuối sứ có thể ăn chín mà lúc trái xanh sống còn có thể dùng trong rau ghém, đồ cuốn ăn kèm.
Ngoài ra, trong chuối sứ còn chứa 2 hợp chất là Serotonin và Norepinephrine (NE) có tác dụng quan trọng trong y học.
Hôm nay bạn hãy cùng Bếp Đại Kỷ Nguyên làm món chuối sứ ép phơi khô được đăng tải trên Facebook Ngô Tuyết Phượng ăn vừa lạ miệng lại an toàn nhé:
Nguyên liệu:
- Chuối sứ (chuối xiêm) chín.
- Gừng
- Mẹt hoặc mâm phơi
- Giấy nến
Cách làm:
– Chuối bỏ vỏ, cẩn thận lấy phần chỉ để khi phơi chuối không bị đen. Sau đó, bạn cắt dọc ra 3-4 miếng tuỳ vào kích thước to nhỏ của quả chuối.
– Cắt giấy nến theo kích cỡ quả chuối, để khi chuối khô sẽ dễ lấy ra hơn.
– Cho giấy nến lên thớt, cứ một miếng giấy nên thì bạn đặt một miếng chuối lên rồi dùng thớt đè cho dẹp. Làm lần lượt như thế cho đến hết rồi cho chuối ra mâm.
– Gừng giã nhuyễn, cho xíu nước vào trộn đều. Dùng cọ quệt đều lên chuối rồi đem phơi.
– Phơi ngoài nắng khoảng 2 ngày khi thấy chuối khô mặt, bạn trở qua mặt kia phơi thêm 2-3 ngày. Tuy nhiên nếu trời nắng to thì bạn có thể thử vị chuối để có thể giảm thời gian nhé!
– Khi phơi dùng vải mỏng đậy để tránh bụi và côn trùng. Khâu này nếu gia đình có mấy sấy thì cho vào sấy sẽ nhanh hơn.
– Sau khi hoàn tất, bạn cho chuối phơi vào hộp kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc để nơi thoáng mát.
Tác dụng khi ăn chuối sứ đối với sức khoẻ
Trên tờ Bách Hoá Xanh đăng tải một số công dụng đối với sức khoẻ của chuối sứ, bạn có thể tham khảo và nhanh chóng thêm vào thực đơn gia đình nhé:
Tăng cường hệ tiêu hóa: Trong chuối sứ có hàm lượng lớn chất xơ góp phần tăng cường hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giúp thức ăn di chuyển thông suốt trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, chứng ợ nóng cũng được tiêu giảm nếu bạn có thói quen ăn chuối thường xuyên. Do đó, chuối sứ được xem là nguyên liệu chữa được bệnh trĩ khi có khả năng khắc phục bệnh táo bón vô cùng kì diệu.
Chống loét dạ dày: Chuối sứ có chứa các hợp chất chống lại axit clohdric trong dạ dày. Do đó, chuối sứ là một loại thực phẩm có tác dụng chống loét dạ dày hiệu quả.
Hỗ trợ quá trình sản sinh máu: Trong chuối sứ chứa Vitamin B6, sắt góp phần quan trọng trong việc sản sinh máu. Không những chứa nhiều vitamin C, magie và mangan, chuối sứ còn chứa cytoclin chất có tác dụng làm gia tăng các tế bào bạch huyết cầu trong máu, giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Điều hòa tâm trạng: Chuối sứ chứa nhiều thành phần tryptophan – là một acid amin cần thiết để sản xuất ra Serotonin. Loại chất này có tác dụng cải thiện tinh thần, giúp tâm lý thoải mái, chống lại bệnh trầm cảm.
Hỗ trợ quá trình giảm cân hiệu quả: Chuối sứ là một trái cây cung cấp nhiều calo, cùng với những thành phần tự nhiên như hàm lượng natri thấp, không chứa cholesterol và hàm lượng lớn chất xơ trong chuối sứ sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, giảm lượng calorie tiêu thụ trong cơ thể và khi dùng chuối thường xuyên bạn không cần sợ bị béo phì.
Bếp Đại Kỷ Nguyên chúc bạn thực hành thành công để có món chuối sứ phơi nắng giòn ngon, an toàn cho gia đình thưởng thức và làm quà Tết tặng bạn bè, hàng xóm!
Video xem thêm: Cách làm nem rán