Hiện cây thông trắng huyền thoại 390 tuổi này đang được chăm sóc tại bảo tàng bonsai quốc gia Hoa Kỳ, Washington D.C.

Vào 8 giờ 15 phút sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945, nghệ nhân bonsai Masuru Yamaki đang ngồi trong nhà thì bất ngờ bị nhiều mảnh vỡ thủy tinh đâm vào người sau khi nghe một tiếng nổ khủng khiếp. Vụ nổ đã thổi bay cửa sổ và làm hư hại nặng nhà của ông. Đó là thời khắc mà máy bay ném bom B-29 mang tên “Enola Gay” của Hoa Kỳ đã thả trái bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Vị trí quả bom nổ cách nhà ông Yamaki hơn 3km.

(Ảnh: U.S National Arboretum)

Quả bom đã đánh sập hơn 90% công trình của thành phố, làm hơn 80.000 người thiệt mạng trong tích tắc và gây ra cái chết của hơn 100.000 người sau đó. Gia đình của ông Yamaki may mắn sống sót, những cây bonsai ngoài vườn nhà cũng được bảo vệ bởi những bức tường cao.

Cây bonsai của gia đình Yamaki năm 1976 (Ảnh: U.S National Arboretum)

Nhiều năm sau, một trong số những cây bonsai đó vẫn đứng vững và phát triển mạnh mẽ tại bảo tàng Bonsai quốc gia Hoa Kỳ, Wasington D.C nhưng câu chuyện sống sót thần kì của nó thì ít người được biết. Năm 1976, Hiệp hội bonsai Nippon nhân dịp 200 năm thành lập có tặng 53 cây bonsai cho Hoa Kỳ, ông Yamaki có gửi tặng một cây thông trắng trong số đó. Mãi đến năm 2001, khi cháu trai của ông Miyaki đến bảo tàng để chiêm ngưỡng cây bonsai mà ông mình thường kể thì những nhân viên ở đây mới biết được câu chuyện đằng sau nó.

Cây bonsai được chuyển đến Hoa Kỳ năm 1976 (Ảnh: U.S National Arboretum)

Thông qua một thông dịch viên người Nhật, họ bắt đầu kể lại câu chuyện sống sót kì diệu của gia đình và cây thông trắng này.

Người nhà ông Miyaki thăm cây thông trắng (Ảnh: U.S National Arboretum)

Hai năm sau, con gái ông Yamaki cũng đến thăm để chứng kiến tận mắt cây bonsai của cha mình. Gia đình ông Yamaki và bảo tàng có quan hệ vô cùng thân thiết, nhờ họ mà quản lý bảo tàng mới biết được giá trị của cây thông trắng.

“Sau những khó khăn mà gia đình đã trải qua, việc hiến tặng một món quà cho đất nước tôi là một chuyện vô cùng đáng trân trọng, đằng này họ lại tặng một cây bonsai quý giá như vậy”- Jack Sustic, quản lý bảo tàng chia sẻ cảm xúc của mình. Việc ông Yamaki hiến tặng cây thông trắng vốn đã gắn bó với gia đình ông suốt sáu thế hệ là một biểu tượng của mối quan hệ thân thiện giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ sau thế chiến thứ 2. Trong lễ hiến tặng cây năm 1976, ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger phát biểu: “Những món quà từ Nhật Bản thể hiện sự quan tâm, tình cảm tốt đẹp và sức sống mãnh liệt cũng như mối quan hệ giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Nhật Bản”.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

“Bonsai không chỉ đơn thuần là một chậu cây được cắt tỉa gọn gàng mà nó còn hàm chứa nhiều ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa nhân sinh được người nghệ nhân truyền tải bên trong. Bonsai là một phong cách sống” anh Sustic chia sẻ. Những cây bonsai có thể được thu thập trong tự nhiên, mua từ vườn ươm hoặc trồng từ hạt. Họ thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên mang vào tác phẩm của mình. Chúng được trồng trong chậu lớn, chăm sóc và cắt tỉa thường xuyên từ nhỏ để tạo được những hình dáng theo ý muốn của người nghệ nhân. Chậu thông trắng của ông Miyaki bao gồm nhiều cây ghép lại với nhau, tạo nên một tác phẩm tuyệt đẹp về sức sống và sự trường thọ.

Cây thông trắng tại bảo tàng bonsai quốc gia Hoa Kỳ năm 2003 (Ảnh: U.S National Arboretum)

Hàng năm, rất nhiều lượt khách đến thăm và trầm trồ ngưỡng một sức sống phi thường của cây bonsai nhỏ bé này. Tính đến năm 2018 thì “tuổi thọ” của cây thông này đã là 390 tuổi và nó vẫn đang phát triển hàng ngày như một minh chứng cho sự kì diệu của tạo hóa cũng như là biểu tượng hòa bình, ý chí kiên cường và sức sống của người dân Nhật Bản.

Tuấn Vũ