Mới lên 4 tuổi, Hồ Minh Hiếu đã mất mẹ. Cha cũng bỏ xứ đi biền biệt từ ngày ấy. Hiếu được gửi gắm cho người thân nhưng cuộc sống vô cùng chật vật. Dẫu vậy, cậu bé ấy vẫn nỗ lực thực hiện ước mơ cắp sách đến trường, chăm chỉ trên trường lớp, ở nhà lại tất bật nuôi lợn để kiếm tiền sinh nhai.
Nỗi đau đầu đời còn chưa kịp nguôi ngoai, thì cậu bé 4 tuổi bỗng chốc trở nên bơ vơ khi cha cũng bỏ đi biệt xứ. Người cậu ruột đã đón Hiếu sang Lào để nuôi dưỡng. 3 năm sau, Hiếu được trở về Việt Nam, lúc này, cậu bé mới được đi học, chậm hơn 1 năm so với các bạn học cùng lứa.
Cô Tô Thuý Hằng, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thành kể lại rằng khi mới được đưa từ Lào về, Hiếu hầu như quên hết tiếng mẹ đẻ, em không thể giao tiếp được với mọi người. Khi có người hỏi Hiếu chỉ bẽn lẽn cười, hoặc bỏ chạy. Bởi vậy, cô giáo phải tranh thủ mỗi giờ chơi, giờ tan học để kèm tiếng Việt cho Hiếu. Hiếu được khuyến khích tham gia các trò chơi dân gian, dần dần giao tiếp thông thạo, được bạn bè thương mến và học tiên tiến.
“Hiếu còn ít tuổi mà hiểu chuyện, lại thật thà. Có lần tôi cởi áo mưa đánh rơi chiếc lắc tay trên sân trường, tìm mãi không thấy. Em nhặt được, biết là của tôi, liền chạy đến trả. Ở trường các bạn biết hoàn cảnh đều cưu mang Hiếu, kể cả những người bán hàng rong ngoài cổng cũng hay cho Hiếu đồ ăn”, cô Hằng cho biết thêm.
Hiện tại Hiếu sống cùng gia đình dì dượng của mình, nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn. Người dượng và một anh họ bị tâm thần nên không thể lao động. Dì của em phải vào TP.HCM rửa bát thuê.
Tan học, chẳng được như những đứa trẻ khác về nhà ăn tối, xem tivi, Hiếu còn nhiều công việc khác phải làm.
Công việc của Hiếu sau khi nấu cơm đó là chuẩn bị bữa tối cho chú heo của mình. Đây là con heo nái Hiếu được bà ngoại cho để làm vốn liếng trang trải thêm việc học hành.
Hiếu chia sẻ: “Hàng ngày, em cắt rau và đến chợ xin thức ăn thừa về cho nó. Rồi tắm rửa, nhìn ngắm và vuốt ve nó.”
Hiếu cho chúng tôi xem một bức tranh em vẽ về người dì của mình. Với em, dì là người quan trọng nhất.
Bà Hồ Thị Trí, 51 tuổi, (dì của Hiếu) cho biết, mỗi tháng bà đi làm thuê được khoảng 5 triệu đồng và gửi về 3 triệu cho anh Dũng, để nuôi Hiếu, người chồng và con trai bị tâm thần. “Hiếu nuôi lợn để có việc làm và niềm vui, về cơ bản tôi vẫn nuôi bé là chính. Vì bệnh của chồng và con tôi vẫn đang điều trị nên thường ngày tôi sẽ gọi dặn Hiếu đi chợ mua gì. Thằng bé đi chợ rất khéo”.
Thấu hiểu được hoàn cảnh đặc biệt của Hiếu, một nhà hảo tâm đã hỗ trợ em suất cơm ở trường, nhờ vậy mà Hiếu và gia đình dì đã đỡ đi một phần lo toan.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Hiếu chỉ cười và đáp không có những dự định xa xôi. Đối với em những ngày sống yên lành bên gia đình dì, được cắp sách đến trường là hạnh phúc đang có thật. Em chỉ mong dì đi làm xa khỏe mạnh và kiếm được nhiều tiền, ước cho dượng và anh có thể sớm khỏi bệnh, đàn heo chóng lớn, để em lấy đó làm vốn liếng, tài sản dành dụm cho mình.
Đinh Chí Trung, tác giả bộ ảnh “Hiếu và gia tài bé nhỏ” cho biết, anh đã tìm thấy Hiếu qua nhiều nguồn tin, trên hành trình thực hiện dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam”. Dẫu biết con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tinh thần luôn lạc quan và kiên cường trước những gian khó của cuộc sống của cậu bé mồ côi này sẽ là động lực để em vươn tới nhưng ước mơ còn dang dở.
(Tổng hợp)