Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.

Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!

***

Cậu em tôi sau chuyến đi Bỉ bất thành đâm ra chán nản, nó gọi tôi đi cafe mong muốn chia sẻ chút tâm sự của bản thân. Cậu ấy đi nhiều, quen lắm, nhưng chẳng hiểu sao đến lúc bí bách nhất trong cuộc đời, nó lại thích gọi tôi ra tâm sự.

Câu chuyện cuối tuần trở nên gấp gáp khi mà quán cafe ồn ào và đông khách hơn, Hoà cậu em tôi bắt đầu kể về những tính toán sai lầm trong một năm trở lại đây. Kể thêm về những bạn bè, đồng nghiệp và cả người yêu đã từ bỏ nó vì nó… vẫn còn ở Việt Nam. Nó trắng tay theo cách hiểu của nó, và nó muốn đi thật xa để làm lại từ đầu.

(Ảnh: Revo Coffee)

Nó trầm ngâm hồi lâu trong mớ suy nghĩ rối rắm rồi rút ra một kết luận: “Anh ạ, em thấy dù gì thì có tiền cũng vẫn hơn. Bà cô em bên Bỉ ấy, cách sống khác hẳn, ngày xưa ở trong nước cũng bình thường thôi, nhưng từ khi sang đó, mỗi lần về nước là mọi người đều coi trọng hẳn… Em nghiệm ra là giờ mà không có tiền chả ai coi trọng mình cả”.

Tôi chỉ biết cười trừ, nó coi tiền là tất cả, kể ra thì cũng có ý đúng. Người có tiền họ có cách nhìn khác về sự việc, những chuyện chúng ta cho là to thì đối với họ là nhỏ. Hơn thế nữa, mọi người xung quanh họ cũng phải nể nang hơn, phần vì lợi phần vì nể… nhưng Hòa ơi, chú quên mất một điều:

“Chú còn nhớ lý do chú không thể xuất ngoại không. Bởi vì gia đình người cô của chú sắp tan vỡ, chồng bà ấy ngoại tình, và giờ gia sản đang chia nhau kể cả cái công ty mà chú định sang làm. Nguy cơ phá sản ở Bỉ và nhiều thứ khác làm ba mẹ chú lo lắng không cho đi, và thế là chú mất không mấy trăm triệu làm visa. Người giàu họ vẫn có những vấn đề của mình, những vấn đề mà tiền không thể giải quyết, và họ cũng không sung sướng như chú nghĩ đâu”.

Hòa có cái tài nhiếp ảnh, lại thêm vẻ ngoài đẹp trai, gia cảnh cũng khá giả. Nếu so sánh thẳng thừng ra, tôi chả bằng một góc của nó, thế nhưng nó lại luôn u sâu về những chuyện mà tôi cho là nho nhỏ. Để chuẩn bị lên đường, Hòa đã bán hết máy ảnh, đi du lịch với người yêu lần cuối, rồi tiệc tùng chia tay bạn bè. Giờ nó không đi được, tiền đã tiêu hết, người yêu cũng lặng lẽ không liên lạc, những mối làm ăn cũ gửi cho mấy anh em thợ ảnh trong nghề giờ cũng không thể trở lại… Ở nhà 6 tháng, cuối cùng nó cũng tặc lưỡi vào làm tạm ở một Doanh nghiệp với công việc tẻ nhạt hết chỗ nói mà bố mẹ xin cho. Hòa chép miệng: “Nói chung là Bạc anh ạ!”

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Nhưng Hòa không mất quá nhiều, ít nhất chú còn có anh em ngồi đây nghe chú tâm sự. Ừ thì không đủ tiền mời chú quán xịn, anh em mình ngồi với nhau quán vỉa hè ồn ào cũng được chứ sao. Cũng là cafe mà! Như cách người ta hay nói: “Thưởng thức cafe chứ chẳng ai thưởng thức cái cốc”. Xét ra tiền cũng như cái cốc ấy thôi, đẹp thì tốt, mà xoàng cũng không sao. Quan trọng là vị cafe, vị cuộc đời của chú có đậm đà hay không. Dù chú có mất đi những mối quan hệ hời hợt đó, nhưng gia đình chú vẫn còn ở đây, chú còn trẻ và vẫn còn thừa thời gian để làm lại, việc gì phải tiếc.

Tuy nhiên, dù tôi có khuyên thế nào thì Hòa cũng vẫn buồn. “Đừng quan tâm đến tiền bạc” nghe như thể một câu nói sáo rỗng mà người ta đã nhàm tai. Thời buổi này, ai cũng sống thực dụng, nghĩ về bản thân và cố sống sao cho thoải mái nhất có thể. Và khách quan mà nói, những con người sống trong bối cảnh ấy, quay cuồng với chuyện cơm áo, với xu hướng xã hội và với cả những áp lực từ gia đình, muốn sống thanh thản và ít tiền hơn một chút sao mà khó khăn quá!

Người ta thường nhìn vào vẻ bề ngoài của cái cốc để định giá một ly Cafe

Tôi không phải là người mơ mộng, thậm chí có đôi chút thực dụng khi giải quyết vấn đề. Nhưng tôi không bao giờ cho rằng tiền là tất cả bởi vì còn nhiều thứ khác cũng có chức năng dự trữ giá trị của cuộc sống ví như thời gian, kiến thức và nhưng trải nghiệm… Nói một cách công bằng, tiền chỉ là một công cụ giúp hoán đổi giá trị này với giá trị khác mà thôi.

(Ảnh: markmanson.net)

Mark Manson, một tác giả người Mỹ, từng chia chu kỳ tiêu cực để tận hưởng đồng tiền bạn kiếm được theo 3 dạng như sau:

Chu kỳ căng thẳng (Stress Cycles): Một vài người làm những công việc rất áp lực, họ chấp nhận gánh vác vai trò dễ bị chỉ trích. Sau đó họ dùng tiền mình kiếm được để giải tỏa căng thẳng trong công việc, để bồi hoàn cho những tiêu chuẩn khắt khe mà công việc dồn lên họ. Kết quả là họ rời vào vòng xoáy của sự căng thẳng. Mục tiêu ban đầu của họ là kiếm được nhiều tiền để xây dựng một cuộc sống giàu có, nhưng với vòng xoáy này họ chẳng thể hành phúc với điều đó được.

Chu kỳ “cái tôi” (Ego Cycles): Cũng có người làm việc trong những môi trường mà họ trở thành vô nghĩa hoặc vô dụng. Những người này tìm cách loại bỏ sự bất an về địa vị bằng cách tiêu tiền vào những thứ đồ xa xỉ hoặc muốn gây ấn tượng và hòa đồng với người khác. Do đó họ chẳng bao giờ thật sự tìm kiếm được sự tôn trọng từ những người xung quanh, tất cả chỉ dùng lại ở hào nhoáng bề ngoài.

Chu kỳ đau khổ (Pain Cycles): Lại có người thực sự dùng chính sự đau khổ của mình để kiếm sống. Nó có thể là những đau khổ về cả thể chất và tinh thần (chẳng hạn như đấu vật hoặc mại dâm). Để giải tỏa nỗi đau của bản thân, họ dành tiền cho những trò tiêu khiển và các chất gây nghiện. Đây cũng có lẽ là vòng xoáy đau khổ nhất và đáng thương nhất.

Khi đọc bài viết ấy, tôi chợt nhận ra những người tôi từng gặp trong cuộc đời, không ít người rơi vào một thậm trí là nhiều chu kỳ kiểu ấy. Những người này kiếm được nhiều tiền, nhưng liệu có thực sự tận hưởng số tiền đó trong hạnh phúc? Cũng giống như người họ hàng của Hòa, sở hữu một nhà máy và chuỗi cửa hàng ăn ở nước ngoài, nhưng gia đình chẳng hề êm ấm. Rồi sau này khi bà ấy về nước, hai bên nội ngoại liệu còn đối xử với bà ấy như xưa.

Người ta chăm chút cho cái cốc của mình thật đẹp, để mọi người nghĩ rằng mình đang uống loại cà phê thượng hạng nhưng thực ra bên trong đó chỉ là một vị nhạt nhẽo đến đáng chán. Có người dành cả đời theo đuổi tiền bạc, đến khi trắng tay thì mộng ảo cũng tan biến như lớp sương đêm vậy.

Đừng nhầm lẫn giữa “cầu tiến” và “cầu tiền”

(Ảnh: videohive.net)

Chúng ta dường như không bao giờ biết đủ với những thứ mình đang có. Hòa mất mấy trăm triệu làm visa nhưng nó không cho đó là nhiều, tôi vẫn đang nợ Ngân hàng 40 triệu mà tháng nào cũng phải lo lắng trả nợ. Nhưng nếu xét về mặt tinh thần thì chắc tôi hơn hẳn Hòa, vì tôi biết hài lòng với những gì mình đang có, và ngày qua ngày vẫn đang cố gắng nỗ lực hết mình vì những gì mình theo đuổi. Những người biết thưởng thức tách cà phê cuộc sống đôi khi lại bị cho là không cầu tiến, nhưng xin đừng nhầm lẫn giữa “cầu tiến” và “cầu tiền”, chúng ta ai cũng có một mục tiêu để theo đuổi nhưng chỉ là vài người theo đuổi những thứ làm họ mệt mỏi như tiền mà thôi!

Có nhiều định nghĩa về thành công. Tiền thường là cách thức hướng tới thành công nhưng hiếm khi bản thân nó là thành công. Chính vì theo đuổi một mục tiêu vật chất như thế, nên người ta mới đánh mất chính mình, mê man trong những mối quan hệ hời hợt và trả giá bằng sự đau khổ và thù hận cuộc đời mỗi khi họ gục ngã.

Nếu tiền chỉ đơn thuần là một công cụ, chúng ta sẽ sử dụng nó với một tâm thái khác, cao thượng và tốt đẹp hơn. Đó có thể là nguồn lực để bạn xây dựng một hoạt động kinh doanh, dùng nó để truyền năng lượng cho sự sáng tạo hay lan tỏa sức sống cho cộng đồng; chia sẻ khó khăn với bạn bè hoặc tăng cường sức khỏe và sự hài lòng cho bản thân mỗi người. Giá trị thực của tiền xuất hiện khi chúng ta nhìn xa hơn và nghiêm túc với chính bản thân mình. Tiền bạc chỉ tốt đẹp hơn khi nó không đại diện cho sự tích lũy vật chất mà là công cụ để tạo ra trải nghiệm.

(Ảnh: infusionsoft.com)

Tôi tự hỏi mình rằng, liệu có bao nhiêu người ngoài kia đang vật lộn với cuộc sống của mình trong những chiếc xe hơi sang trọng. Bao nhiêu gia đình giàu có sắp phải tan vỡ như người họ hàng của Hòa, và bao nhiêu bạn trẻ vướng vào vòng xoáy kiếm tiền và tiêu tiền như cách mà Hòa đang gặp phải. Nếu giàu mà khổ thế thì thà đừng kiếm nhiều tiền còn hơn! Sao không thể bình tâm suy nghĩ một chút và tận hưởng cho chót những gì cuộc sống ban tặng, mà cứ phải cố gắng dẫm đạp lên nhau để rồi khi thất trí thì đâm ra chán nản đau khổ. Cuộc đời vốn đẹp, quan trọng là ta biết đủ và biết vươn lên.

Tên nhân vật đã được thay đổi

Trọng Đạt