Có những câu chuyện trong cuộc sống, dù giản dị nhưng lại giúp ta nhận ra những điều sâu sắc, quý giá hoặc đánh thức trong ta những phần đã quên lãng, đã nhạt phai. Câu chuyện của nhân vật “tôi” trong bài viết dưới đây sẽ là minh chứng điển hình cho điều đó.

Chỉ là một bữa ăn nhanh nhưng để lại trong tôi quá nhiều cảm xúc. Bởi nó có sự xuất hiện của hai vị khách đặc biệt, những gì chứng kiến đã khiến trái tim tôi trào dâng, nghẹn ngào khó tả.

Tôi sinh ra và lớn lên tại Đài Loan, quê tôi thơ mộng và yên bình trong mỗi sớm mai, tôi cũng yêu cái vẻ đẹp diễm lệ và lịch lãm của nó. Gia đình tôi không có thói quen ăn nhà hàng vì mẹ và chị đều là những đầu bếp nấu ăn rất giỏi, nhưng trưa hôm đó mẹ và chị vắng nhà. Đúng là một dịp khá đặc biệt đối với tôi, tôi đã nhanh chóng quyết định sẽ khám phá một cửa hàng ăn nhanh ở gần nhà .

(Ảnh minh họa: trithuc)

McDonald là một nhà hàng cấp quốc tế, sang trọng và lịch sự, tôi thấy mình trở nên có phong cách hơn khi đến một nơi như thế này. Nhân viên nở nụ cười thân thiện cúi đầu chào, điều đó làm tôi thấy rất vui. Nhanh chóng chọn một phần ăn và đi đến bàn của mình, tôi ngồi một nơi gần cửa để vừa quan sát được bên trong và có thể ngắm mọi người qua lại trên đường phố bên ngoài.

Hình như mọi hoạt động xã hội bây giờ đều đang có xu hướng ưu tiên cho trẻ em, những thứ đồ dùng, đồ chơi… đến các cửa hàng ăn tựa như McDonald cũng nhanh chóng mọc lên như nấm ở Đài Loan để chiều lòng những vị khách nhí. Không phải đợi quá lâu các món trong thực đơn của tôi được mang đến tận bàn ăn, quả thực cách phục vụ của nhân khiến tôi rất hài lòng, tất cả đều chuyên nghiệp và hoàn hảo.

(Ảnh minh họa: Cafebiz)

Có hai người từ cửa bước vào, họ khác hẳn với tất cả mọi người đang ở đây, cũng không giống với những gì tôi đang nghĩ. Một ông bố với chiếc áo sơ mi đã có những chỗ rách và nhiều vết hoen ố, tay ông dắt theo một đứa trẻ.

Nhìn dáng vẻ gầy gò và khuôn mặt cháy nắng rất giống nhau nên tôi biết họ là bố con, tôi chuyển hết ánh nhìn và suy nghĩ của mình về hai vị khách đặc biệt ấy, họ không phải là những người có điều kiện hoặc bị nhỡ nhàng bữa ăn như tôi. Nhưng họ bước vào quán với niềm hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt đứa bé, hẳn đây là một sự kiện trọng đại và vô cùng lớn lao đối với đứa nhỏ.

Với thái độ khiêm tốn của hai bố con, tôi đoán họ chưa từng bước tới những nơi như thế này, cậu bé đen nhẻm nấp nấp phía sau và luôn nắm chặt bàn tay chai sạn của bố. Thái độ lễ phép của họ khác với tất cả những người còn lại mà tôi thấy.

Ông bố bước đến và gọi đồ ăn: “Chúng tôi muốn một phần khoai tây chiên, một ly Coca và hai cái hamburger thịt heo…”

Nhân viên nhà hàng lịch thiệp đáp lại: “Dạ, của bác tổng cộng 150 đồng ạ.”

“150 đồng à? Được…. Được….”. Tôi nhìn thấy ông bố vội vã móc những đồng xu trong túi của mình, cảm giác run run trên tay ông khiến một vài đồng bị rơi xuống đất leng keng, đứa con buông tay mình đang bám trên áo bố, nó nằm xuống để tìm nhặt những đồng xu bị rơi, ông bố moi hết tất cả những đồng còn lại trong túi để lên quầy thanh toán.

Tôi nhìn thấy ông bố bắt đầu đếm: “10 đồng, 20 đồng, 30 đồng, 40 đồng, 50 đồng, 55 đồng, 56 đồng….” Rất nhiều đồng xu được xếp trên mặt bàn nhưng mãi chưa đủ 150 đồng. Nhân viên nhà hàng vẫn kiên trì với thái độ từ tốn, nhưng phía sau các vị khách có vẻ không được như vậy, họ bắt đầu nhìn ngó và cảm thấy khó chịu.

Một giọng nói vang lên làm phá tan cái không khí đang căng thẳng và tĩnh lặng ấy, nó được phát ra từ cậu bé: “Bố ơi, con muốn cái xe kia, muốn cái xe kia….”.

Ông bố hỏi: “Xe đồ chơi à con?”

Thằng bé nhanh nhẹn đáp: “Dạ vâng ạ”

Ông bố quay sang hỏi nhân viên: “Cho tôi hỏi, món đồ chơi đó phải thêm bao nhiêu tiền?”

Người phục vụ đáp: “Thêm 50 đồng ạ”, hàm ý của câu nói và thái độ của nhân viên đủ để ông bố hiểu rằng số tiền trên tay mà ông đang đếm cũng không đủ để mua thêm món đồ chơi ấy.

Ông bố bất lực nhìn xuống, vẻ mặt của ông càng trở nên khắc khổ hơn. Điều đó khiến tôi không thể tiếp tục bữa ăn của mình, tôi đứng dậy lấy trong ví ra 50 đồng, dự tính tiến về phía họ nhưng bỗng nhiên tôi dừng lại, tôi muốn quan sát họ thêm chút nữa.

Cuộc hội thoại tiếp tục: “Cái đó… cô ơi, xin lỗi, tôi không lấy cái hamburger đó nữa, một cái là đủ rồi” – ông bố nói.

Không để các khách hàng khác của mình phải đợi quá lâu, cô nhân viên nhanh chóng sửa lại hóa đơn, chiếc hamburger của ông bố được đổi thành một chiếc xe hơi đồ chơi nhỏ.

( Ảnh minh họa: trithuc)
(Ảnh minh họa: Getty Images)

Họ lấy đồ ăn và chiếc ô tô đồ chơi nhỏ đưa về bàn, tôi chưa bao giờ cảm nhận được sự đầm ấm nào hơn thế. Khuôn mặt họ rạng ngời, sự thích thú của đứa con, niềm tự hào của ông bố, mọi thứ xung quanh không có ảnh hưởng gì đến họ, không gian ở đây bỗng nhiên như chỉ để dành cho hai bố con vị khách đặc biệt ấy.

Tôi chợt nhận ra hạnh phúc của cha mẹ không phải là khi được ăn ngon hay mặc đẹp, mà là khi họ được làm điều đó cho đứa con của mình, như ông bố kia đang ngồi ngắm nhìn cậu con trai ăn những miếng khoai tây ngon lành, trên tay mãn nguyện xoay xoay món đồ chơi mà nó không nghĩ là mình lại may mắn có được trong khoảnh khắc này. Bản thân ông không đủ tiền để có bữa ăn, nhưng ông luôn nở nụ cười mãn nguyện, một nụ cười xóa tan đi tất cả mọi sự nhọc nhằn khắc khổ trên khuôn mặt.

Quay lại với phần đồ ăn còn lại của mình, tôi thấy mình thật may mắn, không phải là khách hàng thường xuyên của McDonal nhưng tôi có một gia đình yên ấm. Mỗi khi mẹ xuất hiện với món đồ ăn trên tay đặt lên mâm cơm, tôi luôn được ngắm nhìn mẹ trong nụ cười tỏa nắng, mẹ hạnh phúc vì được phục vụ bữa cơm gia đình, mẹ luôn mang đến cho mọi người những món ăn thú vị, tất cả đều được lựa chọn thực phẩm và chuẩn bị rất tỉ mỉ, vì thế việc đi ra ngoài dùng bữa đối với tôi là điều hiếm có.

( Ảnh minh họa: Kenh14)

Tôi quyết định đứng dậy lấy 50 đồng của mình để mua chiếc bánh hamburger kia. Bước đến quầy tôi dõng dạc nói: “Cho tôi một cái hamburger nữa…”. Nhưng tôi chợt nhận ra chiếc bánh đang nhanh chóng được lấy ra khỏi lò và đưa về phía bàn của hai bố con. Nhân viên nhà hàng còn rất vui tính nói với tôi: “Cái hamburger này đã có người đặt rồi ạ.”

Cuộc sống luôn là một chuỗi những bài học mà ta luôn phải bước ra ngoài để có những trải nghiệm mới. Khi bắt gặp những hoàn cảnh mà ta thấy thương, thấy muốn đồng cảm, muốn chia sẻ, đó cũng chính là lúc phần thiện lương trong ta được đánh thức.

Gia Viên