Pháo đài Boyard nằm giữa đảo Aix và đảo Oléron tại eo biển Pertuis d’Antioche, trên bờ biển phía Tây nước Pháp và là phim trường của gameshow cùng tên.

Mặc dù ý tưởng về một pháo đài trên bờ Boyard được đề xuất từ đầu thế kỉ 17 nhưng đến cuối những năm 1800 dưới thời Napoleon Bonaparte nó mới được thực hiện.

Việc xây dựng bắt đầu năm 1801 và hoàn thành năm 1857. Năm 1967, cảnh cuối trong một bộ phim của Pháp nhan đề “Những người mạo hiểm” được quay tại di tích pháo đài này.

Pháo đài Boyard có hình bầu dục, dài 68 mét và rộng 31 mét. Những bức tường được xây cao đến 20 mét. Phần trung tâm là một cái sân và tầng trệt có các nhà kho và doanh trại/vị trí chiến đấu dành cho các sĩ quan và quân nhân.

Tầng trên chứa các ổ đại bác để đặt súng và các vị trí chiến đấu bổ sung. Phía trên đó được trang bị bệ súng pháo và súng cối.

Việc xây dựng pháo đài được xem xét lần đầu tiên trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang Pháp do vua Louis XIV chỉ huy giữa năm 1661 và 1667.

Theo đó, pháo đài Boyard cùng với pháo đài Enet và pháo đài De la Rade sẽ tạo thành một tuyến phòng thủ trên đảo Aix để bảo vệ kho vũ khí của Rochefort khỏi sự tấn công của Hải quân Hoàng gia. Do hạn chế tầm bắn của pháo binh vào thế kỷ 17, trường bắn giữa các pháo đài trên các đảo Aix và Oléron không phủ lên nhau. Để có thể lấp đầy khoảng trống đó, người ta nghĩ đến việc xây dựng một pháo đài nữa ở khoảng chừng giữa hai pháo đài nói trên. Năm 1692, kỹ sư người Pháp Descombs bắt đầu lập kế hoạch xây dựng pháo đài này. Tuy nhiên, dự án này quá tốn kém nên đã không được thông qua. Vauban, kỹ sư quân sự hàng đầu của Louis XIV, đưa ra một lời khuyên nổi tiếng chống lại nó: “Tâu Đức Vua, nắm lấy mặt trăng bằng răng còn dễ hơn là cố gắng thực hiện việc đó ở một nơi như vậy”.

Sau cuộc đột kích của Anh vào Đảo Aix năm 1757, kế hoạch về pháo đài bên bờ Boyard lại được xem xét một lần nữa.

Mặc dù các kế hoạch đã được soạn thảo, các vấn đề hậu cần một lần nữa khiến nó bị bỏ rơi. Các nỗ lực được đổi mới dưới thời Napoléon Bonaparte vào năm 1800 và năm sau đó, các kĩ sư Ferregeau và Armand Samuel de Marescot, và phó đô đốc François Étienne de Rosily-Mesros bắt tay vào thiết kế một pháo đài trên biển. Để tạo thuận lợi cho công việc, cảng được lập nên trên Đảo Oléron.

Làng Boyardville được xây dựng cho công nhân. Giai đoạn đầu tiên của việc xây dựng là thiết lập một cao nguyên, khoảng 100 x 50 m (330 x 160 ft) để làm nền móng. Khâu cuối cùng là những tảng đá được ghép và xây dựng bao bọc phía bên ngoài công trình.  

Dự án bị tạm hoãn vào năm 1809 và tiếp tục lại vào năm 1837 dưới thời Louis-Philippe, sau những căng thẳng mới với Vương quốc Anh. Các pháo đài đã được hoàn thành vào năm 1857, với đủ chỗ cho một đội quân 250 người. Tuy nhiên, vào thời điểm hoàn thành, tầm bắn của các khẩu pháo đã tăng lên đáng kể, làm cho pháo đài không còn cần thiết cho quốc phòng.

Sau năm 1871, pháo đài Boyard được sử dụng làm nhà tù quân sự trong một thời gian ngắn, trước khi bị bỏ hoang vào đầu thế kỷ 20. Thời gian trôi qua, pháo đài dần dần đổ nát và xuống cấp bởi vì không được bảo vệ. Vào năm 1950, nó được đưa vào danh sách di tích cần được bảo tồn và năm 1961 được bán cho Hội đồng Khu vực Hàng Hải Charente.

Trải qua nhiều thay đổi trong dự án, cuối cùng pháo đài Boyard cũng thành hình, đứng hiên ngang bên bờ biển nước trong xanh. Mặc dù không được dùng đúng với chức năng và mục đích ban đầu, pháo đài kiên cố này vẫn là một công trình kiến trúc – mang giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử đáng ngưỡng mộ, và là thể hiện tài hoa của các kĩ sư quân sự nước Pháp mỹ lệ.

Theo The Vintagenews

Ngự Yên

Xem thêm:

Từ Khóa: