Một công ty lớn nọ sau khi nhập một dây chuyền đóng gói xà phòng bánh mới phát hiện dây chuyền này bị lỗi đóng sót hàng, nhiều hộp xà phòng bên trong là những ruột rỗng không. Để khắc phục lỗi kỹ thuật này, công ty cho mời một tiến sỹ chuyên về tự động hóa đến sửa giúp.
Vị tiến sĩ cùng một nhóm nghiên cứu hơn chục người kết hợp với máy móc, trang thiết bị hiện đại, tự động hóa, máy quét X quang v.v. để giải quyết được vấn đề này, và chi phí phải trả là 2 tỉ.
Vậy liệu có phải trình độ kỹ thuật chuyên môn của vị tiến sĩ đã giải quyết thành công vấn đề này ….
Mỗi khi dây chuyền đóng gói bị sót một hộp trống là máy soi đặt hai bên dây chuyền sẽ phát hiện và dùng cánh tay robot nhặt ra. Cũng với vấn đề như này, nhưng có một người công nhân đã giải quyết với số chi phí rất thấp.
Ở một vùng quê phía nam có một doanh nghiệp cũng mua phải một dây chuyền đóng gói bị lỗi như vậy, ông chủ nhà máy sau khi biết chuyện đã vô cùng tức giận, ông tìm một anh công nhân đến và nói: “Cậu khẩn trương giải quyết vấn đề này cho tôi, không làm được thì nghỉ việc!”. Anh công nhân ngay lập tức tìm ra được cách khắc phục, anh chi 700 nghìn đồng để mua một chiếc quạt công suất cao đặt cạnh dây chuyền đóng gói, hộp nào không có ruột sẽ bị gió thổi bay ra ngoài.
Câu chuyện này đã cho chúng ta thấy:
- Tri thức cao chưa chắc đã có năng suất cao;
- Học ít chưa chắc đã kém sáng tạo;
- Kinh nghiệm phong phú là điều tối quan trọng.
Học cao giúp ta có tri thức, nhưng tri thức phải kết hợp với kinh nghiệm mới thành trí tuệ. Câu chuyện này không có ý chê bai vị tiến sĩ không bằng anh công nhân, vì để có học vị tiến sĩ, chắc chắn vị này đã phải dày công trau dồi tri thức, chỉ có điều, con người đôi khi chỉ nghĩ vấn đề bó hẹp trong khả năng nhận thức của bản thân mà xem nhẹ đến những kiến thức phổ thông hàng ngày. Giống như 2 ông chủ trong câu chuyện này, họ cũng chẳng nghĩ đến vấn đề dùng quạt để thổi vỏ hộp, vì họ chỉ chú trọng đến vấn đề quản lý và kinh doanh.
Liên tưởng đến một số nhân vật chính trị, họ đều là những người có học thức, có trình độ học vấn, nhưng vì đắm chìm trong bể tri thức lý thuyết này mà quên mất việc phải tiếp cận với cuộc sống thực tế của người dân, vì thế những chính sách họ đưa ra đều mang tính chất lý thuyết, không giúp ích nhiều cho đời sống xã hội thực tiễn. Đây cũng chính là một dạng của việc chỉ tư duy trong phạm vi tri thức hẹp hòi của bản thân mà quên đi cuộc sống đích thực của người dân.
Một vấn đề nan giải là, vị tiến sĩ đã phải dùng đến con số 2 tỉ mới giải quyết được vấn đề, trong khi anh công nhân chỉ cần dùng 700 nghìn ! Anh công nhân không có nhiều học thức như vị tiến sĩ, nhưng anh tích lũy được cho mình rất nhiều kinh nghiệm cuộc sống, anh dùng kinh nghiệm thực tế để nghĩ ra biện pháp giải quyết không tốn nhiều chi phí.
Quỳnh Chi
Xem thêm: