Ước mơ của người phụ nữ 64 tuổi vẫn rong ruổi khắp Sài Gòn để bán vé số ấy là đứa cháu ngoại 9 tuổi của bà được đến trường. 

Dì Tư là cách mà những khách quen và chòm xóm gọi bà Tô Thị Hồng Xứng (64 tuổi), hiện đang ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM. Người nào thường xuyên đi qua khu vực khúc giao Trần Quốc Thảo và Trần Quốc Toản (quận 3) đều thấy quen thuộc với hình ảnh: Dì Tư dắt theo cháu ngoại đi bán vé số. Được biết, dì Tư cùng chồng đã theo nghề này nhiều năm. 

Nay ở tuổi mà nhiều người đã được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, dì Tư vẫn miệt mài bán vé số để kiếm sống. Không chỉ nuôi thân, dì và chồng, ông Thạch Kí (78 tuổi) còn phải lo cho đứa cháu ngoại 9 tuổi, bé Huỳnh Hoàng Thiện. Ông bà có 8 người con, nhưng do bệnh tật đều đã qua đời. Mẹ bé Thiện là một trong 3 người con còn sống của ông bà. 

Dí Tư và cháu ngoại 9 tuổi thường đi bán vé số mỗi ngày ở khúc giao Trần Quốc Thảo và Trần Quốc Toản.

Do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, ba mẹ Thiện đã chia tay, mẹ em đi bước nữa để lại Thiện, khi đó mới 1 tuổi cho ông bà nuôi nấng. Con dại cái mang, dì Tư không quản khó khăn, chăm chỉ đi bán vé số để lo cho Thiện được no đủ. Nhưng từ 4 năm trước, việc làm ăn ở Sóc Trăng không còn tốt, người ta không mua vé số nhiều nữa, nên ông bà quyết định cả gia đình sẽ lên Sài Gòn sinh sống. 

Bán vé số tuy đơn giản, nhưng không phải là nghề an toàn nhất. Cả dì Tư và ông Thạch Ký đều đã nhiều lần bị người ta cướp và lừa lấy miếng ăn. Có lần, một thanh niên giả dạng người mua, hỏi han rồi giật cả xấp vé của dì, sau đó phóng xe chạy mất. Ông Thạch Ký còn bị người ta lừa. Lần đó, ông bán vé ở chùa, một người mặc áo nhà chùa ra hỏi mua, rồi trả cho ông tiền đàng hoàng. Nhưng rồi, họ lại lợi dụng lòng tin của ông mà lừa lấy hết cả 70 tờ vé. Những lần như thế, hai người già chỉ còn biết nhìn theo bóng chiếc xe và giữ niềm tủi phận lại cho riêng mình. 

Hai vợ chồng già ngồi nhớ lại những kỉ niệm bị người ta cướp và lừa mất hết vé số.

Khó khăn là vậy, nhưng cuộc sống của ông bà vẫn có một niềm vui, một động lực để tiếp tục cố gắng, đó là Thiện. Thiện năm nay đã 9 tuổi nhưng vì chưa có giấy khai sinh nên em vẫn chưa được đến trường. Ở cái tuổi con trẻ cần có trường, có bạn, Thiện vẫn hàng ngày theo ngoại đi khắp các con phố để bán hàng. 

Vất vả là thế, nhưng ông bà vẫn còn Thiện để cố gắng sống tốt.
Ngày nào Thiện cũng đi cùng ngoại, không phụ bán, thì cũng tha thẩn chơi một mình.

Dì Tư kể chuyện, Thiện ngoan lắm, cuộc sống vất vả, không được tới trường nhưng em thương ông bà ngoại lắm. Đi với bà, em cũng mời người này người kia mua vé, phụ cho ngoại. Thiện không ăn được thịt, nên bữa trưa của em cũng đơn sơ: hôm thì hộp bán ướt, hôm chút cơm trắng trộn với muối Tây Ninh. Ăn uống là vậy, nhưng do hiền lành, trời thương nên cậu bé vẫn mũm mĩm, đáng yêu là vậy. 

Cậu bé bụ bẫm đáng yêu lại rất thương ông bà.

Tuy nhiên, dì Tư chia sẻ, Thiện mắc chứng bệnh cứ trời năng lên là đau đầu, hai ngoại con lại phải tìm nơi tránh nắng. Vậy nên, mong ước lớn nhất của dì Tư là làm được giấy tờ để Thiện có thể được đến trường. Không chỉ mong cháu có nơi học hành ổn định, không phải lang thang rày đây mai đó, điều mà dì Tư lo nhất là tương lai của thằng nhỏ. 

Nếu có một cuốn sách tập hợp những câu chuyện cổ tích về tình thương của ông bà, câu chuyện của bà cháu Thiện chắc chắn sẽ làm người đọc ghi nhớ.

Giờ dì còn khỏe, còn có thể đi bán vé số nuôi Thiện. Nhưng cuộc sống không ai nói được điều gì, mà rồi cũng sẽ đến cái ngày dì Tư và ông Thạch Ký cũng không thể đồng hành cùng đứa cháu nhỏ. Khi ấy, ai sẽ chăm sóc, sẽ dậy dỗ cậu bé. Được đi học là hy vọng duy nhất để Thiện nên người, để học cách lo cho tương lai của mình. 

Gia đình dì Tư giờ có ba người nương vào nhau để sống. Chỗ trú chân của họ là một căn phòng trọ đặc biệt nhiều màu sắc.

Căn nhà đầy sắc màu và ấm áp tình cảm của những người đã may mắn trúng số, họ quay trở lại để cảm ơn những người đã bán cho họ những tờ vé số.

Dì Tư cho biết, những đồ đạc có giá trị lớn trong nhà đều là do người trúng số tìm dì để mua tặng. Những người quanh xóm trọ biết hoàn cảnh của dì Tư cũng thương dì, thương Thiện nhiều lắm. Họ đều là những con người hiền lành, đang ngày đêm chăm chỉ làm ăn, cần mẫn sống tốt, sống chân thật dù cuộc đời đã trải qua bao vất vả, và những ngày trước mắt cũng còn nhiều khó khăn. 

Không có nhiều tiền, chưa được đến trường nhưng Thiện vẫn hạnh phúc vì mỗi ngày, em đều lớn lên trong tình thương, trong sự tảo tần của ngoại.

Nhưng ông Trời sẽ không bao giờ phụ những người hiền. Dì Tư, ông Thạch Kí sống tốt, lao động chăm chỉ, nhẫn chịu những thiệt thòi trong cuộc sống, âu cũng là để lại phước lành cho Thiện. Bên cạnh đó, tuổi thơ êm ấm trong tình thương, sự chăm lo của ông bà sẽ cho Thiện hiểu cách để sống cuộc sống của mình sau này: Sống bằng một tâm hồn trong sáng, yêu lao động và biết thương mọi người. 

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Nguồn ảnh và video: Dẫn theo Thanh niên

Hải Lam