Vào một buổi sáng, khi xuống chuồng vắt sữa bò như thường lệ, một trại chủ thấy bình sữa bỏ quên trong góc nhà. Cầm lên coi, ông ta thấy sữa hơi đông lại, ngửi không thấy hư, ông ta bèn nếm. Sữa có vị hơi chua chua, ngọt ngọt và thơm… Tiếc của Trời, ông ta mang về cho cả nhà cùng ăn. Ai cũng khen ngon và không bị phản ứng gì!
Trại chủ liền khoe với hàng xóm là đã chế được món sữa đặc biệt. Ông tiếp tục “bỏ quên” nhiều bình sữa như thế rồi mang ra chợ bán. Mọi người đều ưa thích món sữa “bỏ quên” này, và ông ta đã kiếm được rất nhiều tiền. Sữa chua được khám phá ra như thế, và nhanh chóng được phổ biến khắp nơi.
Đến đầu thế kỷ thứ 16, vua Pháp Francois I bị chứng đau bụng khó tiêu lâu ngày, mọi danh y đều bó tay. Một thầy thuốc người Thổ Nhĩ Kỳ được mời đến. Sau khi khám bệnh, ông ta cho nhà vua dùng một bài thuốc gia truyền. Sau một tuần lễ, nhà vua khỏi bệnh. Đó là món sữa chua mà gia đình vị lang y kia vẫn dùng để chữa cho dân chúng bị bệnh khó tiêu.
Từ đó, sữa chua liên tục được dùng khắp nơi trên thế giới như một loại thực phẩm hỗ trợ tiêu hoá.
Tuy nhiên, phải tới đầu thế kỷ thứ 20 thì nguyên lý tạo thành sữa chua mới được làm sáng tỏ qua nghiên cứu của một nhà khoa học người Nga tên là Ilya Metchinkoff (1845-1916). Ilya Metchinkoff được giải thưởng Nobel về Y Học năm 1908 nhờ sự khám phá ra tính miễn dịch trong cơ thể con người. Ông cũng là bạn thân của nhà bác học nổi tiếng Louis Pasteur của nước Pháp.
Khoa học gia này khao khát đi tìm một phương thức kéo dài tuổi thọ. Do đó, ông rất quan tâm đến một nhóm dân Bulgaria có tỷ lệ người sống đến trên một trăm tuổi rất cao. Ông nhận ra rằng họ có một đặc điểm chung là ăn nhiều sữa chua. Ông bắt đầu tìm hiểu đặc tính của loại sữa này và thấy trong đó có những vi sinh vật làm thay đổi hóa chất của sữa, khiến sữa trở thành tốt hơn cho sức khỏe con người. Ông đặt tên cho một trong nhiều vi sinh vật đó là Lactobacillus Bulgaricus.
Từ đó sữa chua được chế biến khoa học hơn. Theo định nghĩa của Codex Alimentarius Commissions, một Tổ chức quốc tế có uy tín trong việc đưa ra các tiêu chuẩn chung về thực phẩm, sữa chua là sản phẩm từ sữa được lên men, và làm đông đặc bằng cách để cho bay hơi.
Trong những điều kiện thuận lợi về thời gian và nhiệt độ, đường lactose của sữa chuyển thành acid lactic, dưới tác dụng của các vi sinh vật như Streptocoous thermophilus, Lactobacillus Bulgaricus, Lactobacillus acidophilus… Sau đó, sữa trở thành một chất giống như kem và có vị chua đặc biệt.
Sữa chua (Yogurt) có thể làm từ sữa cừu, sữa dê, sữa trâu… nhưng chủ yếu nhất là từ sữa bò. Sữa chua cung cấp số năng lượng tương đương với sữa tươi, nhưng giá trị dinh dưỡng cao hơn. Sữa chua có nhiều chất đạm, carbohydrat, sinh tố, các khoáng calci, phosphat, potassium, niacin, riboflavin.
Trong 100g sữa chua có: 4,3g chất đạm, 4,8g carbohydrat, 1,1g chất béo, 4mg cholesterol, 173mg calci, 0,18mg riboflavin, 110mg phosphor và cung cấp 50 calori. Trong sữa chua, nước chiếm tỷ lệ 88% và là nguồn cung cấp nước rất tốt cho cơ thể.
Nhiều người khi uống sữa tươi không tiêu hóa được đường lactose trong sữa nhưng khi dùng sữa chua thì không có vấn đề, vì đường này đã được chuyển hóa thành acid lactic.
Acid lactic và vi sinh vật trong sữa chua làm tăng độ chua trong bao tử, giúp tiêu hóa đạm được dễ dàng.
Video xem thêm: 9 nhóm thực phẩm làm sạch và bảo vệ mạch máu