Có một quán cơm đặc biệt tọa lạc tại số 97 đường Nguyễn Quỳnh Đức TP. Mỹ Tho. Những người đến với quán cơm này sẽ được phục vụ tận tình với những phần cơm chay, những lời thăm hỏi. Đặc biệt, các thực khách sẽ không phải trả một đồng phí nào cho suất ăn này. 

Đó là quán cơm chay 0 đồng đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang, do anh Lê Nhứt Tâm cùng các tình nguyện viên gây dựng nên. Anh Tâm cho biết, ban đầu đội thiện nguyện của anh chỉ có thể nấu cơm phục vụ bà con vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Tuy nhiên khi chứng kiến niềm vui mà những xuất cơm chia từ thiện này mang tới cho những lao động nghèo, nhóm của anh lại cùng nhau nuôi ao ước. 

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Mọi người mong muốn lập được một quán cơm chay 0 đồng sạch sẽ, vệ sinh và có thể hoạt động liên tục. Quán cơm sẽ là nơi bà con đến dùng bữa mỗi trưa. Không chỉ được ăn ngon, mọi người còn có những giây phút nghỉ ngơi trong một không gian thoáng mát và sạch sẽ. Điều này sẽ hỗ trợ bà con rất nhiều trong cuộc sống thường ngày. Những khách hàng thường xuyên của quán cơm rất đa dạng: Những người cao tuổi, người khuyết tật, những người bán vé số, các chú chạy xích lô, các anh chị công nhân, những người lao động nghèo và các trẻ em cơ nhỡ.

Quán ăn bắt đầu phục vụ từ 10 giờ 30 cho đến khi hết cơm (Ảnh: thtg.vn)

Anh Nhứt Tâm cho biết, ước mơ của nhóm đã trở thành hiện thực khi nhận được sự giúp sức của nhóm thiện nguyện Nhất Tâm tại Sài Gòn. Với những trang thiết bị đầy đủ dành cho nhà bếp được tài trợ, nhóm của anh Tâm đã cùng nhau lên kế hoạch chuẩn bị rồi hoàn thiện quán. Quán cơm nhân ái này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22 tháng 06 vừa qua. Quán mở cửa phục vụ thực khách từ 10h30 sáng cho tới khi quán hết cơm. Một ngày quán của anh Tâm có thể phục vụ cho bà con khoảng 170 phần ăn.

Xuất cơm ngon lành đỡ đần những người còn khốn khó (Ảnh: thtg.vn)

Đồ ăn ở đây đều là đồ chay với các món: cơm, món kho, món chiên hoặc xào và tráng miệng. Thêm vào đó, các tình nguyện viên luôn cố gắng thay món mỗi ngày để giúp các thực khách của mình luôn ngon miệng. Bên cạnh đó, đồ ăn ở quán được nấu rất cẩn thận. Mỗi ngày các tình nguyện viên thay nhau tới từ 7h sáng để chuẩn bị và nấu nướng.  

Sự phục vụ ân cần của những tình nguyện viên khiến người đến quán cảm thấy vừa no dạ, vừa ấm lòng (Ảnh: thtg.vn)

Không gian quán thoáng đãng, sạch sẽ, cơm lại ngon và những người phục vụ ân cần đã khiến bà con không chỉ no dạ mà còn ấm áp tấm lòng. Miếng ăn là quý, điều đem tặng là quý. Nhưng cách cho đi, cách mang tặng còn quan trọng hơn rất nhiều. Bởi chính cách trao tặng cũng thể hiện rất nhiều tâm tư của bạn khi làm điều thiện lành này.

Quán 0 đồng ở Mỹ Tho chọn cách tạo nên một quán cơm lành để giúp những bà con còn khó khăn bớt được phần nào cơ cực. Tâm nguyện ấy bản thân đã thật đẹp. Nhưng khi mọi người nỗ lực làm cho thật tốt, thật trọn vẹn từ phần nấu cơm, không gian quán, thái độ phục vụ, tâm nguyện ấy càng trở nên trọn vẹn và thiện hơn rất nhiều. Tất cả đều thể hiện một điều: Chúng tôi muốn thấy nụ cười hạnh phúc của những thực khách này. Chính tâm lý ấy sẽ khiến người đến quán cảm nhận được rằng họ được trân trọng. Sẽ không ai cảm thấy mình nghèo mà phải đi xin cơm. Ngược lại, như rất nhiều người tới dùng cơm tại quán chia sẻ, mọi người cảm nhận được niềm vui khi tới với quán ăn. Họ thấy được sự chia sẻ chân tình. 

Quà tặng cũng quan trọng, cách tặng quà cũng vậy (Ảnh minh họa: Japan Info)

Câu chuyện cách cho đi này cũng khiến tôi nghĩ đến nghệ thuật tặng quà của người Nhật. Ở xứ sở của đất nước mặt trời mọc, khi tặng quà cho người khác, người Nhật không chỉ chọn những món đồ tốt nhất trong khả năng của mình và phù hợp tối đa với những người khác. Mà hơn thế, họ còn tạo nên hẳn một nghệ thuật gói quà. Những chiếc khăn nhiều màu, những gói quà được gói lại tỉ mỉ, kỳ công. Tất cả đều không nhằm mục đích khiến khoe ra sự khéo léo mà để gói lại cả tấm lòng trân trọng của người trao tặng:

Vì tôi trân trọng bạn nên tôi mong bạn nhận được điều tốt nhất.

Hy Văn