Quá trình tái chế ở Na Uy có thể coi là một nghệ thuật. Quốc gia này có kế hoạch tái chế hoàn hảo nhất thế giới cùng với hệ thống giáo dục giúp người dân nhận thức được lợi ích của việc này ngay từ khi họ còn nhỏ. Đặc biệt, 97% lượng chai nhựa trên toàn Na Uy được tái chế, trong đó 92% đạt tiêu chuẩn làm chai đựng nước và lượng chai nhựa thải ra môi trường luôn ở mức dưới 1%.

Thùng xanh lá, xanh dương và trắng

Việc đầu tiên Na Uy thực hiện trong quy trình tái chế hoàn hảo chính là những mã code màu sắc, gồm 3 màu ở tất cả các khu vực: xanh lá, xanh dương và trắng. Điều này sẽ giúp người dân biết được loại rác nào bỏ vào thùng nào. Các loại thức ăn và sản phẩm hữu cơ dư thừa , có thể chuyển thành các loại mùn bã hữu cơ như thức ăn, bụi bẩn, lá hay các mảnh gỗ nhỏ sẽ được bỏ là thùng rác màu xanh lá cây. Túi nhựa, chai nhựa sẽ được bỏ vào thùng xanh dương, còn giấy và các loại chất thải thông thường sẽ bỏ vào thùng màu trắng.

Vứt rác đúng cách, đúng màu ở Na Uy (Ảnh: Theculturetrip)

Để việc vứt rác được tiện lợi và không mất thời gian, các hộ gia đình cũng phải phân chia rác thải thành các loại khác nhau, mỗi loại cho vào một túi riêng biệt. Ví dụ rác thải nhựa như chai sữa tắm, dầu gội hay màng bọc thực phẩm cần được rửa sạch trước khi để tất cả chúng vào thùng rác màu xanh dương. Đối với kim loại và thủy tinh là những thứ không dễ dàng tái chế, trong các thành phố ở Na Uy sẽ có các điểm thu gom kim loại và thủy tinh. Thông tin về các điểm thu gom có thể dễ dàng tìm thấy trên các website của khu tự quản hoặc facebook của thành phố đang sinh sống.

97% chai nhựa được tái chế: Người dân mua nước, nhưng chỉ thuê chai đựng!

Trên quy mô toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế và mỗi năm chúng ta vẫn thải vào đại dương 8 triệu tấn nhựa. Tuy nhiên, theo Infinitum, một tổ chức tái chế nhựa ở Na Uy thì quốc gia này đã tái chế được tới 97% chai nhựa. Đặc biệt, 92% trong số đó quay trở lại thành nhựa chất lượng cao và có thể tiếp tục đựng nước uống. Chỉ có chưa đến 1% là nhựa không thể tái chế và bắt buộc phải thải ra môi trường. Vòng đời một số loại chai nhựa ở Na Uy có thể lên đến 50 lần tái chế. Quốc gia Bắc Âu này đang là hình mẫu của cả thế giới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Vậy đâu là bí quyết của Na Uy?

Có một thực tế là khi các dây chuyền sản xuất chai nhựa đạt đến mức độ chuyên nghiệp hóa cao và làm ra các sản phẩm nhựa có chất lượng, việc sản xuất nhựa mới còn rẻ hơn việc tái chế nhựa cũ rất nhiều. Bởi vậy, đa phần các quốc gia, doanh nghiệp không có động lực tài chính để làm việc đó và đánh đổi hiệu quả kinh tế và sự thuận tiện bằng chi phí môi trường. Nhưng Na Uy đã giải quyết vấn đề này bằng cách thu phí mua chai nhựa đối với người tiêu dùng.

Người dân Na Uy có ý thức cao với việc tái chế rác thải nhưa, cũng như bảo vệ môi trường sống của chính họ (Ảnh dẫn qua: Idesign)

Khi người tiêu dùng mua các loại nước uống đóng chai, họ sẽ phải trả tiền cho cả chiếc chai nhựa nữa, thường là một khoản tương đương từ 3.000 – 7.000 VNĐ, phụ thuộc vào kích cỡ của chai. Nhưng số tiền này có thể được nhận lại nếu người tiêu dùng mang chai đã dùng xong đến quét mã vạch và đổi ở một máy thu chai tự động, các cửa hàng tạp hóa hoặc trạm xăng. Ở đây, họ sẽ nhận được tiền mặt hoặc được tích điểm cho lần mua sắm tiếp theo.

(Ảnh dẫn qua: Idesign)

Mọi cửa hàng bán chai nhựa đều có nghĩa vụ phải thu gom vỏ chai. Các cửa hàng lớn còn lắp đặt hệ thống máy quét mã chai, nghiền nát và đóng gói để vận chuyển tới xưởng tái chế. Những cửa hàng nhỏ hơn thì thu gom vỏ chai trực tiếp. Các cửa hàng được hưởng một khoản phí tính theo đầu vỏ chai thu gom được. Kjell Olav Maldum, CEO của Infinitum nói: “Chúng tôi muốn mọi người nhận thức được rằng họ đang mua sản phẩm nhưng chỉ mượn chai nhựa mà thôi”.

Đối với các doanh nghiệp, chính phủ đánh thuế môi trường đối với tất cả các doanh nghiệp sản xuất chai nhựa. Nếu các doanh nghiệp tái chế càng nhiều, số thuế phải nộp càng thấp. Khi tổng số chai nhựa được tái chế chiếm 95% trở lên, họ sẽ không phải đóng thuế môi trường nữa. Nghe có vẻ mà một mục tiêu viễn tưởng ở các quốc gia khác, nhưng từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất chai nhựa ở Na Uy đã không phải đóng thuế môi trường nữa.

Na Uy đang nỗ lực hành động để bảo vệ môi trường. Còn bạn thì sao? (Ảnh: Pixabay)

Mặc dù đạt rất nhiều thành công song không phải không có khó khăn. Infinitum ước tính vẫn có khoảng 150.000 chai nhựa ở Na Uy không được trả lại mỗi năm. Ở Na Uy, nguyên liệu tái chế chỉ đáp ứng được 10% lượng nhựa được sử dụng để sản xuất chai nhựa trong nước. Hệ thống hiện nay chỉ có thể sản xuất đủ lượng nguyên liệu cao cấp để đáp ứng 80% nhu cầu – trong số đó phần lớn được xuất khẩu. Các tổ chức môi trường trong nước đang hối thúc chính phủ áp dụng thêm một loại thuế, gọi là “thuế nguyên liệu”. Nguyên lý áp dụng loại thuế này cũng như thuế môi trường, doanh nghiệp càng sử dụng nhiều nguyên liệu nhựa tái chế, số thuế họ đóng càng ít.

Mỗi năm trên 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương, tương đương với một xe tải rác đổ vào đại dương mỗi phút. Ô nhiễm biển, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí… tất cả đang “góp sóng thành bão” tạo nên một môi trường sống bị ô nhiễm và tàn phá trầm trọng. Và chúng ta lại đang sống và dự định phát triển trong chính môi trường ấy!

Thực tế, mỗi hành động dù là nhỏ hay lớn của chúng ta đều là đang làm cho chính mình. Hành động tốt thì nhận quả ngọt, hành động xấu sẽ nhận trái đắng. Nâng niu, trân trọng và bảo vệ tự nhiên, chúng ta sẽ được bình an, khỏe mạnh. Tàn phá tự nhiên, quay lưng với môi trường sống cũng là quay lưng lại với bản thân mình. Lựa chọn điều gì là ở chính chúng ta!

Hoàn Nguyên