Một cái bắt tay nhỏ, một câu hỏi ngắn… cũng có thể giúp bạn xoá tan sự bối rối, lúng túng để giao tiếp được với bất kỳ ai.
Bắt đầu bằng một cái bắt tay
Cái bắt tay thể hiện lòng tin, sự tôn trọng và bình đẳng. Đừng nắm tay quá chặt và rung lắc cánh tay quá mạnh khiến đối phương khó chịu. Nhìn thẳng vào mắt, mỉm cười và lắc nhẹ từ phần khuỷu tay. Khi hai bàn tay chạm nhẹ, não bộ nhận được tín hiệu sẽ giải phóng oxytocin, hoóc-môn thoải mái thúc đẩy gắn kết tình bạn.
Chọn những người đứng một mình
Bước vào một môi trường lạ, hãy ưu tiên những người đứng một mình để làm quen, tiếp tới là những nhóm người tụ lại thành vòng tròn mở, sẵn sàng chào đón thêm người mới. Nếu thấy hai người đứng đối diện nói chuyện hoặc nhóm người quây thành vòng kín thì có khả năng họ không muốn có thêm người tham gia.
Đánh lạc hướng chú ý
Nếu bạn cảm thấy lo lắng khi không biết giao tiếp sao, hãy chuyển hướng sự chú ý bằng cách tương tác với người phục vụ bàn, nhân viên hậu cần… Vài câu nói chuyện vô thưởng vô phạt cũng có thể giúp bạn mau lấy lại sự bình tĩnh và thoải mái.
Trao đổi tên
Dale Carnegie, một tác giả nổi tiếng về dòng sách kỹ năng từng nói “Hãy nhớ rằng tên của một người là âm thanh ngọt ngào và quan trọng nhất trong mọi ngôn ngữ”
Bạn có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện với phần giới thiệu mạnh mẽ và tự tin, như “Xin chào, tôi tên là…, còn bạn?” Khi đó, người trò chuyện có thể bắt đầu tương tác với bạn.
Gợi nhắc mối quen biết
Rất có thể bạn đã từng gặp một người trước đó, để tránh 2 bên khỏi bối rối vì chưa kịp nhớ ra nhau, bạn nên chủ động mở lời giới thiệu lại về chính mình. Ví dụ như “Xin chào, không biết bạn còn nhớ mình không. Mình là…, chúng ta đã từng gặp nhau ở…”
Nếu bạn nhớ được tên của người đó, bất luận họ có nhớ bạn không, thì họ vẫn sẽ bị gây ấn tượng mạnh với bạn.
Tìm điểm chung
Hãy tìm mối liên hệ giữa bạn và đối phương để có chủ đề tương tác. Ví dụ như bạn đang trong một đám cưới, không có câu chuyện nào tốt bằng những câu hỏi liên quan về cô dâu, chú rể. Nếu trong một cuộc hội thảo, chủ đề hội thảo chính là đề tài mà bạn nên tận dụng.
Đừng bắt đầu bằng những lời than phiền hay nhận xét tiêu cực, bạn không thể biết mình đang nói chuyện với ai nên cần giữ phép lịch sự tối thiểu.
Cẩn trọng với ngôn ngữ cơ thể
Bối rối đôi lúc làm chúng ta cảm thấy tay chân trở nên thừa thãi. Bạn có thể đan các ngón tay để phía trước và hơi nghiêng đầu để thể hiện sự chú ý vào câu chuyện của đối tác. Không nên khoanh tay trước ngực hoặc chắp thay sau lưng vì cử chỉ này thể hiện thái độ không hài lòng, khó gần.
Không “khủng bố” bằng quá nhiều câu hỏi
Bạn nên chủ động trả lời câu hỏi đủ thông tin để đối phương có thể hiểu cơ bản về bạn mà không phải hỏi quá nhiều điều nhỏ nhặt. Ngược lại, bạn cũng cần sử dụng các câu hỏi mở để khơi gợi người nói chuyện chia sẻ nhiều hơn về bản thân.
Hướng vào đam mê
Bất kỳ ai cũng có thể nói say sưa về chủ đề mà họ yêu thích. Khi đã nắm được sở thích, thú vui của đối phương, bạn có thể dùng các câu hỏi như “Tại sao?” hoặc “Bạn bắt đầu như thế nào?” để khám phá người kia nhiều hơn. Ai cũng thích được nói về bản thân mình, vì vậy nếu bạn có thể đóng vai một người lắng nghe tốt, mọi người sẽ vui thích khi được nói chuyện cùng bạn.