Cắt thực phẩm sống lẫn chín, tận dụng thớt cũ mốc… là những sai lầm mọi người thường mắc phải khi sử dụng thớt trong nhà bếp.
Cắt thịt và rau quả trên cùng một thớt
Cách làm này không đảm bảo vệ sinh, dễ sinh bệnh cho cơ thể. Bạn nên dùng màu sắc để phân biệt thớt, ví dụ chỉ sử dụng một thớt nhựa màu đỏ cho thịt sống và màu xanh lá cây cho rau quả. Nếu thớt gỗ, bạn có thể dùng băng keo màu dán lên thớt hoặc có thể bôi sơn để làm dấu.
Chặt thực phẩm trên thớt không vững chãi
Bạn cần bảo đảm độ vững của thớt trước băm chặt để tránh xảy ra thương tích. Nên mua thớt có kẹp hoặc đặt một chiếc khăn dưới thớt trước khi băm chặt.
Lưu ý, nếu bạn dùng khăn bếp hoặc những thứ quá dày sẽ làm cho thớt bị lung lay, gây khó khăn khi chặt.
Sử dụng sai kích thước
Nên lựa chọn kích cỡ thớt hợp lý và tạo một không gian rộng cho khu vực đặt thớt để tránh cản trở công đoạn chế biến và dễ dàng vệ sinh khu vực này sau đó.
Để chắc chắn bạn sử dụng thớt đúng kích thước, đặt con dao theo đường chéo trên thớt. Nếu chiều dài của dao dài hơn thớt, bạn nên thay thế chiếc thớt khác có diện tích bề mặt lớn hơn so với chiều dài của dao.
Đặt thớt trong máy rửa bát
Cho dù thớt làm bằng gỗ hoặc nhựa, nó đều không nên để trong máy rửa bát. Thớt khi tiếp xúc với nhiệt và nước trong thời gian dài, có thể gây cong vênh và nứt.
Bạn nên chà rửa thớt bằng nước nóng. Nếu muốn an toàn sau khi thái thực phẩm sống, bạn có thể ngâm thớt trong dung dịch dấm và nước với tỷ lệ 1:4 trong 10 phút.
Không bôi trơn cho thớt
Thớt gỗ sau 1 thời gian có thể bị khô, dễ hấp thụ nước. Bôi trơn thớt với một loại dầu khoáng từ thực phẩm an toàn (còn gọi là parafin lỏng) hoặc sáp ong nhằm tạo 1 lớp áo giáp mỏng, ngăn chặn sự hấp thụ nước.
Dùng thớt có chất liệu kính hoặc đá cẩm thạch
Thớt bằng những chất liệu trên hoàn toàn chỉ mang tính… đẹp mắt. Những chất liệu này sẽ nhanh làm mòn và cùn dao của bạn. Ngoài ra, dùng thớt bằng các chất liệu này thường dễ bị trơn trượt khi cắt, thái thực phẩm.
Tích trữ thớt cũ
Khi thớt xuất hiện những rãnh sâu hoặc vết nứt, điều này vừa gây khó khăn cho việc làm sạch vừa là nơi trú ngụ, sinh sôi nảy nở của vi khuẩn. Do đó, đừng tiếc mà nhanh chóng thay thớt mới để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.
Hoài Phương