Khi nghĩ về những công trình đã ‘sống sót’ qua thời gian cho tới ngày nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ tới những kiến trúc như Đấu trường La Mã, Tháp nghiêng Pisa hay các Kim Tự Tháp Ai Cập. Thế nhưng, có những công trình giản dị, mộc mạc khác vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như trong quá khứ mà chúng ta thường không để ý tới.
Trong khi hầu hết các công trình kiến trúc cổ đại đã và đang làm tốt công việc của mình dựa vào lượng khách du lịch đông đảo từ khắp nơi đổ về, thì những cây cầu lại tỏ ra nhún nhường hơn.
Được xây dựng trong quá khứ, có nhiều chiếc cầu đã có hàng trăm năm tuổi trước thời đại của chúng ta và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Trong khi các cây cầu cũ thường bị tàn phá bởi thiên tai, nổ tung trong chiến tranh, hay bị đốt cháy trong các vụ tai nạn thương tâm, thì những cây cầu trong danh sách dưới đây đã tồn tại qua hàng trăm năm và vẫn giữ được vẻ nguyên vẹn vốn có của nó.
1. Cầu Cendere, Thỗ Nhĩ Kỳ
Cũng được biết với tên gọi “Cầu Severan”, được xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ hai tại thành phố Kommagenean, Cendere làm từ 92 tảng đá, mỗi tảng đá có trọng lượng khoảng 10 tấn với chiều dài và chiều rộng lần lượt là 120m và 7m. Cầu xây dựng nhằm để tôn vinh hoàng đế La Mã Septimius Severus, vợ của ông – Julia cùng hai con trai Caracalla và Geta. Cầu Cendere có tuổi đời rất lâu, và nó cũng được xem là cầu vòm lớn thứ hai do người La Mã xây dựng.
Ở hai bên cột của cây cầu, mỗi bên đều đại diện cho các thành viên của gia đình hoàng gia – Hoàng đế Severus cùng vợ Julia ở một bên và bên còn lại thuộc về hai người con. Nếu nhìn kỹ vào chúng, bạn sẽ thấy rằng cột đại diện cho người con Geta hiện tại đã bị mất. Lý do là vì khi cạnh tranh trong thừa kế ngai vàng, người anh Caracalla đã ám sát Geta, nhiều thông tin cho rằng thời điểm đó Geta đã chết trong vòng tay của người mẹ. Caracalla đã đi quá xa khi tiếp tục đẩy bạn bè và đồng minh của Geta vào chỗ chết. Trong một nỗ lực để xóa bỏ hoàn toàn di sản của Geta, Caracalla đã ra lệnh bất kỳ một đề cập nào liên quan đến cái tên Geta đều sẽ bị xóa khỏi lịch sử, và cột đại diện cho Geta đã bị phá hủy.
2. Cầu An Tế (Anji), Triết Giang, Trung Quốc
Cầu An Tế, hay còn gọi là cầu Triệu Châu, là cây cầu cổ xưa nhất trong bốn cây cầu cổ ở Trung Quốc, được xây dựng vào năm 605 trước công nguyên. Nó là một cầu đá hình vòng cung nối hai bên bờ con sông Hào.
Cầu có chiều dài khoảng 50m, chiều rộng khoảng 9,6m và cao khoảng 7,3m. Cầu được kiến trúc sư Lý Xuân thiết kế với mục đích trở thành cây cầu vững chắc nhất thế giới, và cái tên “An Tế” của cây cầu này đã được dịch thành “Cầu Lưu thông An toàn” (Safe Crossing Bridge). Lúc bấy giờ, nó là cây cầu có kỹ thuật tiên tiến bậc nhất vì có vòm uốn lớn nhất. Chiều dài lớn nhất giữa hai chân cầu khoảng 37m.
Độ vững chắc của nó đã được thử thách trong suốt 1400 năm qua khi cây cầu một mình chống chọi với 10 trận lũ, 8 cuộc chiến tranh, và không ít những trận động đất. Thế nhưng, cây cầu mới chỉ trải qua 9 lần trùng tu.
Cầu An Tế được Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Mỹ vinh danh như là cột mốc thứ 12 của những công trình dân dụng quốc tế và được trao tặng một tượng đài bằng đồng.
3. Cầu Ponte Sant’Angelo, Rome, Ý
Được xây dựng vào năm 136 trước công nguyên theo lệnh của Hoàng đế Hadrian, cầu Ponte Sant’ Angelo (Cầu của Thiên Thần – Bridge of the Holy Angel) có chiều dài tổng cộng 135m, chiều cao 7m so với mực nước, với 5 vòm uốn giúp tăng thêm độ vững chắc. Đây là một trong những cây cầu nổi tiếng nhất ở thành phố Rome… đồng thời cũng là một trong những kỳ quan xinh đẹp bậc nhất.
Hoàng đế Hadrian được coi là có chút “nuông chiều” bản thân mình khi xây dựng cây cầu Ponte Sant’ Angelo với mọi hướng đi đều kết nối với lăng mộ của chính ông tại Rome sau khi ông mất – Castel Sant’ Angelo (Lâu đài của Thiên Thần). Tượng của Tổng lãnh Thiên thần Michael được tạc trên đỉnh của khu lăng mộ và cầu Ponte Sant’ Angelo, do đó chúng đều được gọi là những công trình “của Thiên thần”. Truyền thuyết kể rằng vào năm 590 sau công nguyên, Thiên thần đã xuất hiện trên đỉnh của lâu đài và giúp chấm dứt bệnh dịch hạch hoành hành ở nơi đây một cách thần kỳ.
Rất lâu sau thời của hoàng đế Hadrian, vào năm 1668, nhà điêu khắc Lorenzo Bernini đã phác thảo một ý tưởng để làm nổi bật Ponte Sant’ Angelo bằng cách tạc 10 bức tượng Thiên thần dọc theo chiều dài của cây cầu, hai trong số đó là ông tự làm cho chính mình. Mỗi Thiên thần đều giữ một vật đại diện cho câu chuyện Chúa Jesu bị đóng đinh trên thập tự giá, ví dụ như bức tượng Thiên thần giữ roi da hay tượng Thiên thần giữ vương miện gai.
4. Cầu Tarr Steps, Vương quốc Anh
Tọa lạc tại Exmoor, bắc ngang qua con sông Barle. Cầu Tarr Steps có chiều dài 55m, là một loại cầu được kết cấu bằng các phiến đá chồng xếp lên nhau có lịch sử lâu đời. Chính vì vậy việc xác định niên đại của cây cầu là một điều vô cùng khó khăn. Dựa vào các tài liệu cổ, các nhà nghiên cứu đã dự đoán cầu Tarr Steps tổn tại vào năm 1500 trước công nguyên.
Sự tích về cây cầu Tarr Steps cũng rất huyền bí, người ta nói rằng nó được dựng nên bởi một con quỷ. Nó tuyên bố rằng bất kỳ ai bước qua cầu đều sẽ bị nó giết chết. Vì nghi ngờ, những người dân làng ném một con mèo qua cầu để làm phép thử nghiệm, và kết quả là con mèo đã bị bốc hơi. Sau đó họ bèn cử một vị sứ giả (có lẽ người này cũng lo lắng sẽ nhận một bi kịch tương tự như con mèo) để gặp Quỷ dữ tại điểm giữa của cây cầu. Cuối cùng vị sứ giả và Quỷ dữ đã có một thỏa thuận, con quỷ đưa ra một thỏa thuận rằng: Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng cầu, nhưng nếu trong trường hợp nó muốn tắm nắng, thì lệnh cấm phải được tiếp tục. Có nghĩa là nếu bạn muốn tự mình đi trên cầu Tarr Steps này, thì trước khi thử, bạn phải chắc chắn rằng không có bất kỳ con quỷ nào đang tắm nắng ở ngoài kia.
Thật không may, trải qua thời gian lịch sử lâu dài, các trận lũ đã khiến cho một vài phân đoạn của cây cầu bị lật đổ. Tuy nhiên, hầu hết các phiến đá trên cầu Tarr Steps được giữ gần như nguyên vẹn. Do đó, người ta đã đánh số lên các tảng đá để chúng có thể được phục hồi và đặt lại về đúng vị trí ban đầu nhằm giữ tính nguyên vẹn của nó. Dù đã trải qua nhiều lần cải tạo, nhưng cầu Tarr Steps vẫn chính xác về mặt kỹ thuật như trước đây.
5. Cầu Arkadiko, Hy Lạp
Cầu Arkadiko ở Hy Lạp là cây cầu có vòm uốn tồn tại lâu đời nhất vẫn còn được sử dụng tới ngày nay. Các nhà nghiên cứu cho rằng Arkadiko đã được xây dựng trong Thời kỳ đồ Đồng ở Hy Lạp, khoảng từ năm 1300 – 1200 sau công nguyên. Nó đã trải qua không ít sự phong hóa, mài mòn từ thiên nhiên nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn hình dáng nguyên sơ.
Arkadiko đóng vai trò như một phần trong hệ thống đường sá nối giữa hai thành phố Tiryns và Epidauros vào thời Mycenaean. Cầu có chiều dài 22m và chiều cao 4m, khoảng cách lớn nhất giữa hai chân cầu là 1m. Phần đầu cầu rộng hơn hẳn so với những kiến trúc cầu đi bộ thời đó (khoảng 2,5m). Các nhà sử học cho rằng việc tăng thêm chiều rộng cầu có thể giúp các phương tiện lưu thông dễ dàng hơn.
Điều đáng chú ý của Arkadiko chính là cầu được xây dựng hoàn toàn bằng các tảng đá vôi. Chúng được sắp xếp một cách khéo léo sao cho vừa khít với nhau, không hề có các chất kết dính hay xi măng nhằm giữ cây cầu nguyên vẹn, điều đó cho thấy rằng kỹ thuật xây dựng của người cổ đại thật sự đáng nể phục.
Cầu Arkadiko đã tồn tại hơn 3.000 năm chỉ với những kỹ thuật xây dựng thô sơ của người Hy Lạp cổ. Ngoài Arkadiko còn có 4 cây cầu khác cũng nằm trong cùng khu vực.
Theo Listverse
Hoàng Tuấn
Xem thêm: