Thế giới vẫn luôn biết đến Nhật Bản là một đất nước có nền văn hóa giáo dục và kinh tế cực kỳ vững mạnh. Nhưng nhìn lại lịch sử của đất nước mặt trời mọc, chúng ta càng nể phục hơn nữa, bởi họ đã đứng dậy mạnh mẽ sau thất bại và gây dựng được đất nước giàu mạnh như ngày hôm nay từ trên đống tro tàn của chiến tranh. Vậy bí quyết dạy dỗ “mầm non tương lai” của họ là gì để có được sức mạnh to lớn như thế? 

1. Con không cần học quá giỏi

Thông minh, học giỏi là một điều rất tốt. Tuy nhiên, nếu quá chú trọng vào học kiến thức mà quên đi việc học cách làm người thì không thể được. Đối với người Nhật, điều quan trọng nhất của một con người là nhân cách. Các bậc cha mẹ luôn nghiêm khắc dạy con cách xử xự đúng mực và tuân thủ theo các nguyên tắc trong gia đình, trường lớp cũng như ngoài xã hội.

Ngay khi bé vừa chào đời, cha mẹ luôn lưu ý giáo dục toàn diện cho trẻ: sức khoẻ, đạo đức, kỷ luật, tình cảm, tri thức… Họ thậm chí không ủng hộ việc con cái suốt ngày vùi đầu vào sách vở, nên càng không cho phép chúng “dán mắt” vào màn hình tivi hoặc điện thoại. Dù bận rộn tới đâu, cha mẹ Nhật luôn sắp xếp thời gian cho con đi công viên và tham gia các hoạt động ngoài trời.

Đối với người Nhật, điều quan trọng nhất của một con người là nhân cách. (Ảnh: Niko-pika)

Ngoài việc xem tivi tốn thời gian và có thể khiến trẻ bị nghiện, cha mẹ Nhật ý thức rất rõ rằng nếu cho con xem tivi quá nhiều thì cấu trúc của đại não sẽ bị phá vỡ; từ tivi phát ra dòng âm cực sản sinh ra từ điện áp 20,000 vôn, gây ảnh hưởng không tốt đến thuỳ não trước (phần tạo ra năng lực suy nghĩ) của con người. “Tắt tivi, bật ý tưởng” là châm ngôn truyền miệng của các phụ huynh Nhật.

2. Con đừng mong bố mẹ sẽ thỏa hiệp

Các bậc phụ huynh ở Nhật Bản sẽ không bao giờ trao đổi với con những lợi ích mang tính chất ngắn hạn bởi họ hiểu rằng điều đó sẽ hình thành thói quen xấu cho trẻ. Nếu bố mẹ vì muốn cho xong chuyện mà đồng ý với yêu cầu không hợp lý của trẻ tại thời điểm đó thì những lần sau đó trẻ sẽ dùng cách này để đạt được mục đích của mình và không nghe theo lời bố mẹ nữa.

Ví dụ, khi đứa trẻ không chịu ăn, cha mẹ Nhật không bao giờ bật tivi cho con xem để xúc cơm cho trẻ hoặc dùng bất cứ cách nào khác. Đến giờ ăn, mẹ Nhật nghiêm khắc cho trẻ ngồi vào bàn và chỉ tập trung vào ăn. Họ sẽ không vì để trẻ ăn thêm vài thìa cơm mà hình thành một thói quen không tốt cho trẻ. Có thể thấy đây là một điểm khác biệt với nhiều cha mẹ Việt Nam, để cho con ăn cơm, nhiều bố mẹ Việt không ngần ngại mang con đi khắp xóm hoặc chạy theo bón cho trẻ.

Con đừng mong bố mẹ sẽ thỏa hiệp. (Ảnh: H-navi.jp)

Đặc biệt, khi con cái khóc lóc ở nơi đông người, chúng ta thường dỗ dành, ẵm bế và chiều theo ý con để trẻ không khóc nữa. Trong một vài trường hợp, cha mẹ lại cau mày, mắng mỏ, dọa nạt, thậm chí là đánh con. Tuy nhiên, bố mẹ Nhật lại không làm thế. Khi con quấy khóc ở nơi công cộng, họ dường như không bận tâm về điều đó, họ không dỗ dành và cũng không tức giận. Cha mẹ Nhật hiểu rằng, trẻ con quấy khóc là một cách để làm nũng và gây sự chú ý, vậy nên họ cứ để cho trẻ khóc và không hề can thiệp.

3. Bố mẹ sẽ “giữ thể diện” cho con

Nếu con vứt rác nơi công cộng, bạn sẽ làm gì? Có người sẽ mắng con, bắt con nhặt lên và tìm thùng rác để vứt, có người lại tự đi làm việc đó vì nghĩ con còn nhỏ, chưa biết đúng sai.

Đối với người Nhật, khi con có hành vi không tốt ở nơi công cộng, họ không bao giờ quở trách trẻ ngay lúc đó, họ sẽ đợi đến khi có không gian riêng tư mới nói chuyện. Họ sẽ đưa con đến các góc yên tĩnh, hoặc nói chuyện nhỏ nhẹ với trẻ khi chúng đã lên xe ô tô của bố mẹ. Tất nhiên, họ sẽ không có bất kỳ lời mắng mỏ nào mà chỉ nói nhỏ nhẹ và chỉ cho con cách làm đúng nhất để đứa trẻ tự thay đổi nếu gặp lại trường hợp tương tự.

Đối với người Nhật, khi con có hành vi không tốt ở nơi công cộng, họ không bao giờ quở trách trẻ ngay lúc đó. (Ảnh: Conobie.jp)

Việc này giúp họ “giữ thể diện” cho đứa trẻ và cả cho mình. Vì thế, thay vì nổi trận lôi đình, quát mắng trẻ ở chốn đông người, họ sẽ đợi đến khi có không gian riêng tư và khuyên trẻ về những hành vi mà chúng nên làm nơi công cộng.

4. Bố mẹ luôn tôn trọng con

Cha mẹ Nhật luôn khuyến khích trẻ tự quyết định những việc liên quan đến bản thân. Thay vì áp đặt cho con cái, họ để trẻ lựa chọn sở thích, đam mê và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Nếu trẻ sai lầm, họ không bao giờ chỉ trích hay chê trách con cái mà luôn giúp con nhận ra bài học, từ đó rút kinh nghiệm cho lần sau.

Người Nhật có quan niệm rằng “thà làm sai còn hơn không làm gì cả” và họ luôn cố gắng dạy điều đó cho trẻ. Cha mẹ khuyến khích con cái mạnh dạn thể hiện quan điểm cá nhân và thử thách những ý tưởng mới. Đó cũng là lý do mà từ lâu đất nước mặt trời mọc luôn nổi tiếng với những phát minh khiến cả thế giới bất ngờ.

Thay vì áp đặt cho con cái, họ để trẻ lựa chọn sở thích, đam mê và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. (Ảnh: Savechildren.or.jp)

Đặc biệt, cha mẹ Nhật ít khi nói với con trẻ những câu như “Con thật lười biếng” hoặc “Sao con lì lợm thế”. Họ cho rằng: “Khi bạn mắng ai đó là đồ con lợn 10 lần, họ sẽ kêu ụt ịt vào lần thứ 11”, bởi vậy, họ không bao giờ dùng những lời lẽ tiêu cực và quy chụp để mắng con.

5. Bố mẹ luôn kiên nhẫn với con

Khác với nhiều người có thể bực mình khi trẻ thơ thường hỏi đi hỏi lại một điều ngô nghê, cha mẹ Nhật không ngại giải thích nhiều lần cho con họ về một vấn đề. Theo họ, để đứa trẻ có thể thành thạo một việc thì phải cần ít nhất là 3 tháng. Chẳng hạn, khi trẻ đã nhớ được chữ “a e i o u” thì phải mất ít nhất 3 tháng trẻ mới có thể đọc được chúng thành thạo.

Cha mẹ Nhật không ngại giải thích nhiều lần cho con họ về một vấn đề. (Ảnh: Readyfor)

Những bậc cha mẹ cũng luôn tự mình làm gương để nuôi dạy con cái. Khi họ đặt mục tiêu làm điều gì đó, họ sẽ cố gắng làm đến bước cuối cùng, cho dù gặp nhiều khó khăn, bởi vì họ hiểu rằng: con cái là tấm gương phản ánh cuộc đời cha mẹ.

Hiểu Minh

Xem thêm: