Nổi loạn cũng là một trạng thái đánh dấu giai đoạn trưởng thành của con. Vì vậy, thay vì quát mắng, phụ huynh nên hiểu và tôn trọng con để có những sự định hướng đúng lúc và hợp lý.

Tuổi nổi loạn là một khái niệm về tâm lý học chỉ về một giai đoạn nhất định trong độ tuổi con người. Khi đang phát triển để trưởng thành, trẻ thường bộc lộ cái tôi ngang bướng một cách mạnh mẽ đầy cá tính và có xu hướng tìm cách vượt qua những quy tắc, thoát khỏi sự ràng buộc các khuôn phép, chuẩn mực của gia đình và xã hội.

Thông thường, tuổi nổi loạn của trẻ sẽ xuất hiện ở các chặng: 2 tuổi, 7-9 tuổi và 12-15 tuổi. Đối với trẻ, đây là giai đoạn nhạy cảm đòi hỏi các bậc phụ huynh cần theo sát, luôn có những hành động quan tâm, động viên, đồng thời tôn trọng những quyết định của con để cùng con khôn lớn.

Khủng khoảng tuổi lên 2

3 do tuoi noi loan cha me can biet de cung con truong thanh
Thường xuyên dùng lời nói nhẹ nhàng, làm gương cho con sẽ tốt hơn so với quát mắng. (Ảnh: Dama)

Khi 2 tuổi trẻ đã bắt đầu tự ý thức, con sẽ chuyển từ một bé ngoan, nghe lời trở thành cô, cậu nhóc “siêu quậy” đôi khi khiến các ông bố, bà mẹ cảm thấy mệt mỏi. Bé thường xuyên nô đùa, nghịch ngợm và vứt đồ đạc lung tung hay thậm chí phớt lờ, hoặc có những câu nói “chống đối”.

Theo lý giải của các nhà tâm lý, giai đoạn này con chính là tấm gương phản chiếu hành vi của cha mẹ. Ví dụ bạn thường ra lệnh cho bé bằng các câu nói như “Ăn đi!”, “Ngủ đi”, “Mẹ nói không là không”… Trẻ sẽ sớm học được cách nói “không” thông qua hành vi đó.

Trong trường hợp này, thay vì những câu nói áp đặt, hãy để cho con được lựa chọn trong phạm vi bạn đưa ra. Như vậy, bạn vừa có thể dẫn dắt, vừa khiến con cảm thấy được tôn trọng.

Bên cạnh đó, dùng những lời nói nhẹ nhàng, làm gương cho con sẽ tốt hơn là việc thường xuyên quát tháo.

Giai đoạn 7-9 tuổi

3 do tuoi noi loan cha me can biet de cung con truong thanh
Phụ huynh nên để cho con thấy chúng được tôn trọng. (Ảnh: Quacuabo)

Khi bước chân vào tiểu học, mối quan hệ của trẻ được rộng mở hơn. Lúc này, nhiều đứa trẻ sẽ cho rằng mình đã lớn và muốn thoát khỏi sự kìm kẹp từ gia đình, vì vậy thường xuyên cãi lại là chuyện thường gặp ở độ tuổi từ 7-9.

Tương tác với con thường xuyên, cho con quyền sai và sửa sai là cách giúp cha mẹ đối phó giai đoạn tâm lý này.

Giai đoạn 12-15

3 do tuoi noi loan cha me can biet de cung con truong thanh
Ngừng áp đặt và hãy coi con như người bạn. (Ảnh: Phunuthoinay)

Ở tuổi 12-15 là giai đoạn con đã bước vào giai đoạn dậy thì với những thay đổi cả về mặt tâm, sinh lý.

Trong thời kỳ này, trẻ rất trọng thể diện, lòng tự tôn cao và dễ bị ảnh hưởng từ bạn bè. Vì vậy, việc tôn trọng, để con có một không gian riêng là điều mà các cha mẹ nên làm. Đây không chỉ là cách giúp trẻ có không gian tự lập mà còn khiến con cảm thấy mình được tôn trọng.

Cha mẹ cần bắt đầu xem con là một cá thể độc lập, đối xử công bằng, ủng hộ con tự mình trải nghiệm, cổ vũ và an ủi khi con thất bại, khẳng định và khen ngợi khi con thành công sẽ là động lực giúp con tự tin khi trưởng thành.

Hà Thu