Thói quen hàng ngày có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của chúng ta, vì chúng có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của mình hoặc sẽ “giam cầm” bạn trong một cuộc sống tầm thường. Tuy nhiên, việc duy trì thói quen mới không phải là điều đơn giản như chúng ta vẫn tưởng, và nó đòi hỏi “chiến lược” hợp lý để đạt được thành công.

Diễn giả nổi tiếng Dale Carnegie đã từng nói rằng: “Cảm giác chán nản đối với bản thân và tình trạng hiện tại của bạn không chỉ là sự lãng phí năng lượng mà còn là thói quen tồi tệ nhất mà bạn có thể có”.

Vì vậy, đa số chúng ta chỉ tập trung vào mục đích thay đổi thói quen, mà không để tâm đến những thói quen có thể hình thành trong quá trình đó: sự nản lòng và bỏ cuộc. Vì vậy, để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, bạn cần phải chinh phục được “chặng đường” đầu tiên: vượt qua sự thất vọng có thể gặp phải và khuyến khích bản thân tiếp tục.

Leo Babuata, người sáng lập trang web zenhabits.net. (Ảnh: Facebook/Zen Habits)

Leo Babauta là một tác giả nổi tiếng với sáu cuốn sách được xuất bản, là nhà sáng lập của trang web Zen Habits.net, một trang mạng có hơn 2 triệu người đăng ký. Anh cũng là người tạo ra một số chương trình trực tuyến để giúp bạn làm chủ thói quen của mình. Leo đã đưa ra cho chúng ta một định nghĩa rất thú vị về vấn đề này:  

Khi chúng ta cố gắng thay đổi thói quen nào đó, cho dù là tập thể dục, thiền định, viết lách hay bỏ hút thuốc, có hai yếu tố chính mà hầu hết mọi người đều không hiểu, đó là: được khuyến khích và không khuyến khích.

Chúng ta hãy xem qua một ví dụ. Michael muốn thay đổi chế độ ăn uống của mình, vì vậy anh lập kế hoạch cho bữa ăn lành mạnh và cam kết duy trì kế hoạch đó trong một tháng. Đây là một số điểm điển hình trong tháng thay đổi thói quen của Michael:

  1. Michael bắt đầu ngày đầu tiên và có một bữa ăn sáng lành mạnh theo kế hoạch. Anh cảm thấy được khuyến khích bởi sự khởi đầu tốt đẹp này.
  2. Michael cũng có một bữa trưa lành mạnh, anh cảm thấy được khuyến khích hơn. Nhưng sau đó anh lại bị cám dỗ và ăn một vài chiếc bánh ở trong văn phòng, lúc này anh cảm thấy nản lòng. Như thế, Michael sẽ bắt đầu khó kiềm chế để ăn một chiếc bánh burger với khoai tây chiên vào buổi tối, và điều này khiến anh nản lòng hơn nữa.
  3. Michael yêu cầu các thành viên trong gia đình, bạn bè nhắc nhở anh có trách nhiệm với kế hoạch. Họ đồng ý và tạo một nhóm Facebook riêng. Anh cảm thấy được khuyến khích và lại bắt đầu lần nữa.
  4. Khi Michael ăn một bữa sáng lành mạnh, anh cảm giác được khích lệ nhiều hơn khi anh đăng lên nhóm Facebook về thành công này của mình. Từ thời điểm đó, mỗi khi Michael thực hiện theo kế hoạch, anh lại đăng lên Facebook và nhận được khích lệ, việc này giúp anh ấy tiến bộ.
  5. Đến cuối tuần, Michael tham dự một vài bữa tiệc, anh đã không thể bám sát kế hoạch về bữa ăn lành mạnh. Anh cảm thấy thất vọng, ngừng đăng trên nhóm Facebook vài ngày vì cảm giác tồi tệ.
  6. Việc không đăng bài lên nhóm lại càng khiến Michael cảm thấy tồi tệ hơn. Anh trở nên ăn uống tệ hại và chán nản hơn với mỗi bữa ăn.

Như bạn có thể thấy, các yếu tố khuyến khích và không khuyến khích là hai yếu tố chính của hành trình trên. Càng nhận được nhiều sự khích lệ, Michael càng có khả năng làm tốt hơn. Càng không cảm thấy được khích lệ, anh càng có nhiều khả năng thất bại với mục tiêu đặt ra. May mắn thay, có một số điều làm tăng sự khích lệ và giảm sự nản lòng mà chúng ta có thể làm.

Những cách để tăng sự khuyến khích và giảm sự nản lòng

Không quan trọng phải làm được tất cả điều này hoàn hảo, chúng ta đều có thể chịu đựng được một chút nản lòng, và vượt qua nó. Nhưng nếu chúng ta càng đi đúng hướng để nhận được nhiều sự khích lệ, cơ hội thành công của chúng ta càng cao.

Nếu chúng ta càng đi đúng hướng để nhận được nhiều sự khích lệ, cơ hội thành công của chúng ta càng cao. (Ảnh minh hoạ: internet)

Sau đây là một số cách tuyệt vời để tăng sự khuyến khích:

  • Nhận hỗ trợ từ những người khác, báo cáo những thay đổi của bạn cho họ thường xuyên, yêu cầu họ khuyến khích bạn.
  • Khi mọi thứ đi chệch hướng, hãy động viên chính mình: “Bạn có thể làm được việc này! Quay trở lại kế hoạch, thực hiện từng bước nhỏ nhất”, và cứ tiếp tục như vậy. Đó là một kỹ năng quan trọng.
  • Lấy cảm hứng từ những câu chuyện thành công.
  • Theo dõi tiến trình của bạn để biết được mình đã “đi” được bao xa.
  • Tự thưởng cho bản thân (đương nhiên không thưởng bằng đồ ăn nếu bạn đang cố gắng thay đổi chế độ ăn uống).
  • Tận hưởng thói quen (như nhận thấy niềm vui thích, sự hữu ích khi bạn tập thể dục).
  • Thực hành thói quen với người khác (đi dạo với người khác).

Như bạn thấy, đây có thể là những điều khích lệ nhỏ, nhưng chúng thật sự tạo ra sự khác biệt rất lớn. Ngoài ra, còn có một số cách để giảm bớt sự nản lòng:

  • Khi bạn làm hỏng hoặc đi chệch kế hoạch của mình (nếu bạn cảm thấy thất vọng), thay vì xem việc này như một “sự thất bại”, hãy chuyển hướng suy nghĩ của mình, xem đây là cơ hội lớn hơn để thực hành cả hai kỹ năng thói quen chính: khuyến khích bản thân và bắt đầu lại. Nếu bạn làm được điều này, bạn sẽ thực sự giỏi trong việc thay đổi thói quen.
  • Khi bạn bỏ lỡ việc báo cáo tiến độ với nhóm hỗ trợ của mình, bạn cảm thấy thiếu tự tin, thế thì hãy tiếp cận với một người trong nhóm, yêu cầu được hỗ trợ và động viên. Đừng ngại thừa nhận rằng bạn cảm thấy rất xấu hổ khi không báo cáo đúng tiến độ, sau đó cam kết thực hiện từng bước nhỏ.
  • Khi bạn bị áp lực và cảm thấy thất vọng, hãy tập trung vào bước nhỏ nhất tiếp theo.
  • Nếu việc thực hiện thói quen của bạn đang diễn ra rất tốt, bạn cảm điều này rất đáng khích lệ, nhưng sau đó, kế hoạch vì sự cố nào đó lại bị phá vỡ, bạn nhận thấy bản thân đang thất vọng. Thay vì lo lắng, hãy nghĩ về khoảng thời gian đáng kể mà bạn đã thực hành được thói quen, xem mình đã tiến bộ thực sự được bao nhiêu rồi.
  • Khi bạn cảm thấy như mình đã để bản thân và những người khác thất vọng, hãy nghĩ về sự vị tha, hãy để tâm hồn khoáng đạt để tiếp tục cố gắng lần nữa. Đây là một kỹ năng rất tuyệt vời để thực hành.

Có nhiều cách khác để giảm bớt sự thất vọng, nhưng phương pháp chính là chú ý nhận ra ngay khi bạn bắt đầu chán nản và tìm cách khuyến khích bản thân, xem nó như một cơ hội để rèn luyện sự quyết tâm và kiên trì.

Hãy cho chính mình cơ hội lớn hơn nữa để bắt tay lại từ đầu, và như nhà thơ Ovid từng nói: “Hãy để thói quen trở thành tính cách”. Khi bạn thực hành thành công một thói quen tốt, đó là khi bạn thực sự thành công trong việc xây dựng tính kiên trì của mình.

Tâm An