Nhập khẩu nhiều loại hàng hoá từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay tăng khá mạnh, trong số đó có nhiều mặt hàng là nguyên liệu sản xuất và hàng thương mại, tiêu dùng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2018, kim ngạch nhập khẩu hàng của Trung Quốc về Việt Nam đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng khoảng 800 triệu USD so với tháng 7/2017.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập hàng từ Trung Quốc đạt 35,7 tỷ USD, tăng 4,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng này tương đối mạnh trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang, nhiều loại hàng hoá Trung Quốc phải tìm kiếm thị trường khác thay thế.
Đáng chú ý, trong khi hàng hóa Trung Quốc tăng tốc đổ dồn về Việt Nam, thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong tháng 7 đạt 2 tỷ USD, đưa mức nhập siêu 7 tháng đầu năm lên 15,8 tỷ USD.
Hiện Trung Quốc đứng vị trí số 1 về lượng hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, đứng vị trí thứ 2 trong danh sách nước mà Việt Nam thâm hụt thương mại.
Về cơ cấu hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, các loại hàng có kim ngạch trên 2 tỷ USD bao gồm vải, sắt thép, thiết bị vi tính, linh kiện và máy móc.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2018, hầu hết các mặt hàng trên đều tăng về lượng nhập và giá trị.
Cụ thể, vải nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trên 620 triệu USD, tăng gần 100 triệu USD so với tháng 7/2017. Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập vải của Trung Quốc về Việt Nam đạt 4 tỷ USD, tăng hơn 600 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Đây là mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh nhất vào Việt Nam.
Các loại sắt thép Trung Quốc thời gian qua cũng vào Việt Nam số lượng lớn. Riêng trong tháng 7, sắt thép Trung Quốc tăng nhập vào Việt Nam khi đạt kim ngạch hơn 456 triệu USD, tăng gần 170 triệu USD. Trong 7 tháng qua, kim ngạch mặt hàng này đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 200 triệu USD.
Những mặt hàng thiết bị vi tính, linh kiện điện tử, điện thoại, máy móc nhập từ Trung Quốc trong tháng 7 đạt 400 triệu USD, tăng 200 triệu USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu các chủng loại mặt hàng trên trong 7 tháng đạt trên 2,4 tỷ USD.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang có dấu hiệu leo thang căng thẳng khi hai bên không ngừng trả đũa lẫn nhau về chính sách thuế quan. Để đối phó với cuộc chiến thương mại này, Trung Quốc có thể lựa chọn phá giá đồng Nhân dân tệ nhằm giúp hàng hóa nước này xuất khẩu sang những thị trường khác với giá ngày một rẻ hơn. Trong đó, đặc biệt là các hàng hoá nguyên liệu sản xuất, gia công xuất khẩu như vải, dệt, da giày và các sản phẩm hàng hoá thương mại như máy móc, thiết bị, sắt thép thành phẩm.
Khi đồng Nhân dân tệ bị hạ giá sâu, doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi do nhập hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức lớn với các doanh nghiệp trong nước, buộc phải cạnh tranh với hàng giá rẻ từ nước ngoài.
Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp Việt Nam vì lợi nhuận trước mắt, lạm dụng việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc sẽ dẫn đến nguy cơ hàng hóa Việt Nam khi xuất sang Mỹ sẽ bị đánh thuế cao do Washington nghi ngờ Bắc Kinh ngờ mượn xuất xứ và giả nguồn gốc hàng hoá.
Theo Bloomberg, tính đến ngày 11/8, đồng Nhân dân tệ đã có 9 tuần mất giá liên tiếp, đánh dấu chuỗi tuần giảm dài chưa từng có kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu áp dụng chế độ tỷ giá hiện đại vào năm 1994. Nhân dân tệ giảm giá bất chấp ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) triển khai biện pháp ngăn giới đầu cơ bán khống và cảnh báo các ngân hàng lớn trong nước không được tham gia vào các giao dịch gây sức ép mất giá cho đồng nội tệ. Trong vòng 3 tháng qua, Nhân dân tệ đã sụt giá hơn 7% so với đồng USD. Đà suy yếu của Nhân dân tệ xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang dẫn đến những lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc và PBoC thể hiện lập trường mềm mỏng hơn về chính sách tiền tệ. |
Vỹ An