Mỗi bữa chỉ dùng vài nhánh những loại rau thơm này nhưng lợi ích bạn thu được thật khó nói hết. Môi trường càng ô nhiễm, thực phẩm càng có nguy cơ ‘bẩn’, và khi càng có tuổi thì chính là lúc bạn lại nên chú ý nương nhờ đến dược tính kỳ diệu của rau thơm.
1. Rau răm
Rau răm còn có tên gọi là thuỷ liễu, hương lục… Rau răm vị cay, tính ấm không độc, dùng để chữa đau bụng lạnh, chữa rắn cắn, chàm ghẻ, mụn trĩ, kích thích tiêu hoá, kém ăn, làm dịu tình dục. Thường khi làm thuốc, người ta dùng tươi, không qua chế biến.
Rau răm trị chứng tiêu hoá kém: Mỗi ngày dùng 15g-20g cả thân và lá rau răm tươi, rửa sạch,vắt lấy nước cốt uống.
Rau răm trị say nắng: Kết hợp rau răm với sâm bố chính tẩm nước gừng (30g), đinh lăng (16g), mạch môn (1og), đem sao vàng, sắc với 600ml nước cô lại 300ml, uống trong ngày, chia làm 2 lần.
2. Thì là (thìa là)
Rau gia vị quen thuộc này có tên khoa học Anethum graveolens. Ngoài tác dụng làm gia vị trong ẩm thực, lá, quả và hạt thìa là còn được dùng để làm hương liệu chế biến thức ăn và làm thuốc. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, thìa là có thể phòng trừ tiêu chảy và hạn chế ngộ độc thực phẩm, nên ăn nhiều thìa là trong bữa ăn hoặc sau bữa liên hoan uống ly trà hãm hạt thìa là sẽ rất tốt cho tiêu hóa và tránh đầy bụng, tránh tiêu chảy.
Theo y học cổ truyền, thì là vị cay, tính ẩm, không độc, điều hoà món ăn, bổ thận, kiện tì, tiêu trướng, trị đau bụng và đau răng.
Thì là trị chứng đái rắt (đái són)
Lấy một nắm thì là tẩm với nước muối, sao vàng, tán thành bột. Khi dùng, lấy bánh dầy quết với bột trên, ăn. Phương thuốc này rất hiệu nghiệm đối với những người hay đi tiểu không có chừng mực, khi đi tiểu thấy đau buốt.
Thì là trị chứng sốt rét
Những người đi rừng lâu ngày bị sốt rét ác tính, sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Để trị chứng này, lấy hạt thì là tươi, giã, vắt lấy nước uống hay phơi khô hạt, tán thành bột, sắc lấy nước uống.
3. Tía tô còn gọi là tử tô
Toàn bộ cây tía tô có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Lá tía tô vị cay, tính ấm, làm ra mồ hôi, tiêu đờm. Quả tía tô có tác dụng khử đờm, hen suyễn, tê thấp. Hạt tía tô chữa táo bón, mộng tinh…
Tía tô rất đắc dụng với phụ nữ mang thai. Khi đang có mang thai mà cảm sốt, không nên dùng kháng sinh, tốt nhất là dùng tía tô, kinh giới, mỗi thứ 1 nắm, đổ 2 chén sắc còn 1 chén để nguội uống, tiếp đó ăn 1 chén cháo nóng có đập 1 quả trứng gà lấy lòng đỏ quậy đều.
Tía tô trị chứng cảm cúm không ra mồ hôi, ho nặng
Nấu cháo gạo rồi thái chỉ 10g lá tía tô cho vào cháo, ăn nóng, đắp chăn kín cho ra mồ hôi, bệnh sẽ khỏi. Hoặc dùng 15-20g lá tía tô tươi, giã nát, đun sôi với nước, uống.
Tía tô chữa trúng độc do ăn hải sản
Nếu ăn hải sản bị dị ứng, mẩn đỏ người thì dùng một nắm lá tía tô giã hay xay lấy nước uống, bã xát vào chỗ mẩn ngứa. Hoặc có thể kết hợp với sinh khương (8g), gừng tươi (8g), cam thảo (4g) đun với 600ml, cô lại còn 200ml, uống lúc nóng, chia 3lần/ ngày.
Tía tô chữa táo bón
Khoảng 15g hạt tía tô, 15g hạt hẹ giã nhỏ, trộn với nhau chế thêm 200ml nước, lọc lấy nước cốt, nấu cháo ăn rất tốt, đặc biệt là trị chứng táo bón lâu ngày ở người già và người cơ thể bị suy yếu.
Theo Kiến thức gia đình
Liên Kiều