Sẽ không khó để Triều Tiên trở thành một Việt Nam tiếp theo nếu nhà lãnh đạo Kim Jong Un của nước này chấp nhận giải pháp phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên và thực hiện chính sách “Đổi mới” như Việt Nam từng thực hiện.
Đó là đánh giá của nữ phóng viên Shuli Ren thuộc hãng tin Bloomberg, chuyên viết về các thị trường châu Á. Cây viết này có bằng CFA và từng là một quan chức ngân hàng đầu tư.
Theo đánh giá của Shuli Ren, Triều Tiên ngày nay rất giống với Việt Nam hồi năm 1986 khi thực hiện chính sách “Đổi Mới” để phát triển kinh tế. Trong năm 1986, Việt Nam có quy mô GDP khoảng 26 tỷ USD, trong khi Triều Tiên khoảng 31 tỷ USD.
Theo phóng viên Shuli Ren, bắt đầu thực hiện “Đổi mới” thì Triều Tiên thậm chí còn có nhiều thuận lợi hơn, vì quốc gia này giàu hơn và có nền công nghiệp tốt hơn Việt Nam thời đó.
Giờ đây, Việt Nam đang là một trung tâm chế biến chế tạo lớn trong khu vực, có nền kinh tế lớn hơn 6 lần so với Triều Tiên. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2017, tốc độ nhanh nhất trong 1 thập kỷ, một phần nhờ vào sự đóng góp của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Riêng hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngược lại, kinh tế Triều Tiên đang bị đóng băng vì vướng víu nhiều lệnh trừng phạt của quốc tế liên quan đến việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Dẫu vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể sẽ cân nhắc việc chuyển một phần cơ sở sản xuất sang Triều Triên nếu nước này nới lỏng chính sách. Theo số liệu từ Khu công nghiệp Kaesong của Triều Tiên, tiền lương của lao động nước này thấp hơn nhiều.
Hai nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc mới đây đã có cuộc gặp thượng đỉnh, tại đó ông Kim Jong Un cam kết sẽ chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và nhất trí gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đáp lại, ông Trump bình luận rằng đây “một khoảnh khắc rất đặc biệt cho hòa bình thế giới”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/5 cho biết Mỹ sẽ cho phép các doanh nghiệp nước này đầu tư vào Triều Tiên nếu chính quyền Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, chính quyền Washington có thể hỗ trợ Triều Tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và nông nghiệp, giúp Triều Tiên đạt được sự thịnh vượng ngang với Hàn Quốc.
Đây có thể là một thời điểm quyết định cho Triều Tiên. Theo tính toán của ngân hàng Morgan Stanley, nếu Triều Tiên có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài, từ mức gần như không có hiện nay lên mức 20% GDP, kinh tế nước này có thể tăng trưởng 5%.
Chỉ riêng Hàn Quốc cũng có thể tạo ra các khoản đầu tư đó. Theo số liệu công bố năm 2016, Triều Tiên có GDP khoảng 31 tỷ USD, nghĩa là 20% GDP sẽ vào khoảng 6 tỷ USD. Trong khi đó, tiêng Samsung đã rót tới hơn 17 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam trong những năm qua.
Việt Nam có tình trạng nhân khẩu đẹp hơn khi khoảng 70% dân số đang trong độ tuổi lao động, trong khi lực lượng này tại Triều Tiên là 44%. Và dân số trong độ tuổi lao động của Triều Tiên dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2020, trong khi Việt Nam là năm 2040.
Tổng dân số của 2 miền Triều Tiên vào khoảng 80 triệu người, một con số đủ lớn để biến bán đảo này trở thành một trung tâm sản xuất và tiêu dùng tự chủ.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra ngày 27/4 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng đã chia sẻ tầm nhìn về sự cải cách và mở cửa kiểu Việt Nam đối với Triều Tiên, ám chỉ rằng nước này có thể muốn phát triển giống với Việt Nam nếu thay đổi chính sách.
Như vậy, không loại trừ khả năng Triều Tiên có thể trở thành một Việt Nam thứ hai nếu lãnh đạo Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân và chấp nhận cải cách.
Minh Tuệ