“Tôi muốn những điều người khác làm tổn thương mình cũng có thể như cát, được gió xóa nhòa đi tất cả. Còn những điều tốt đẹp người khác làm cho mình, sẽ vĩnh viễn khắc ghi trong lòng như trên tảng đá này”.
Truyền thuyết Ả Rập có câu chuyện kể rằng:
Ngày xưa, có hai người bạn chơi thân với nhau, một hôm hai người rủ nhau đi du lịch trên sa mạc. Giữa đường hai người phát sinh mâu thuẫn vì một tranh chấp nhỏ. Trong lúc nóng giận không kìm chế được, một trong hai người đã ra tay đánh người còn lại. Người bị đánh thấy vậy không nói lời nào, chạy ra khỏi lều vải, nhặt một cành củi viết lên cát: “Hôm nay bạn tôi đánh tôi”.
Tiếp đó, hai người lại tiếp tục tiến về phía trước, khi gặp một thung lũng màu mỡ hai người họ dừng chân nghỉ ngơi uống nước, tắm rửa. Người bị đánh kia sơ ý ngã xuống nước nguy hiểm, may thay người bạn đi cùng đã cứu anh ta lên. Sau khi nghỉ ngơi một lúc, người bạn được cứu kia lấy từ ba lô ra một con dao nhỏ, khắc lên đá dòng chữ: “Hôm nay bạn tôi đã cứu tôi”.
Người bạn đi cùng thấy làm khó hiểu nên hỏi anh ta lý do vì sao khi tôi đánh anh, anh lại viết lên sa mạc còn khi tôi cứu anh thì anh lại khắc lên đá như vậy? Cậu bạn bị đánh trả lời: “Tôi muốn những điều người khác làm tổn thương mình cũng có thể như cát, được gió xóa nhòa đi tất cả. Còn những điều tốt đẹp người khác làm cho mình, sẽ vĩnh viễn khắc ghi trong lòng như trên tảng đá này”.
Bao dung, tha thứ cho người khác cũng chính là bao dung, tha thứ cho chính mình.
“Nhân vô thập toàn”, sống ở đời ai mà không có lỗi lầm, ai mà không từng phạm phải sai sót? Vậy nên, bị người khác làm tổn thương đó là điều chúng ta không thể tránh khỏi.
Nếu có thể lấy khoan dung độ lượng mà đối đãi với mọi người thì chúng ta sẽ biết ứng xử như thế nào khi người khác có khuyết điểm hoặc phạm phải sai lầm.
Hơn nữa, tha thứ, khoan dung độ lượng cho sai lầm của người khác mới là con đường nhanh nhất giúp ta quên đi những tổn thương mà người khác mang lại.
Tha thứ cho người khác, không phải là sự yếu đuối mà là chính là sự độ lượng. Ai đó đã từng nói: “Tha thứ không phải là ban ơn cho người khác mà là cởi trói cho mình”, cởi trói sự thù hận nhỏ nhen của chúng ta.
Đức Phật cũng từng dạy rằng: “Tài sản quý giá nhất của đời người chính là lòng khoan dung”, đúng vậy, tha thứ cho người khác cũng là tạo phúc cho chính mình.
Tha thứ cho người khác nó còn thể hiện cảnh giới của một người có tu dưỡng, cũng như biển lớn có thể dung nạp trăm sông nghìn suối. Tha thứ cho người khác không khó, cái khó chính là buông bỏ nhân tâm thù hận, buông bỏ cái tôi trong lòng mình. Tha thứ cũng không thể thay đổi quá khứ mà là thay đổi tương lai.
Nhân sinh như mộng, vạn cảnh tuỳ tâm. Nếu như một người mà luôn nhớ đến những sai lầm, thiếu sót của người khác thì cũng khác nào như cái thùng rác, luôn chứa đựng những điều dơ bẩn? Sống như vậy thì thử hỏi niềm vui ở đâu ra?
Dù cho trước mặt có là danh sơn, thắng địa, mỹ diệu tột cùng thì đối với một người mà trong lòng luôn chất chứa những sai lầm của người khác thì cũng như nơi điêu tàn u tối.
Còn nếu như có thể chỉ nhớ đến ưu điểm, nhớ đến điều tốt đẹp của người khác, khi đó ta sẽ thấy rằng, đâu đâu cảnh cũng vui mừng, hoa thơm, chim hót, vạn vật xinh tươi.
Minh Vũ