Một lần ngồi trong quán Starbucks đợi cậu bạn thân, tôi vô tình nghe được cuộc nói chuyện khá thú vị của những đứa trẻ ngồi bàn bên cạnh.
Điều vĩ đại nhất của một người đàn ông, chính là “làm cha”
Đó là 5 em học sinh, có lẽ mới chỉ học trung học, các em đang rôm rả kể chuyện về cha mình.
Trong đó, một cậu bé mặc bộ đồ thể thao Adidas hứng khởi khoe rằng: “Cha tớ làm quản lý trong một công ty lớn, rất có quyền thế, mỗi lần ra khỏi nhà đều có bảo vệ hộ tống. Vì cha tớ là lãnh đạo cao cấp nên ở nhà lúc nào cũng tấp nập người đến nhờ vả. Ai muốn gặp cha tớ đều phải ăn mặc lịch sự và tỏ ra lễ phép. Ngay cả trong trường học chúng mình cũng có nhiều người đến nhờ cha tớ liên hệ xin việc cho”.
Một cậu học sinh khác cũng hào hứng không kém: “Thế có gì đáng nói? Để tớ cho các cậu xem cái này…” Nói rồi, cậu bé lấy trong cặp ra một tấm danh thiếp, ánh mắt toát lên vẻ tự hào. “Cha tớ là tổng giám đốc, không phải làm thuê cho người khác mà là làm ông chủ của chính mình. Chỉ riêng năm ngoái cha tớ đã đi qua 36 nước, có đối tác làm ăn khắp toàn cầu. Trong mắt tớ, đây mới thực sự là người tài giỏi”.
Một cậu học sinh da hơi ngăm đen cũng nói thêm vào: “Cha tớ không có gì lợi hại cả, nhưng trên danh thiếp thì cha tớ là bác sĩ, làm trưởng khoa trong bệnh viện trung ương, rất nhiều ca phẫu thuật lớn và quan trọng đều được đích thân cha tớ thực hiện”.
Lũ trẻ lại tiếp tục bàn luận sôi nổi với nhau. Nhìn khuôn mặt của các em, đứa nào đứa nấy đều vô cùng tự hào và ngưỡng mộ người cha của mình. Bốn đứa trẻ đáng yêu đang nói chuyện vui vẻ, rồi đột nhiên một đứa quay sang hỏi cậu bạn đứng cạnh đó mà từ đầu tới cuối vẫn chưa lên tiếng câu nào: “Thế cha cậu thì sao? Kể cho tụi tớ về cha cậu đi!”
Lúc này cậu bé mới ngẩng đầu lên. Với vẻ mặt tươi tắn và ánh mắt sáng ngời, cậu bé nói: “Cha tớ chỉ ở nhà làm ruộng và trồng vườn. Tuy cha tớ không có gì nổi bật, nhưng ông lại làm được một điều vĩ đại, đó là “làm cha”. Đúng vậy, với cương vị là một người cha, ông làm rất xuất sắc, là người mà tớ luôn tôn kính suốt cuộc đời”.
Không gian đột nhiên chùng xuống, mấy đứa bạn lúc trước còn hào hứng, nay cũng im lặng trầm tư suy ngẫm.
Lúc đó trong lòng tôi thầm nghĩ: Nói rất hay! Chức vụ đáng tự hào nhất của mỗi người đàn ông chính là “làm cha”, sự nghiệp thành công nhất của mỗi người đàn ông cũng chính là gánh vác gia đình và yêu thương vợ con từng phút từng giây.
Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phải chăng chúng ta đã vô tình lấy tiền tài và địa vị để làm thước đo cho sự thành công của người chồng, người cha? Đôi khi chúng ta đặt quyền lực và danh vọng lên bàn cân so sánh, để rồi lấy đó làm đắc ý, làm tự hào. Một người cha dù giàu có đến mấy, uy quyền đến mấy, nhưng không thể ở bên con mỗi tối, không thể chỉ dạy con sau mỗi lần vấp ngã, và cũng không thể làm chỗ dựa tinh thần mỗi khi con thấy hụt hẫng trên đường đời – thì chắc chắn là bạc vàng cũng không thể làm nên một người cha tôn kính.
“Giàu có” không làm nên một người cha vĩ đại, “nghèo khó” không làm mất đi sự vĩ đại của người cha
Tại một ngôi trường cấp 3 năm ấy, tôi vô tình thấy một nữ sinh đang kéo tay một người đàn ông lớn tuổi, miệng không ngừng làu bàu: “Ai cho cha tới đây, cha ăn mặc thế này mà đến họp phụ huynh được sao? Chút nữa các bạn con đến mà nhìn thấy cha như vậy, tụi nó sẽ cười con đến không giấu mặt được mất! Mà chẳng phải con đã nói rồi sao, một là đừng có đến, hai là đến thì phải ăn mặc chỉnh tề một chút, chứ đừng để con mất mặt với bạn bè…”
Lúc đó tôi thấy người cha chỉ cúi đầu buồn bã, cứ như thể ông đã gây ra sai lầm gì đó nghiêm trọng lắm. Ông cố thanh minh với con gái: “Cha vừa từ công trường về, nghe mẹ con nói phải đi họp phụ huynh nên liền vội vàng chuẩn bị đi, cha còn đặc biệt thay quần áo, rửa mặt sạch sẽ rồi mới đến đây”.
Cô con gái vẫn tỏ ra lạnh lùng: “Thôi tuỳ cha vậy, tí nữa có ai hỏi thì cha đừng nói là làm ở công trường, đừng làm mất mặt con…”
Khoảnh khắc đó, ánh hoàng hôn chiếu rọi lên khuôn mặt đã dạn dày vì sương gió, vì thời gian và vì bao nỗi vất vả lo toan trên đường đời. Người đàn ông nhìn con cái với ánh mắt man mác buồn. Ông không khóc nhưng qua giọng nói nghẹn ngào ấy, tôi có thể cảm nhận được phần nào nỗi xót xa trong lòng ông. Trên cuộc đời này, có người cha nào mà chưa từng nặng lòng vì con? Có những nỗi đau là vì lao tâm cả đời mà vẫn không đủ tiền nuôi con, lại có những nỗi đau là vì dành tất cả cho con mà vẫn không được con cái mình chấp nhận.
Sau một hồi miên man suy nghĩ, đến lúc này tôi mới nhận ra rằng người cha ấy đã lấy lại tinh thần. Ông chỉnh lại quần áo một lượt từ đầu tới chân, vuốt lại tóc rồi từ từ bước đi vào lớp, bóng dáng ông cũng khuất dần trong ánh nắng hoàng hôn.
Tôi đứng đó ngây người không biết bao lâu, một cảm giác đau nhói trong lòng không thể tả xiết.
Tôi cứ nghĩ mãi nghĩ mãi, lẽ nào một người cha nghèo đáng phải chịu như vậy hay sao? Lẽ nào chỉ vì ông ấy là một công nhân bình thường nên mất mặt hay sao? Lẽ nào không mặc quần áo đắt tiền, không có địa vị cao sang thì không thể đến họp phụ huynh hay sao?
Tại sao lại như vậy? Vì để kịp buổi họp phụ huynh, người cha đã không quản mệt mỏi sau một ngày làm việc, vừa về tới nhà chưa kịp nghỉ ngơi đã vội vàng đi họp cho con, đến nơi lại bị chính đứa con gái mà mình hết mực yêu thương oán trách — chỉ vì một chút hư vinh sao lại nỡ đối xử với cha mình như vậy?
Với tôi, cha luôn là một người vĩ đại
Còn nhớ khi còn nhỏ, có lần tôi cùng cha ra biển đánh cá. Các cô chú trên thuyền đều tầm tuổi cha tôi, có người thì chào hỏi cha tôi, có người thì nói đùa với tôi:
– Người đàn ông không thể nói chuyện này là cha cháu phải không?
Tôi mở to mắt nhìn họ rồi cũng vui vẻ đáp lại:
– Đúng vây, đó chính là người cha vĩ đại của cháu.
– Nhưng cha cháu không biết nói chuyện, cháu có buồn không?
– Đâu có, cha cháu biết nói chuyện mà, chỉ là ông Trời cho cha cháu một loại ngôn ngữ khác để nói chuyện, bản lĩnh này không ai có thể có được đâu.
Lúc đó mọi người trên thuyền đều cười vui vẻ nói tôi là đứa trẻ hiểu chuyện. Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn không quên ánh mắt của cha khi đó. Cả ngày hôm ấy cha tôi luôn vui vẻ và hạnh phúc, chưa khi nào tôi thấy cha được hạnh phúc như vậy.
Thật vậy, với tôi, cha biết nói hay không? Có nghe được tôi nói hay không? Điều đó có quan trọng gì đây? Cha là người đã mang tôi đến thế giới này, là người đã dạy tôi biết cách làm người, dạy tôi biết cách làm một đứa trẻ ngoan ngoãn kính trên nhường dưới, như vậy lẽ nào còn chưa đủ sao? Với tôi cha chính là một người đàn ông vĩ đại.
Vào năm học cấp ba, có lần thầy chủ nhiệm hỏi tôi: “Cha của em như vậy có khiến em bị ảnh hưởng gì không?” Tôi nói: “Nếu em là người có bản lĩnh, thì dù cha là ai, em vẫn là người có bản lĩnh. Còn nếu như em là ‘thứ bỏ đi’ thì dù cha là ai, em vẫn chỉ là thứ bỏ đi”.
Cho đến tận hôm nay, trải qua biết bao năm tháng thăng trầm, trong lòng tôi vẫn luôn ghi nhớ câu nói đó. Đúng vậy, cho dù cha mình có là ai thì đó vẫn mãi mãi là cha mình. Đạo đức của họ, nhân cách của họ, cuộc sống của họ, và những lời chỉ bảo của họ đã dạy cho ta đạo lý làm người, như vậy là đủ rồi. Cứ cho rằng họ có công danh hiển hách, nhưng quan trọng là, điều đó có thực sự giúp con cái nên người hay không? Có cho con cái biết trân quý mẹ cha, trân quý cuộc đời này hay không?
Trong mắt cha mẹ, con cái dù xấu đẹp đến đâu vẫn là tuyệt vời nhất, là số một trong lòng mẹ cha. Nhưng ngược lại, có được bao nhiêu người con lấy tâm tình đó mà đối đãi với cha mẹ mình? Đáng tiếc là, rất nhiều người con ruồng rẫy cha mẹ mình chỉ vì họ nghèo hèn không địa vị. Thử hỏi, ai là người đã mang họ đến với thế giới này? Lẽ nào ân đức đấy vẫn còn chưa đủ hay sao?
Cha mẹ đã sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta đến ngày hôm nay, không phải cứ cho chúng ta áo gấm lụa là, cho chúng ta bẩm sinh ưu tú hơn người, để ta sống trong quyền cao phú quý thì mới là cha mẹ tốt, mới đáng để chúng ta tự hào.
Nếu con cái muốn có hư danh, vậy hãy dùng thực lực của mình mà đạt được điều ấy. Sau này khi bước ra xã hội, thời gian và cuộc đời sẽ giúp bạn nhận ra rằng: Không có niềm vui và hạnh phúc nào sánh được với lúc ta đang còn cha mẹ, khi cha mẹ không còn thì hết thảy phú quý vinh hoa cũng chỉ là những nuối tiếc bơ vơ.
Mọi thứ trên đời chỉ là mây khói, chỉ có tình yêu thương của cha mẹ mới là bất diệt với thời gian. Dù cuộc đời có muôn vạn khó khăn, dòng đời có xô đẩy, cuộc sống có cho ta bao điều áp lực, thì chỉ cần trở về bên cha mẹ, bên gia đình, chúng ta sẽ có được cảm giác bình an, có được phút giây thư thái. Năm tháng qua đi nhưng hình bóng của cha, dáng người của mẹ, đấng sinh thành đã nuôi dưỡng chúng ta, dạy ta biết cách làm người, mãi mãi không thể nào phai nhạt.
Cho nên, dù cha có là ai, có mang thân phận gì, dù cha không có được một tấm danh thiếp cho riêng mình thì cũng chẳng là điều gì to tát, chỉ có “làm cha” mới là thân phận cao quý nhất trên thế gian này, như vậy là đủ rồi.
Cho nên, cha mẹ là ai cũng là điều không cần phải so sánh. Điều chúng ta nên tự hào đó là chúng ta được làm con của cha mẹ, chúng ta được cha mẹ dạy bảo nên người. Với chúng ta, cha mẹ “khi xa thì nhớ khi gần thì thương”, đó mới là điều ý nghĩa nhất…
Theo SOH
Minh Vũ biên dịch