Dưới sánh sáng của khoa học thông tin, quan điểm cho rằng vũ trụ là một thế giới thuần túy vật chất đã trở nên lỗi thời. Thực tế, song song với thế giới hữu hình còn có thế giới siêu hình. Hai dạng thực thể này, tuy đối lập trong sự biểu lộ, nhưng đều là những thành phần của cùng một vũ trụ – một Vũ trụ nhất thể.
Các mô hình vũ trụ nhất thể
Các mô hình trong khoa học tây phương
– Chiếc đồng hồ Newton (Newton’s Clock)
– Quyết định luận Laplace (Laplace’s Determinism)
– Con lắc Foucault (Foucault Pendulum): Để chứng minh Trái đất quay quanh trục, Leon Foucault đã tạo ra con lắc nổi tiếng mang tên ông: một con lắc đã đi vào lịch sử với quả lắc bằng chì bọc đồng nặng 28 kg được treo bởi một sợi dây thép 67 m, treo đúng giữa đỉnh mái vòm của điện Panthéon, Paris. Mặt phẳng dao động của con lắc cố định, nhưng Trái Đất quay quanh trục, nên kết quả con lắc vẽ ra trên nền nhà một hình bánh xe nan hoa. Tại sao mặt phẳng dao động cố định? Giải thích của Ernst Mach: lực quán tính tác động lên con lắc là tổng hợp lực của toàn bộ vũ trụ lên nó, giữ cho con lắc có mặt phẳng dao động cố định (Mach’s Principle). Có nghĩa là mỗi điểm trong vũ trụ có một mối liên kết chặt chẽ với toàn bộ phần còn lại của vũ trụ. Xin xem video sau đây: Foucault Pendulum at the Pantheon, Paris https://www.youtube.com/watch?v=sWDi-Xk3rgw
– Phương trình trường trong Thuyết tương đối tổng quát của Einstein:
– Lý thuyết Big Bang > Nguyên tử nguyên thủy > Điểm kỳ dị (Singularity point)
– Lý thuyết Trường thống nhất (TUF) > Lý thuyết Thống nhất vật lý > Lý thuyết về mọi thứ (TOE)
– Mô hình chuẩn của vật lý hạt cơ bản.
– Lý thuyết ảnh toàn ký (holograph): Thông tin về một sự vật được ghi lại trên từng điểm của vật [xem Wikipedia > Holography > Ảnh toàn ký[1]] [Từ xác định đến bất định, David Peat, trang 124].
Thái cực đồ
Khác với Tây phương, các nhà hiền triết Đông phương cổ đại không tìm cách chứng minh vũ trụ nhất thể, mà tin rằng vũ trụ nhất thể là cái GỐC của vạn vật. Nói cách khác, Đông phương cổ đại coi vũ trụ nhất thể là một TIÊN ĐỀ của mọi nhận thức. Không có tiên đề đó thì không thể nhận thức được vạn vật. Vũ trụ nhất thể của Đông phương được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Dịch gọi là Thái Cực, Lão giáo gọi là ĐẠO. Bản thân chữ ĐẠO trong tiếng Hán là một từ “hội ý”, và những ý hội thành chữ Đạo cho thấy ý nghĩa của nó là cái gốc của Vũ trụ, là cái toàn thể của vũ trụ, cái thâu tóm và thống nhất vạn sự trong cái MỘT. Tóm lại, Đạo chính là tư tưởng nền móng của vũ trụ nhất thể. Tư tưởng của Đạo cũng như Thái Cực đã được sơ đồ hóa dưới dạng Thái Cực đồ:
Tuy Đạo hay Thái Cực của Đông phương có những điểm tương đồng với vũ trụ nhất thể của Tây phương, nhưng Đạo hay Thái Cực rộng lớn hơn và phong phú hơn, bởi hai lẽ: Một, nó không chỉ bao gồm vật chất, mà còn bao gồm cả những gì được coi là phi vật chất hoặc siêu hình. Nói cách khác, nó bao gồm tất cả những gì mà giác quan và tư tưởng có thể nhận thức được. Hai, thay vì phân chia vũ trụ thành những phân tử, nguyên tử hay hạt cơ bản, sóng năng lượng, … vũ trụ Đông phương chỉ chú trọng tới yếu tố căn bản nhất, đó là sự vận động cân bằng được gọi là cân bằng âm-dương – mọi sự thái quá đều trái ĐẠO và do đó sẽ phải trở về với cân bằng, trong đó âm và dương không loại trừ nhau, ngược lại, bổ sung cho nhau. Đó là lý do để Niels Bohr, nhà vật lý nguyên tử trứ danh người Đan Mạch, đã lấy Thái cực đồ làm biểu tượng cho tư tưởng của ông về “Nguyên lý bổ sung”, rằng “Trái ngược không phải là mâu thuẫn, mà bổ sung cho nhau” (Contraria non contradictoria sed complementa sunt)[2]. Nguyên lý này đã “cứu” vật lý lượng tử vượt qua cuộc khủng hoảng “nghịch lý sóng/hạt” đầu thế kỷ 20, và trong câu chuyện về siêu hình học, chúng ta có thể nói: Thế giới vật lý và thế giới siêu hình không mâu thuẫn với nhau, mà bổ sung cho nhau!
Mô hình vũ trụ Elliptic-Hyperbolic (E-H model)
Nhìn vào mô hình trên, phần dương (+) ký hiệu bởi (E), giới hạn bởi đường Ellipse; phần âm (–) ký hiệu bởi (H), giới hạn bởi các đường Hyperbole liên hợp với Ellipse. Cụ thể, mô hình E-H được xác định bởi các miền giới hạn bởi các đường cong có phương trình sau đây:
trong đó hai phương trình
mô tả cùng một Ellipse: phương trình thứ nhất mô tả Ellipse trong hệ tọa độ Oxy, phương trình thứ hai mô tả Ellipse trong hệ OXY, hai hệ có thể biến đổi lẫn nhau sao cho hệ này biến thành hệ kia bằng một phép quay và đổi chiều trục sao cho y thành X và x thành (–Y) (phép hoán vị vai trò của biến và hàm).
Trong mỗi hệ tọa độ đó, Ellipse có một Hyperbole liên hợp tương ứng. Vậy nếu bỏ qua cái vỏ toán học để nhìn vấn đề dưới con mắt vật lý thì mỗi Ellipse sẽ có 2 Hyperbole liên hợp với nó và chúng sẽ xác định các phần dương và âm của vũ trụ.
Trong mô hình trên, không gian (E) là phần dương (+), không gian Elliptic, hoặc vũ trụ Einstein, tức vũ trụ chứa đựng tất cả những thực thể vật lý, bao gồm vật chất có khối lượng, năng lượng (và có thể cả vật chất tối lẫn năng lượng tối). Những thực thể này tuân thủ các định luật vật lý của vật lý học. Dưới tác dụng của lực hấp dẫn, không gian này bị lồi (convex) – có độ cong dương (elliptic curvature). Kết luận này thích hợp với không gian cong trong Thuyết tương đối tổng quát của Einstein.
(H) là phần âm (–), không gian vũ trụ Hyperbolic, chứa đựng tất cả những thực thể phi vật chất hoặc siêu hình, không tuân thủ các định luật vật lý, bao gồm các hiện tượng siêu hình mà chúng ta có thể chứng kiến, hoặc “thế giới sau sự sống”, ….
Đối với Einstein, không có thế giới sau sự sống. Khi được hỏi liệu ông có tin vào thế giới sau sự sống không, Einstein trả lời: “Không, đối với tôi một cuộc sống là đủ”[3], nhưng người bạn tri kỷ vong niên của ông là Kurt Gödel lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại, rằng:
“Nếu thế giới được xây dựng một cách hợp lý và có ý nghĩa, thì phải có một thứ như thế giới sau sự sống”[4].
Vậy thế giới có được xây dựng một cách hợp lý không?
Gödel trả lời: “Thế giới là hợp lý”[5]. Điều này thiết tưởng là hiển nhiên, vì nếu thế giới không hợp lý sẽ không có chúng ta! Từ khẳng định này, lập tức suy ra ắt phải có thế giới sau sự sống. Ở đây có thể thấy Gödel thâm thúy hơn Einstein, mặc dù Einstein cũng nổi tiếng vì những tư duy triết học vô cùng sâu sắc. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy triết học của Einstein vẫn dừng lại ở thế giới vật chất, không thể hiện những trải nghiệm về thế giới siêu hình.
Đến đây, có thể nói vũ trụ Hyperbolic là một hiện thực bình đẳng với vũ trụ Elliptic! Tính bình đẳng ấy thể hiện rõ qua phép biến đổi toán học sau đây:
Nói cách khác, vũ trụ Hyperbolic và vũ trụ Elliptic thống nhất trong cùng một bản chất. Bản chất đó là “vũ trụ nhất thể” (universe as one), mà Đông phương gọi là Thái Cực hoặc Đạo. Mô hình vũ trụ Elliptic-Hyperbolic phong phú hơn mô hình vũ trụ Big Bang ở 2 điểm căn bản:
– Một, nó thâu tóm cả vật chất lẫn phi vật chất, cả thế giới hữu hình lẫn siêu hình.
– Hai, nó thể hiện rõ tính thống nhất và cân bằng âm dương – điều kiện thiết yếu của sự tồn tại và phát triển.
Khái niệm Thái Cực không hoàn toàn trừu tượng, mà có thể “nhìn thấy”, “sờ thấy” qua hình ảnh những sinh vật sinh sản vô tính: con giun, con sán, … có thể sinh sôi nẩy nở bằng cách tự phân chia, thay vì kết hợp hai giống đực và cái. Điều đó có nghĩa là những sinh vật này đã chứa đựng trong bản thể của nó cả âm lẫn dương. Vì thế những sinh vật này có thể xem như những “thái cực thu nhỏ”.
Mô hình vũ trụ Elliptic-Hyperbolic cũng có thể xem như một “Thái cực đồ” Tây phương, từ đó có thể giải thích được nhiều điều mà mô hình thuần túy vật chất không giải thích được. Chẳng hạn:
Niềm tin của Gödel vào thế giới sau sự sống là hợp lý về logic, trong khi thế giới ấy không thể phát hiện được bằng phương pháp vật lý. Tại sao? Vì thế giới Hyperbolic không tuân thủ các định luật vật lý. Tại sao thế giới này không tuân thủ vật lý? Vì đó là thế giới siêu hình, phi vật lý và vượt quá vật lý. Vậy chúng ta có thể tiếp cận với thế giới Hyperbolic không? Nói chung là không, vì không gian sinh sống của con người là không gian vật lý. Tuy nhiên, có một số người có thể tiếp cận được. Đó là những nhà ngoại cảm, hoặc các bậc tu hành siêu thoát – những người có khả năng vượt thoát khỏi không gian vật lý. Những người này có công năng đặc biệt, nhờ tu luyện, hoặc nhờ “Don de Dieu”, tức là được Tạo hóa ban cho một sứ mệnh nào đó mà con người không thể biết được.
Trong mô hình E-H, khái niệm “ảo” và “thực” chỉ mang ý nghĩa tương đối. Một thực thể có ý thức trong không gian Elliptic sẽ coi thế giới Hyperbolic là “ảo” và ngược lại. Một cách ví von khác, thế giới là một đồng xu, hai mặt “thực” và “ảo” chỉ là hai mặt của đồng xu đó. Khi ta tồn tại trong thế giới sống thì thế giới sống là “thực” và thế giới sau sự sống là “ảo”. Khi ta trở về với thế giới sau sự sống thì thế giới đó là “thực” và thế giới sống là “ảo”. Người Việt có câu: “Sinh ký, tử quy”, nghĩa là cõi sống chỉ là cõi tạm (ký gửi), chết mới là về nhà. Niềm tin này hóa ra không phải là hoang đường, mà có cơ sở logic. Đó là lý do người Việt có Đạo thờ Trời Đất – Tổ tiên. Thực ra người Cơ đốc giáo cũng có niềm tin tương tự: sự chết là trở về Nhà Chúa. Nữ Thánh Mary Mackillop của Úc nói: “Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta chỉ là những lữ khách trên trần gian này mà thôi” (Remember we are but travellers here). Có lẽ những nhà tu hành đắc đạo có khả năng siêu phàm vượt ra khỏi không-thời-gian của thế giới sống để nhận ra tính hư ảo tạm bợ của thế giới này nên mới mách cho chúng ta biết rằng mọi ham muốn vật chất trong thế giới sống chỉ là những ham muốn tạm thời.
Khoảng trắng trong mô hình vũ trụ Elliptic – Hyperbolic là một “vũ trụ medium” (vũ trụ trung gian) – một vũ trụ không E không H, hoặc vừa E vừa H, tức không âm không dương, hoặc vừa âm vừa dương. Sự chuyển tiếp từ vũ trụ hữu hình sang vũ trụ siêu hình có thể đi thông qua các cực đông, tây, nam, bắc của Ellipse (các tiếp điểm), hoặc có thể thông qua “vũ trụ medium”. Những nhà ngoại cảm có thể là những người tồn tại trong “vũ trụ medium” nên họ có thể nhận được thông tin của cả hai thế giới: thế giới sống và thế giới sau sự sống. Có những người vốn không có khả năng ngoại cảm, nhưng sau những sự cố đặc biệt (thập tử nhất sinh) bỗng có những khả năng đặc biệt mà chúng ta không có. Có lẽ sự cố đặc biệt ấy chẳng qua là sự chuyển tiếp từ vũ trụ Elliptic (thế giới sống) sang “vũ trụ medium”.
Nhưng cái gì kết nối thế giới vật lý với thế giới siêu hình? Câu trả lời là THÔNG TIN! Thông tin điều khiển toàn bộ vũ trụ, cả vũ trụ Elliptic lẫn Hyperbolic. Cái mà chúng ta thường gọi là tương tác trong thế giới siêu hình, hoặc các thực thể siêu hình, thực ra là sự trao đổi thông tin. Vì thế, mọi sự giải thích về vũ trụ, dù là vũ trụ thực hay ảo, đều phải gắn liền với thông tin.
Những phép lạ chữa bệnh cho thấy thông tin đóng vai trò vô cùng quan trọng, nếu không phải là quyết định đối với sự sống.
Cuộc cách mạng thông tin từ giữa thế kỷ 20 đến nay quả thật đã làm thay đổi tận gốc bộ mặt thế giới. Nhưng thay đổi mang tính chất cách mạng triệt để nhất là thay đổi về NHẬN THỨC LUẬN (epistemology). Thay đổi này buộc khoa học phải thay đổi cách nhận thức thế giới, thừa nhận thế giới không chỉ có vật chất và năng lượng, mà còn có một thực thể phi vật chất là thông tin. Thậm chí thông tin đóng vai trò ĐIỀU KHIỂN, chỉ huy, hướng dẫn mọi thực thể trong vũ trụ và sự sống. Đặc biệt, kể từ năm 1953, khi khoa học khám phá ra cấu trúc của DNA và mã DNA, nhận thức về sự sống đã hoàn toàn thay đổi: Hóa ra, sự sống không đơn giản chỉ là một cỗ máy thuần túy vật chất như Lamarck – Darwin mô tả, mà là “một hệ xử lý thông tin”, như David Baltimore, nhà sinh học đoạt Giải Nobel về sinh lý học – y khoa năm 1975, đã khẳng định.
Điều kỳ lạ là cuộc cách mạng thông tin xảy ra gần như cùng một lúc trong các lĩnh vực toán học, vật lý học và sinh học. Tất nhiên khái niệm thông tin đã ra đời đầu tiên trong toán học và vật lý, rồi mới xâm nhập vào sinh học. Quả thật, nếu khái niệm thông tin không hình thành trước trong toán học và vật lý thì e rằng các nhà sinh học cũng không dễ gì mà khám phá ra thông tin sinh học.
Ngày nay, ai cũng biết DNA là phân tử chứa đựng thông tin di truyền. Nhưng thông tin của DNA chỉ là thông tin kiểm soát sự hình thành thể xác của sự sống. Con người còn chứa đựng một dạng thông tin khác ở tầng cao hơn, đó là hệ thông tin kiểm soát các hoạt động ý thức – tức là kiểm soát những hoạt động siêu hình của sự sống, kể cả lúc con người đang sống lẫn khi con người đã chuyển sang thế giới hyperbolic. Vì thế, khái niệm thông tin đóng vai trò cốt lõi để hiểu sự sống, cả phần thể xác lẫn ý thức[6].
Những khái niệm cơ bản về thông tin
Thông tin là gì?
Biểu lộ của thông tin rất đa dạng, khó có một định nghĩa duy nhất. Những định nghĩa sau đây mang tính phổ quát và quan trọng nhất:
– Thông tin là nội dung của một thông điệp được gửi đi từ một người gửi đến một người nhận. Thí dụ: thư từ / tin nhắn / điện thoại / điện tín / email / văn bia khắc trên các đền đài, bia đá, tường vách, hầm mộ, hang hốc / đơn thuốc do bác sĩ kê cho bệnh nhân / thông điệp đã được mã hóa trong các trường hợp chữa bệnh siêu hình, …
– Tin tức trên báo chí, nội dung sách vở, tài liệu
– Kết quả nghiên cứu / những ghi chép về một đối tượng, một sự thật, một sự kiện
– Tri thức / sản phẩm trí tuệ / sản phẩm tư tưởng / sản phẩm của ý thức / sản phẩm của nhận thức
– Chương trình computer / chương trình được cài đặt vào các loại máy móc để điều khiển chúng hoạt động / mã DNA, tức chương trình kiến tạo và duy trì sự sống, thông tin của sự sống / …
– Mệnh lệnh, chỉ thị, hướng dẫn, luật pháp, luật lệ, nội quy, …
– Thông tin là dãy chữ số 1 và 0 trong computer thể hiện một ý nghĩa xác định / dãy chữ cái A, T, C, G (các ba-zơ) trong các tổ chức sống nhằm điều khiển các hoạt động sống
– Dữ liệu đã được xử lý để mang một ý nghĩa xác định / có ích lợi / phục vụ một mục tiêu xác định
Và định nghĩa sau đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng:
– Thông tin là một dãy (tập hợp / chuỗi) các ký hiệu được gọi là mã được sắp xếp theo một trình tự xác định nhằm thể hiện một ý nghĩa cụ thể.
Thí dụ: GODislove là một thông tin, được tạo ra từ 9 mã G, O, D, i, s, l, o, v, e, và các mã được sắp xếp theo một trình tự xác định: G à O à D à … thể hiện một tư tưởng xác định, với một ngụ ý rõ ràng. Nếu 9 mã đó không nối đuôi nhau theo trình tự xác định có chủ ý mà xuất hiện ngẫu nhiên, thì chúng ta sẽ có 9! = 362.880 cách sắp xếp. Khi đó, xác suất xuất hiện thông tin GODislove sẽ là 1/362.880, một con số quá nhỏ. Điều này cho thấy thứ tự các mã đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra thông tin, hoặc thứ tự các mã biểu lộ thông tin, đúng như công thức sau đây:
do TS Vũ Hữu Như nêu lên trong cuốn “Tiên đề Thứ tự” của ông. Một thí dụ khác là các mã vạch trên các sản phẩm hàng hóa – tập hợp các mã vạch được sắp thứ tự biểu lộ thông tin của sản phẩm:
Điều đáng kinh ngạc là nguyên lý sắp thứ tự cũng được tuân thủ trong sự sống. Cụ thể, các acid amin của sự sống được kết nối với nhau theo một trình tự xác định để tạo thành chuỗi polypeptide, các chuỗi này tạo thành protein. Nếu trình tự này bị sai, protein sẽ vô dụng, sinh vật sẽ mắc bệnh hoặc chết. Các nucleotides cũng được sắp xếp theo một thứ tự xác định trong gene. Thứ tự này thể hiện rõ bản chất “đã được thiết kế” (designed) của sự sống. Nói cách khác, sự sống đã được lập trình, và chương trình kiến tạo sự sống giống như những chương trình computer, bao gồm các chỉ thị, hướng dẫn đối với các phân tử, sao cho chúng kết hợp với nhau đúng theo thiết kế của sự sống. Nếu ví sự sống như những chiếc computer sinh học, thì mã DNA chính là hệ điều hành. Tất nhiên, mã DNA vượt quá xa so với các chương trình computer do con người viết ra, vượt xa đến mức con người không thể viết ra một chương trình như thế. Nói cách khác, TÁC GIẢ của mã DNA có trí tuệ siêu đẳng so với con người – siêu đẳng đến nỗi con người nhận ra mình quá bé nhỏ và tầm thường so với Tác giả của sự sống.
Thông tin của sự sống
Tuy nhiên, mã DNA chỉ kiểm soát các quá trình vật chất chứ không kiểm soát ý thức. Đó là lý do người Việt nói: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”. Cùng một hệ di truyền, nhưng hai anh em có thể khác xa nhau về trí tuệ, tính cách, phẩm chất tinh thần và ý thức. Ý thức phức tạp hơn nhiều so với bất kỳ một cỗ máy vật chất nào. Cho đến hôm nay, khoa học chưa hề có bất cứ một lý thuyết nào để giải thích nguồn gốc hoặc bản chất của ý thức. Nếu Định lý Gödel chỉ ra rằng trong mọi hệ logic luôn luôn tồn tại những bài toán bất khả quyết định thì câu hỏi về bản chất của ý thức chính là một bài toán bất khả quyết định điển hình! Tuy nhiên, những nghiên cứu về ý thức theo hướng suy diễn logic có thể dẫn tới giả thuyết cho rằng ý thức liên quan với một hệ điều hành cao cấp gấp bội so với mã DNA. Chúng ta sẽ thảo luận thêm vấn đề này ở các mục tiếp theo. Còn bây giờ có thể khẳng định rằng sự sống là một hệ xử lý thông tin cao cấp, vượt xa những hệ thông tin do con người tạo ra, và hệ thông tin của sự sống gồm ít nhất hai tầng, tầng mã DNA kiểm soát các quá trình vật chất, và tầng cao hơn kiểm soát các quá trình ý thức. Nghĩa là dẫu thế nào thì sự sống cũng gắn chặt với những hệ thông tin xử lý và kiểm soát các hoạt động sống, bao gồm hoạt động thể chất và hoạt động có ý thức. Từ đó lập tức suy ra rằng chừng nào con người hiểu rõ các khái niệm và nguyên lý của thông tin thì chừng ấy mới có cơ hội hiểu được sự sống là gì.
Cụ thể hiện nay, một trong những bài toán quan trọng nhất của khoa học về sự sống là giải trình tự (sequencing) trong các bộ gene, và thông qua trình tự ấy mà đọc được những thông tin của sự sống – bản thông điệp mà TÁC GIẢ của sự sống gửi tới cho chúng ta. Đó là công việc GIẢI MÃ thông tin của sự sống.
Nhà Di truyền học Francis Collins, nguyên Giám đốc Dự án Bản đồ Gene Người, hiện là Giám đốc Viện sức khỏe quốc gia Mỹ, đã không ngần ngại gọi mã DNA là “Ngôn ngữ của Chúa”. Khiêm tốn hơn, chúng ta có thể gọi DNA là cuốn sách chứa đựng thông tin của sự sống. Lịch sử khám phá ra cuốn sách này là một trong những trang hay nhất trong lịch sử khoa học mọi thời đại, nếu không muốn nói là trang hay nhất. Trong lịch sử ấy nổi bật lên những trang sử không thể nào quên sau đây:
- Năm 1865, Gregor Mendel công bố các Định luật di truyền, tiên đoán sự tồn tại của các đơn vị di truyền rời rạc là “elemente”, sau này được gọi là “gene”.
- Năm 1915, Thomas Morgan khám phá ra sự sắp xếp tuyến tính của các genes dọc theo nhiễm sắc thể.
- Năm 1953, Francis Crick và James Watson khám phá ra cấu trúc DNA.
- Năm 1966, Holley – Khorana – Nirenberg lần đầu tiên thành công trong việc giải mã gene.
- Năm 2000, Dự án Bản đồ Gene Người về cơ bản hoàn thành.
Từ đó đến nay, khoa học di truyền đã có những bước tiến khổng lồ, nhưng những hiểu biết về những hiện tượng siêu hình của sự sống vẫn hầu như đứng nguyên tại chỗ. Nhiều hiện tượng siêu hình tiếp tục xuất hiện, nhưng lý thuyết để giải thích những hiện tượng ấy hầu như không có thêm bước tiến nào, ngoài những ghi chép xác nhận các hiện tượng siêu hình.
Đã đến lúc cần nhận ra rằng khoa học vật chất không thể giải quyết được những bài toán siêu hình. Chỉ có một lý thuyết liên quan chặt chẽ với các hiện tượng siêu hình mới có khả năng mô tả các hiện tượng siêu hình, đó là Lý thuyết Thông tin. Chúng ta đã biết thông tin là gì, vậy bây giờ cần biết bản chất của thông tin và những định luật khoa học chi phối thông tin.
Các định luật về thông tin
● Thông tin là một thực thể phi vật chất (non-material entity).
Một thực thể phi vật chất phải đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau đây:
- Không thỏa mãn các định luật vật chất.
- Không có khối lượng (m = 0)
- Không tương tác với vật chất
- Không bắt nguồn từ vật chất.
- Có thể biểu lộ dưới những cách sắp xếp vật chất khác nhau, nhưng bản chất không thay đổi (Thí dụ: biểu lộ qua chữ trên sách, trên màn hình, lưu trữ trong một ổ cứng, một USB, sóng âm thanh, sóng điện từ, bộ não, hình ảnh, …)
Dễ dàng chứng minh thông tin là một thực thể thỏa mãn tất cả các điều kiện phi vật chất nói trên. Hạt photon (ánh sáng) tuy có khối lượng bằng zero, nhưng nó bắt nguồn từ vật chất (chẳng hạn từ những vụ nổ hạt nhân trên mặt trời).
Norbert Wiener, cha đẻ của Cybernetics (Điều khiển học) khẳng định tính phi vật chất của thông tin trong tuyên bố sau đây:
“Thông tin là thông tin, nó không phải vật chất cũng không phải năng lượng” (Information is information, not material or energy)[7]
● Thông tin không bao giờ nẩy sinh từ bản thân vật chất
Đó là kết luận của Hội nghị quốc tế lần thứ 7th về Nguồn gốc sự sống từ ngày 10 đến 15/07/1983 ở Mainz, CHLB Đức. Sự thật này đã được ghi rõ trong cuốn “Khởi đầu đã có thông tin” của Werner Gitt. Kết luận này trực tiếp bác bỏ giả thuyết tiến hóa hóa học – giả thuyết cho rằng thông tin của sự sống nẩy sinh từ những phản ứng hóa học có độ phức tạp cao.
Giải thưởng “Evolution 2.0” trị giá 10 triệu USD (gấp 10 Giải Nobel) do Perry Marshall ở Mỹ thành lập đang sẵn sàng trao cho bất kỳ ai chứng minh được rằng một cơ chế vật chất nào đó có thể tạo ra mã DNA. Các nhà tiến hóa im lặng trước Giải thưởng này. Có lẽ họ cũng ngầm biết rằng tham vọng chứng minh thông tin bắt nguồn từ vật chất là một đại ảo tưởng.
● Điều kiện cần và đủ để một tập hợp ký hiệu trở thành một thông tin thực sự (một ngôn ngữ cao cấp):
- Có mã (tín hiệu của động vật không tạo ra các mã). Để tạo ra mã, ắt phải có ý thức (trí tuệ thông minh)
- Có cú pháp / ngữ pháp. Các mã phải được kết nối theo một trình tự xác định để tạo thành từ, các từ phải được kết nối theo một trình tự xác định để tạo thành câu. Điều này càng đòi hỏi phải có ý thức (trí tuệ thông minh)
- Có ý nghĩa. Một tập hợp ký hiệu vô nghĩa được coi là không có thông tin. Ý nghĩa là GIÁ TRỊ cơ bản của thông tin.
- Có khả năng hướng dẫn / điều khiển đối tượng nhận thông tin. Các hệ điều hành computer và mã DNA là những thông tin đóng vai trò điều khiển rõ ràng nhất.
- Có mục đích / chủ ý. Mọi thông tin thực sự đều có mục đích. Thí dụ: Window 10 để điều hành computer, Microsoft Word để soạn văn bản, mã DNA để hiểu hành sự kiến tạo và duy trì sự sống.
Thông tin của sự sống (mã DNA) thỏa mãn tất cả các điều kiện của một thông tin thực sự, hoặc một ngôn ngữ cao cấp. Hơn nữa, mã DNA còn là hệ thông tin tối ưu mà loài người được biết. Một trong những điểm vượt trội của mã DNA so với những chương trình do con người viết ra là ở chỗ nó có thể tự sửa chữa. Khả năng một chương trình tự sửa chữa là một ước mơ của con người mà có thể không bao giờ thành sự thật.
● Mọi thông tin đều bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh
Hiện nay loài người chỉ biết ba dạng thông tin cao cấp:
- Ngôn ngữ của con người.
- Thông tin nhân tạo, tức thông tin do con người viết ra.
- Thông tin tự nhiên (mã DNA), do ai viết ra?
Các nhà tiến hóa nói rằng mã DNA nẩy sinh từ những phản ứng hóa học siêu phức tạp[8]. Nhưng đó chỉ là “giấc mơ” của các nhà tiến hóa chứ không phải hiện thực.
Chủ nghĩa tự nhiên cũng từng lập luận rằng vũ trụ và sự sống ra đời từ sự ngẫu nhiên. Thật vậy, nhà sinh học Jacques Monod, đoạt Giải Nobel về sinh lý học / y khoa năm 1965, từng tuyên bố rằng xét cho cùng, mọi thứ đều bắt nguồn từ sự tình cờ ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên là nguồn gốc của mọi thứ. Thiết tưởng, ý kiến này có thể làm trò cười cho các em bé.
Trong khi đó:
Francis Collins, nguyên Giám đốc Dự án Bản đồ Gene người, hiện là Giám đốc Viện sức khỏe quốc gia Mỹ, gọi mã DNA là “ngôn ngữ của Chúa”,
Antony Flew, nhà triết học vô thần nổi tiếng, vốn được coi là nhà biện hộ về mặt triết học của Thuyết tiến hóa, rốt cuộc đã thừa nhận mã DNA là bằng chứng của Chúa.
Werner Gitt, Tiến sĩ về khoa học thông tin, nguyên Giám đốc Viện vật lý & công nghệ CHLB Đức, trong cuốn sách rất hay về khoa học thông tin của ông, nhan đề “In the beginning was information” (Khởi đầu đã có thông tin), đã phát biểu các định luật khoa học về thông tin sau đây:
- Một thực thể vật chất không thể sản sinh ra một thực thể phi vật chất
- Thông tin là một thực thể phi vật chất đóng vai trò nền tảng.
- Thông tin chỉ có thể được tạo ra bởi một người gửi có trí tuệ thông minh.
- Không có thông tin mới nào xuất hiện mà không có một người gửi có trí tuệ thông minh.
- Mọi chuỗi mắt xích chuyển giao thông tin đều có thể truy ngược về một người gửi có trí tuệ thông minh.
Với những hiểu biết về thông tin nói trên, có thể xây dựng một hệ tiên đề về thông tin, làm cơ sở cho siêu hình học khoa học.
(Còn nữa, xin xem tiếp Phần (3))
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Holography
[2] https://www.researchgate.net/publication/236792368_Buddhist-Christian_Complementarity_in_the_Perspective_of_Quantum_Physics
[3] Wikipedia > https://en.wikipedia.org/wiki/Religious_and_philosophical_views_of_Albert_Einstein > Albert Einstein’s religious views > Einstein also stated he did not believe in life after death, adding “one life is enough for me”
[4] If the world is rationally constructed and has meaning, then there must be such a thing [as an afterlife] > https://www.jamesrmeyer.com/ffgit/godel-quotes.php
[5] The world is rational > http://kevincarmody.com/math/goedel.html
[6] C. S. Lewis: “We don’t have a soul. We are a soul. We happen to have a body.” > https://www.goodreads.com/quotes/862118-we-don-t-have-a-soul-we-are-a-soul-we || Benjamin Franklin: “We are spirits. That bodies should be lent us, while they can afford us pleasure, assist us in acquiring knowledge, or in doing good to our fellow creatures, is a kind and benevolent act of God. > https://www.aaepa.com/2015/01/benjamin-franklins-words-wisdom-life-death/
[7] https://www.goodreads.com/quotes/7526170-information-is-information-not-matter-or-energy
[8] Xem “5 vấn đề lớn nhất trong khoa học chưa giải quyết được” của Charles Wynn và Arthur Wiggins, NXB Dân Trí 2015, trang …
Tác giả: GS Phạm Việt Hưng
Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.
Xem thêm: