Thành ngữ có câu: “Tam nhân thành hổ”. Ý tứ là, khi ba người nói là có cọp thì cả thiên hạ ai cũng đều tin là có cọp, tiếng đồn nếu cứ lặp đi lặp lại sẽ có thể khiến người ta tin là sự thật.
Lời giả dối nếu chỉ có một người nói bạn sẽ không tin, hai người cùng nói có thể bạn vẫn còn kiên định. Nhưng khi ba, bốn, và năm người cùng nói như vậy, bạn sẽ bắt đầu nghi hoặc và cuối cùng rất có thể là bạn sẽ tin theo.
Trong cuộc sống cũng có rất nhiều tình huống ứng với câu “tam nhân thành hổ”. Trong “Hàn Phi Tử – Nội trữ thuyết tả thượng” có ghi lại nguồn gốc của câu thành ngữ nói trên.
Tam nhân thành hổ
Vào thời Chiến Quốc, để kết tình giao hảo với nước láng giềng là Triệu quốc, vua nước Ngụy đã quyết định đưa thái tử sang đô thành Hàm Đan làm con tin, đồng thời phái trọng thần tên là Bàng Thông đi cùng.
Bàng Thông là người nước Ngụy, là đại thần được Ngụy Vương vô cùng trọng dụng. Vì lo sợ rằng sau khi rời khỏi cố quốc sẽ có lời gièm pha đến tai Ngụy Vương, nên trước khi đi Bàng Thông đã hỏi Ngụy Vương: “Tâu đại vương, nếu có người nói với đại vương rằng ở chợ xuất hiện hổ ăn thịt người, thì đại vương có tin không?”.
Ngụy Vương ngay lập tức trả lời: “Ta đương nhiên là không tin rồi, chợ đông đúc sao có hổ được?”.
Bàng Thông hỏi tiếp: “Nếu lại có người nói với đại vương rằng ở chợ xuất hiện hổ, ngài có tin không?”.
Nguỵ Vương chần chừ một lúc rồi nói: “Đối với chuyện đó, ta nửa tin nửa ngờ”.
“Nếu có người thứ ba đến nói rằng ở chợ xuất hiện hổ, thì ngài còn tin không?”, Bàng Thông lại hỏi tiếp.
Lần này Ngụy Vương gật gật đầu, bảo rằng: “Mọi người đều nói như vậy, đương nhiên là ta tin rồi”.
Bàng Thông bèn nói:
“Chợ không hề có hổ, đó là điều rõ ràng. Nhưng liên tiếp có ba người khẳng định rằng ở chợ có hổ, thì đại vương liền cho là có hổ. Nay, thần đưa thái tử sang Hàm Đan của nước Triệu, nơi đó cách thành Đại Lương của ta còn xa hơn nhiều so với cung điện cách chợ. Những nghị luận sau lưng thần, lời nói xấu về thần e rằng sẽ không chỉ có ba người. Vậy nên đối với những lời nghị luận về thần, mong đại vương thẩm tra kỹ càng, nắm rõ sự thật, đừng để bị lời đồn dẫn dụ, che lấp chân tướng”.
Ngụy Vương đồng ý với lời đề nghị của Bàng Thông và nói rằng: “Quả nhân tự biết điều đó, khanh cứ yên tâm đi!”.
Tuy vậy, không lâu sau khi Bàng Thông đến Hàm Đan thì đã có người nói xấu ông trước mặt Ngụy Vương. Ban đầu ông không tin, về sau số người nói xấu Bàng Thông ngày một nhiều lên, rốt cuộc Nguỵ Vương cũng tin. Đợi đến khi Bàng Thông cùng thái tử từ Hàm Đan quay về, Nguỵ Vương thật sự đã xa lánh và không triệu kiến ông nữa.
Người đời sau dùng câu “tam nhân thành hổ” (ba người cho là có cọp, thiên hạ ai cũng tin là có cọp) để nói: Lời đồn lặp lại nhiều lần sẽ có thể che giấu chân tướng, khiến người ta tin tưởng là sự thật. Đồng thời câu thành ngữ cũng nhắc nhở chúng ta rằng, đứng trước mỗi thông tin, mỗi sự việc, thì cần phải tìm hiểu kỹ càng, suy xét thấu đáo, cần phải nhìn vào bản chất sự việc, không nên nghe thông tin bên ngoài lưu truyền mà vội vàng tin ngay. Đối với những người có tầm ảnh hưởng lớn thì lời nói lại càng phải thận trọng, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường.
Tăng Sâm giết người
Có một câu chuyện tương tự xảy ra trong thời Chiến Quốc. Khổng Tử có học trò tên là Tăng Sâm, nổi danh xa gần là người con hiếu thảo. Khi Tăng Sâm sống ở ấp Phí, trong thôn khi ấy có một kẻ sát nhân trùng tên với Tăng Sâm. Có người vì ngộ nhận kẻ sát nhân đó là Tăng Sâm nên đã xôn xao bàn luận.
Tiếng đồn nhanh chóng truyền đến tai của thân mẫu Tăng Sâm, lần thứ nhất nghe xong bà bình tĩnh đính chính: “Con trai ta sẽ không làm chuyện này”. Không lâu sau lại có người đến nói: “Tăng Sâm giết người rồi”, mẹ Tăng Sâm tuy vẫn kiên định nhưng lòng đã có chút nghi hoặc. Lúc sau lại có người nữa đến loan tin, lần này bà đã không giữ được bình tĩnh đã đứng dậy thu dọn đồ đạc để rời đi.
Đọc chuyện xưa lại ngẫm chuyện nay, trong đời sống xã hội hiện tại, nếu chúng ta có thể bình tâm mà quan sát cũng bắt gặp không ít những tình cảnh tương tự, hơn nữa không chừng còn nhận ra mình cũng từng là nạn nhân trong số ấy. Ví như, khi một sự việc giả dối được ai đó cố ý đưa ra và một số người vì hồ đồ mà tin theo rồi tiếp tục lan truyền, vậy thì những người hùa theo dư luận vừa là “nạn nhân” nhưng đồng thời cũng là “đồng phạm”. Kết quả lại càng có nhiều người tin theo và tiếp tục trở thành nạn nhân, trở thành đồng phạm…
Thiện ác phân minh
Xã hội hiện đại nhiều cám dỗ, đâu đâu cũng đầy rẫy những thị phi, thật giả khó phân, vàng thau lẫn lộn. Vì mục đích cá nhân hoặc lợi ích nhóm mà người ta không ngừng thêu dệt sự kiện, bóp méo thông tin, lèo lái dư luận… thì không phải ai trong chúng ta cũng đủ tỉnh táo mà minh xét.
Trong mọi sự việc, mọi tình huống, nếu không bình tâm tĩnh ý mà nhận định vấn đề, không thể dùng đạo đức mà đo lường sự việc thì rất dễ bị “dắt mũi” như những chú lừa ngoan ngoãn.
Không tùy tiện tin vào tin đồn, không lan truyền tin tức bừa bãi vô căn cứ, suy nghĩ kỹ trước khi làm, đứng từ nhiều góc độ khác nhau để nhận định đánh giá sự việc, bạn ắt sẽ tìm ra chân tướng. Đó cũng là một trong những phương thức để chấm dứt tin đồn và những thật giả thị phi không đáng có. Điềm tĩnh và minh xét cũng là bản lĩnh của người có trí tuệ xưa nay.
Theo Trương Tín Yến, The Epoch Times
Kiên Định biên dịch
Video: 6 hoàn cảnh lâm vào rồi mới hiểu đời người không nên ‘chấp mê bất ngộ’