Người Á Đông đã rất quen thuộc với câu chuyện “Bạch Xà truyện”, kể về tình yêu giữa Hứa Tiên và Bạch Xà, một mối tình ngang trái. Ngoài hai nhân vật chính ra thì đại sư Pháp Hải cũng khiến người ta phải bàn luận nhiều.
“Bạch Xà truyện” là một trong những truyền thuyết dân gian nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Qua nhiều năm tháng, câu chuyện cũng có nhiều dị bản. Cho đến thời kỳ Ngũ Tứ, cuộc vận động văn hoá được gọi là “phản đối truyền thống phong kiến”, câu chuyện này đã biến đổi ý nghĩa, nghiễm nhiên trở thành kiệt tác ca ngợi tình yêu tự do, trong đó Pháp Hải đại sư bị phê phán vì được cho là đại diện cho “thế lực phong kiến độc ác”.
Vậy thì, trong lịch sử, Pháp Hải đại sư thực tế là một người như thế nào? Ngọn nguồn của câu chuyện “Bạch xà truyện” là ra sao?
Xuất gia khổ hạnh
Chùa Trấn Giang được xây dựng từ thời Đông Tấn, đến thời Đường đổi tên thành chùa Kim Sơn, sau đó trở thành ngôi chùa kế thừa của đạo trường phái Lâm Tế tông. Chùa Kim Sơn nổi tiếng với truyền thống về các cao tăng thu phục xà tinh mà người đầu tiên được nói đến chính là cao tăng Pháp Hải, cũng là nhân vật nổi tiếng trong “Bạch Xà truyện”.
Pháp Hải, tục danh là Bùi Văn Đức, con trai danh tướng Bùi Hưu thời Đường Tuyên Tông (810 – 859). Khi Bùi Văn Đức sinh ra, đầu rất ít tóc, vì thế gọi là Bùi đầu đà (đầu đà nghĩa là người đàn ông tu hành khất thực). Cha của Pháp Hải là Bùi Hưu vốn là một tín đồ ngoan đạo của Phật giáo, thời Đường Vũ Tông (814 – 846), Phật giáo bị triều đình triệt tiêu phải trải qua Pháp nạn, Bùi Hưu là một trong những người phản đối kịch liệt.
Pháp Hải thời bé đọc nhiều sách vở, thông minh hơn người, thi cử thuận lợi, còn trẻ đã vào làm Hàn lâm viện. Sau đó, ông được cha đưa đến Lao Sơn (Tân Châu) tu hành, bái Linh Hữu thiền sư làm thầy, lấy pháp danh là Pháp Hải. Cha của ông từng viết một bài kệ đại ý thế này: “Ôm sầu đưa con trai nhập cõi Phật. Sớm chiều cần phải trồng thiện căn. Thân mắt không tùy tiện mà nhiễm sắc. Đạo trong tâm tất được gìn giữ qua năm tháng. Đọc kinh niệm Phật theo thầy dạy. Tấm lòng sáng trong báo tứ ân. Con đột nhiên trở thành người đức độ, dưới nhân gian hay trên trời đều được tôn trọng”.
Pháp Hải ở trong chùa được giao nhiệm vụ gánh nước, kiếm củi, sớm chiều đều gánh nước từ dưới chân núi lên trên chùa cho các nhà sư tắm giặt ăn uống. Theo quy tắc trong chùa, ông phải dậy từ lúc 5 giờ sáng, gánh nước cho đến 10 giờ tối, rất là cực khổ.
Pháp Hải cứ thế làm việc quần quật suốt 3 năm. Một ngày nọ sau khi gánh nước vất vả trở về, đang mệt không bước chân nổi, ông bất giác nhìn thấy bên trong thiền viện các tăng nhân người thì ngủ gật, người thì ngồi nhàn tán gẫu, có người lại đứng nghe ngóng, chẳng buồn làm gì. Pháp Hải không nhịn được, bèn nói: “Kẻ sĩ hàn lâm gánh nước mồ hôi đẫm lưng, hoà thượng ăn rồi ngồi một chỗ liệu có tiêu được không?”. Linh Hữu thiền sư nghe vậy, quay ra nói với Pháp Hải một câu rằng: “Lão tăng ngồi đả toạ một lần có thể tiêu vạn cân lương thực”.
Khi ấy, Pháp Hải ngộ ra đạo hạnh cao thâm của Linh Hữu thiền sư, trong lòng cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Linh Hữu thiền sư cảm thấy rằng đệ tử của mình thực sự rất muốn được ra ngoài bèn cho Pháp Hải đi vân du. Trước lúc đi, Linh Hữu thiền sư đưa cho Pháp Hải tám đồng tiền, đoạn nói: “Đây là số tiền mà 3 năm qua trả công cho con vất vả làm lụng, hãy cầm lấy. Sau này khi đã tiêu hết tiền rồi thì con cũng đến được nơi cần đến”.
Pháp Hải ra đi, mang theo mình tám đồng tiền làm lộ phí. Số tiền ấy chỉ đủ cho một bữa ăn. Vậy mà con đường ông phải đi thì quá ư là xa xôi, hiểm trở. Dọc đường, Pháp Hải phải khất thực xin cơm, ăn gió nằm sương, chịu biết bao nhiêu khổ cực. Pháp Hải đã đi từ Hồ Nam đến Hồ Bắc, rồi lại tới Nam Kinh, sau đó tới Trấn Giang. Khi đến một bến sông, người lái đò nói với Pháp Hải: “Trả ta tám tiền, ta sẽ đưa ông sang ngọn núi bên kia sông”. Pháp Hải nghe vậy ngộ ra được rằng cuối cùng mình cũng sắp đến được nơi mà sư phụ chỉ định trước khi xuống núi, liền đồng ý ngay. Bên kia sông có một ngôi chùa nhỏ, ngói vỡ vườn hoang, cỏ dại rậm rạp. Sau khi vân du, chịu bao khổ cực, Pháp Hải bấy giờ cũng chẳng còn oán trời, trách người gì nữa, ở trong sơn động tĩnh tâm tu thiền, vừa tụng kinh, vừa tự cày cấy khai hoang, lại vừa bỏ công tu phục ngôi chùa hoang đó.
Câu chuyện tu luyện khắc khổ của thiền sư Pháp Hải được chép trong cuốn “Kim Sơn tự chí”. Trong sách kể rằng, Pháp Hải một mình tu luyện, khai hoang đồi núi để thể hiện quyết tâm tu Phật của mình. Lại có chuyện rằng, trong một lần sửa chùa, Pháp Hải đào được một đống vàng nhưng đã mau chóng mang hết vàng nộp lên quan Thái thú ở Trấn Giang bấy giờ là Lý Kỳ. Lý Kỳ lại đưa chuyện này tâu với vua Đường Tuyên Tông. Bấy giờ vua Đường vô cùng khâm phục Pháp Hải, hạ chiếu cấp hết số vàng ấy để khôi phục lại ngôi chùa, rồi cho đổi tên thành chùa Kim Sơn. Từ đó, Pháp Hải trở thành thiền sư khai sáng ra truyền thống ở ngôi chùa này, được hậu thế tôn xưng là “Kim Sơn Bùi tổ”.
Cao tăng hàng phục xà tinh
Trong văn hóa tâm linh của người Trung Quốc cổ đại, những loại động vật như rắn, cáo, chồn… và một số loài khác sau khi hấp thụ tinh túy của trời đất thì sẽ có được công năng nhất định. Những loài động vật có công năng phi thường dạng này thường tu luyện xuất ra hình dáng con người rồi hút tinh hoa trên thân người. Chúng vừa gây hại cho con người vừa làm loạn đạo đức nhân gian. Nhưng “ma cao một thước, Đạo cao một trượng”, những loại yêu quái này thường bị những bậc cao tăng, đạo sĩ có đức hạnh cao hàng phục hoặc diệt trừ.
Những truyền thuyết về việc cao tăng hàng phục xà tinh được biết đến vào đời Đường. “Kim Sơn tự chí” và “Cao tăng truyện” đều chép rằng, vào thời Võ Tắc Thiên đời Đường, ở dòng sông gần chùa có một con rắn lớn, thường phun nọc độc, tạo ra những đám mây độc khiến nhiều người trúng độc mà chết. Sau đó, Linh Thản thiền sư sống trong ngôi chùa đó đã hàng phục con rắn khổng lồ này, ném nó rơi xuống biển, đám mây độc trên trời cũng biến mất.
“Kim Sơn tự chí” có ghi lại câu chuyện khác về chuyện hàng phục rắn của chính thiền sư Pháp Hải: “Trong hang động của mãng xà, bên phải có những mũi dao sắc bén, vô cùng nguy hiểm, vào sâu khoảng 4, 5 trượng sẽ nhìn thấy một con rắn trắng đang nuốt chửng người, bị Bùi đầu đà thu phục”.
Theo các truyền thuyết dân gian ở Trấn Giang (Giang Tô) khi ấy, trước khi Pháp Hải đến chùa Kim Sơn, gần chùa có một con rắn trắng dài đến vài trượng hay ăn thịt người. Con rắn trắng này biết Pháp Hải pháp lực cao cường, liền biến thành một người già, chạy đến trước mặt Pháp Hải nói: “Chủ nhân của ta đến rồi”. Đêm hôm đó, con rắn trắng lại nhập vào giấc mộng của Pháp Hải và nói: “Ta là Bạch xà tinh, đã ở trên núi này rất nhiều năm rồi. Bây giờ ta giao lại ngọn núi này cho ngươi, dưới chân núi có một kho đàn cổ bằng vàng, ngươi hãy xuống lấy đi”. Sau đó mới có câu chuyện Pháp Hải đào được vàng khi tu sửa ngôi chùa.
Câu chuyện tình yêu của Bạch Xà có ý nghĩa gì?
Từng được công chúng coi là câu chuyện tình yêu kinh điển, “Bạch Xà truyện” được lưu truyền rộng rãi, thậm chí còn được chuyển thể thành phim. Nhưng ý nghĩa ban đầu của câu chuyện lại không phải là để miêu tả tình yêu nam nữ hay quyền tự do yêu đương. Ngược lại, câu chuyện đã cảnh báo con người rằng chớ nên u mê trong tình sắc, dục vọng để rồi tiêu phí đi sinh mệnh của mình.
Nguyên mẫu đầu tiên của “Bạch Xà truyện” được giới học thuật công nhận là “Tây Hồ tam tháp ký”. Thời Tống Hiếu Tông (1127 – 1194), có một người đọc sách đến từ Lâm An tên là Hề Tuyên. Trong dịp lễ Thanh minh, khi đang đi thuyền trên dạo chơi trên Tây Hồ, anh đã ra tay cứu một cô gái tên là Mão Nô. Nửa tháng sau, bà nội của Mão Nô đến tìm Hề Tuyên cảm ơn, sau đó mời anh đến nhà làm khách.
Nhà của Mão Nô ở trong hang động, có những bức tường bùn màu hồng, trên tường chạm ngọc bích. Trong nhà có một cô gái mặc quần áo màu trắng, xinh đẹp như hoa. Họ mở tiệc thết đãi Hề Tuyên để trả ơn cứu mạng. Cô gái áo trắng muốn kết thân trọn nghĩa phu thê với Hề Tuyên. Trong bữa tiệc, Hề Tuyên bất chợt nhìn thấy một người đàn ông trẻ tuổi bị cột trên cột. Sau đó, anh lén nhìn thấy cô gái mặc quần áo trắng kia dùng dao móc trái tim của người đàn ông. Điều này khiến Hề Tuyên vô cùng sợ hãi đến mức hồn bay phách lạc.
Nửa tháng sau, Mão Nô vì cảm cái ơn cứu mạng của Hề Tuyên mà giúp anh chạy trốn về nhà. Không ngờ 1 năm sau, anh lại bị đưa trở về. Chú của Hề Tuyên là một người tu đạo ở núi Long Hổ, tục gọi là Hề Chân nhân, một hôm nhìn thấy ở Thành Tây có con yêu quái đang quấn người, mới đuổi theo. Hề Chân nhân tìm được chỗ cháu mình bị giam hãm, ra tay hàng phục cả ba người: cô gái áo trắng, Mão Nô và bà nội Mão Nô. Hoá ra đây là 3 con yêu quái rắn trắng, gà đen và rái cá. Hề Chân nhân liền dựng 3 toà tháp ở Tây Hồ rồi nhốt cả 3 con yêu quái vào đây.
Đến thời nhà Minh, “Bạch Xà truyện” câu chuyện lại được Phùng Mộng Long phát triển thành “Bạch nương tử vĩnh trấn lôi phong pháp”. Trong đó hình ảnh của Hề Chân nhân được thay thế bằng Pháp Hải còn Hứa Tiên thì thay Hề Tuyên. Trong một lần Hứa Tiên đến chùa Kim Sơn, vào phòng của Pháp Hải. Nhà sư cảm thấy rất kỳ lạ, không hiểu tại sao người này lại có yêu khí toát ra. Sau khi tìm hiểu, cao tăng biết được Hứa Tiên đang bị một con rắn xanh thành tinh và một con rắn trắng thành tinh chiếm hữu. Cuối cùng Pháp Hải thi triển pháp lực của mình để Hứa Tiên biết được chân tướng rắn tinh hại người, giúp Hứa Tuyên dùng bát vàng thu phục Bạch Xà tinh mang đến đặt ở chân tháp Lôi Phong.
Trong thời Thanh câu chuyện về Bạch Xà và Hứa Tiên cũng không phải là chuyện ca ngợi tình yêu mà là chuyện cao tăng trừ ma cứu người. Câu chuyện đồng thời cũng cảnh báo con người trong thế gian không nên trọng sắc tham dục. Pháp lý trong trời đất là người và yêu không thể sống chung được, càng không thể trở thành vợ chồng. Bởi vậy, hình tượng pháp sư Pháp Hải là chính diện, là hiện thân của bậc cao tăng đắc đạo cứu người, cứu đời.
Có rất nhiều câu chuyện cổ của Trung Quốc cổ đại cảnh cáo con người luôn phải thanh tỉnh với thói xa hoa dâm dật. Đàn ông nếu đam mê tửu sắc thì sẽ bị xà tinh chiếm hữu hồn phách, hút mất tinh khí trên người và cuối cùng ngày càng trở nên yếu mòn, thậm chí là mất mạng. Trong “Bạch Xà ký” đời Đường có ghi lại rằng: Có một người tên là Lý Tốn ở cùng một người phụ nữ áo trắng suốt 3 ngày đêm không rời, sau đó toàn thân liền mưng mủ mà chết. Anh ta không biết rằng người phụ nữ đó chính là một con rắn đã thành tinh.
Trong “Bạch Xà ký” cũng có một câu chuyện như sau: Lý Quản là con trai thứ của Tiết độ sứ Phượng Tường, Lý Thính, phụng mệnh lên đường tòng quân. Trên đường đi, anh gặp một chiếc xe trắng bằng bạc, lại có hai người phụ nữ cưỡi ngựa trắng đi bên cạnh, hương thơm bay khắp không gian. Lý Quản không kìm nổi lòng mà đi theo hai người phụ nữ đó. Khi về đến nhà, Lý Quản bị đứt đầu mà chết. Người nhà dựa vào hương thơm, lần theo dấu vết của những người phụ nữ, chỉ nhìn thấy một con rắn trắng đang cuộn mình trong một khu vườn hoang vắng, thấy vậy họ liền đánh chết con rắn trắng đó.
Như vậy có thể thấy, ban đầu câu chuyện về Bạch Xà và Hứa Tiên là một bài học chính diện, cảnh báo con người về mối nguy của sắc dục. Tuy nhiên, tháng năm đằng đẵng qua đi khiến nguyên gốc ban đầu cũng thay đổi. Qua từng thời đại, đạo đức con người tụt dốc, người ta lại nhìn nhận về “Bạch Xà truyện” bằng một cái nhìn khác, tưởng là mới mẻ hơn thực ra là ngày càng suy đồi hơn. Đến thời hiện đại thì “Bạch Xà truyện” đã trở thành một câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn!
Những câu chuyện sau này như “Lôi Phong tháp” của Hoàng Đồ Tất và “Lôi Phong Tháp truyền kỳ” của Phương Thành Bồi thời Thanh đã biến “Bạch Xà truyện” sang phiên bản ca ngợi tình yêu nam nữ, biến câu chuyện cao tăng trừ rắn trắng trở thành câu chuyện khuyến khích tự do yêu đương. Sau Phong trào cải cách Ngũ Tứ, cái gọi là xu hướng giải phóng nhân cách, chống phong kiến và chống truyền thống của những người mang tư tưởng cộng sản đã bắt đầu xâm chiếm Trung Quốc. Trong các tác phẩm phê bình của mình, Lỗ Tấn đã thay đổi cách hiểu về Pháp Hải. Từ chỗ là một bậc cao tăng đắc đạo chân chính, ra tay trừ yêu diệt hoạ, Pháp Hải trở thành “thế lực lễ giáo phong kiến” ngăn cản Bạch Xà và Hứa Tiên đến với nhau. Các nhà phê bình nghệ thuật sau này chủ trương rằng con người đẹp nhất là khi từ bỏ những giá trị truyền thống để giải phóng nhân cách, đạt đến tự do về thân thể, yêu đương và hôn nhân.
Hiện nay, trong suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc, Pháp Hải vẫn là một hình tượng bị chỉ trích và “đấu tố”. Không những thế trong xã hội ngày nay, bạo lực, khiêu dâm, âm mưu, đấu tranh cung điện và gian lận thương mại lại trở thành những chủ đề lớn được yêu thích trong điện ảnh và văn học. Người ta không ngại ngần cải biên các tác phẩm truyền thống, thổi vào những quan niệm biến dị và biến tất cả trở thành những sản phẩm thấp kém về phương diện thẩm mỹ, đạo đức.
Video: Rốt cuộc sổ sinh tử của Diêm Vương ghi chép những gì?