Vợ chồng đến được với nhau không dễ, nên người xưa có câu “tu trăm năm mới đi chung chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Nhưng gặp lúc tình cảm vợ chồng nhạt phai thì phải làm sao?
Tình cảm thay đổi từ nồng ấm sang lạnh nhạt có thể xuất phát từ 4 nguyên nhân sau:
Số lượng cuộc hẹn hò giảm
Sau khi kết hôn thì hai vợ chồng có nhiều việc phải lo lắng hơn nên thời gian eo hẹp là điều dễ hiểu. Nhưng những cuộc hẹn không nhất thiết phải như thời mới yêu, mà chỉ là hai người cùng nhau đi dạo công viên hoặc cùng ăn tối…
Trước đây chỉ muốn gặp đối phương, không cần biết thời gian dài ngắn. Nhưng hiện tại ngay cả đi ra ngoài dạo mát cùng nhau cũng không muốn. Thậm chí khi hai người ở xa vì công việc cũng không gọi điện cho nhau trong nhiều ngày. Cho dù có hẹn nhau đi nữa thì mỗi người một điện thoại, không chú ý đến đối phương, thậm chí nói chuyện với nhau rất ít. Đây có thể là dấu hiệu báo động trong mối quan hệ.
Không để ý đến bề ngoài, hình ảnh
Thời mới quen, cả hai đều chú trọng bề ngoài trước mỗi cuộc hẹn, nhưng giờ đây ăn mặc xuề xòa hơn chút. Có câu thành ngữ “ăn cho mình, mặc cho người”, ăn mặc ở đây chỉ cần gọn gàng, sạch sẽ không cần phô trương, hào nhoáng. Nếu ăn mặc lôi thôi, chẳng phải ta đã không tôn trọng đối phương là gì.
Hay phàn nàn, so sánh với người khác
Lúc mới yêu, đối phương là tài tử, giai nhân trong mắt bạn, nhìn thế nào cũng thấy đẹp. Nhưng hiện tại, ta lại thấy không thuận mắt, thường hay phàn nàn với đối phương. Đôi khi lại đem nhau ra so sánh, mà câu nói: “Hãy xem chồng/vợ của người khác mà xem, người ta như thế này thế kia…” rất dễ gây tổn thương tình cảm vợ chồng.
Việc trước đây thường làm, nay không làm
Trước đây thường nắm tay, tựa đầu vào nhau, chúc đối phương ngủ ngon vào buổi tối… nhưng dần dần theo năm tháng những điều ấy lại không còn nữa. Những câu nói như “anh đã làm việc vất vả” hoặc “cảm ơn em vì đã nấu cơm cho anh”… xuất hiện càng ngày càng ít. Cảm giác nồng ấm lúc đương sơ không còn, có thể tình cảm của hai vợ chồng đã bắt đầu nguội lạnh.
***
Vì sao lại xuất hiện những dấu hiệu này?
Quan hệ giữa người với người, bất kể là người yêu, người thân, bạn bè, đồng nghiệp… theo thời gian trôi qua sẽ sản sinh thay đổi. Đặc biệt, những thay đổi về cách nhìn thế giới bên ngoài, môi trường sống, tình trạng kinh tế… là rõ ràng hơn.
Một mối quan hệ duy trì trong thời gian dài, khó tránh khỏi việc thiếu đi bất ngờ và tươi mới, dần dần cảm giác đó sẽ trở thành tự nhiên. Ví như cảm giác hồi hộp khi hẹn hò lúc đương sơ, dần dần sẽ tiêu mất vậy. Hơn nữa, mọi người ở lâu với nhau sẽ dần phát hiện những khuyết điểm cũng như chỗ không hoàn hảo của đối phương.
Nếu hai bên không bao dung tiếp nhận đối phương thì dưới sự thay đổi của giá trị quan, nhân sinh quan đồng thời không thấu hiểu hòa hợp lẫn nhau thì tranh chấp là điều khó tránh. Những mâu thuẫn ấy khiến cảm tình dần hao mòn rồi tiêu mất.
***
Tình yêu cũng cần bồi đắp và gìn giữ sự tươi mới. Nếu vợ chồng vẫn còn yêu nhau, chỉ là tình cảm ngày càng phai nhạt, thì 4 gợi ý sau có thể là tham khảo tốt:
Thêm chút lãng mạn và bất ngờ
Tạo ra sự lãng mạn và bất ngờ đúng thời điểm và thường xuyên hơn. Ví như khi chồng đi làm về thì vợ nhìn anh với ánh mắt trìu mến và dọn một bữa cơm ngon nóng, đồng thời chồng cũng đáp lại “cảm ơn em đã nấu cơm cho anh”, hay người chồng tặng vợ một bó hoa vào một ngày… bình thường nào đó bởi anh chỉ muốn tặng vợ mình thôi… Những hành động đơn giản đó một phần có thể hâm nóng lại tình cảm.
Thay đổi suy nghĩ
Nguyên nhân khiến hai người từ lúc tình cảm mặn nồng trở thành người xa lạ, thường là vì không lý giải góc nhìn của đối phương, thêm vào đó cả hai lại không thấu hiểu, chia sẻ với nhau dẫn đến tích lũy cảm xúc bất mãn kéo dài.
Ta không nên ngần ngại đứng tại góc độ của đối phương mà suy nghĩ, tiếp nhận sở thích, lý giải giá trị quan của họ. Từ đó hiểu được bạn đời mong muốn gì và điều chỉnh tâm thái thích hợp khi đối xử với nhau, giảm thiểu tranh chấp, xung đột.
Giao tiếp và nói lời “yêu thương” nhiều hơn
Tình yêu là một loại tương tác giữa người với người. Nói nhiều hơn thật tâm những lời như “cảm ơn”, “xin lỗi”… Sai lầm của chúng ta là nổi nóng với người thân nhưng lại khoan dung với người lạ bởi vì ta xem việc họ đối xử tốt với ta là chuyện đương nhiên. Cho nên, khi người thân yêu bỏ công sức, ta phải trân trọng, không được coi đó là đương nhiên mà không nói lời nào.
Tin tưởng tôn trọng lẫn nhau
Tin tưởng là điều kiện ban đầu để vợ chồng có thể cùng nhau chung sống. Bởi nếu không có tin tưởng thì hai con người xa lạ làm sao có thể đến với nhau. Thêm vào đó “phu thê tương kính như tân” (vợ chồng kính nhau như khách). Khi khách đến, ta muốn đem thứ tốt nhất để ra chiêu đãi, vợ chồng “tương kính như tân” cũng là muốn cả hai dành những điều tốt nhất cho nhau.
***
Duyên vợ chồng trân quý như vậy nên cả hai không nên tích lũy những điều bất mãn, có vấn đề thì nên nói ra để cả hai hiểu nhau hơn và giải quyết nó.
Hôn nhân cũng là quá trình ta học cách để trưởng thành, để thiện lương hơn, để chân thành hơn.
Bởi có thiện lương ta mới biết suy nghĩ cho người khác, biết đặt mình vào địa vị người khác để hiểu đối phương, không những trân quý những điểm tốt mà còn bao dung những điều chưa hoàn thiện.
Video: Vợ chồng yêu thương nhau, xin cứ giả khờ mà bao dung hết thảy