Ngày 29/11/1922, hai nhà Ai Cập học Howard Carter và bá tước Carnarvon đã tìm thấy lăng mộ Pha-ra-ông Tutankhamun, đằng trước lối vào có chặn một phiến đá khắc lời cảnh báo đầy đe dọa: “Cái chết sẽ nhanh chóng giáng xuống bất kỳ kẻ nào dám quấy nhiễu giấc ngủ của Pha-ra-ông”.
Không ngần ngại, họ đã cho mở cửa lăng mộ và tìm thấy xác ướp vị Pha-ra-ông nổi tiếng cùng một kho tàng báu vật, từ đó mở ra một thời đại mới của ngành Ai Cập học.
Howard Carter (đang quỳ) cùng cộng sự mở cửa căn phòng chứa quan tài Pha-ra-ông Tutankhamun. (Ảnh: Wikipedia)
Vụ việc đầu tiên làm dấy động lời đồn thổi về một lời nguyền đã xảy ra vào đúng ngày lăng mộ Pha-ra-ông Tutankhamun được khai mở. Khi Carter trở về nhà, ông đã phát hiện thấy chiếc lồng chim của mình bị chiếm hữu bởi một con rắn hổ mang, biểu tượng của nền quân chủ Ai Cập. Con chim hoàng yến của ông đã bị con rắn hổ mang nuốt chửng và câu chuyện này đã được đăng tải trên tờ New York Times. Tờ báo nói rằng, con rắn hổ mang hoàng tộc, tương tự như biểu tượng trên mặt nạ quan tài Pha-ra-ông, là dấu hiệu đầu tiên của một lời nguyền đang khởi tác dụng.
Mặt nạ xác ướp trên quan tài Pha-ra-ông Tutankhamun từ triều đại 18. (Ảnh: Internet)
Không lâu sau đó, tai họa lần lượt giáng xuống những người xâm phạm lăng mộ Pha-ra-ông. Sáu tuần sau khi khai quật lăng mộ Tutankhamun, bá tước Carnarvon qua đời do một vết muỗi cắn bị nhiễm trùng và khoảng vài giờ sau đó, tại quê nhà nước Anh, con chó cưng Susie của ông cất lên tiếng kêu cuối cùng. Một cơn sốt truyền thông quốc tế xuất hiện và những bàn luận sôi nổi về lời nguyền Pha-ra-ông nhanh chóng lan truyền rộng rãi.
Howard Carter (trái) và bá tước Carnarvon (Phải). (Ảnh: Internet)
Sir Arthur Conan Doyle, tác giả của bộ truyện trinh thám nổi tiếng Sherlock Holmes, cho rằng cái chết của bá tước Carnarvon được gây ra do các “nguyên tố” được các thầy tư tế của Tutankhamun tạo ra để bảo vệ lăng mộ, và điều này càng thêm thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Theo chia sẻ của nhà báo người Anh Arthur Weigall, sáu tuần trước cái chết của Bá tước Carnarvon, ông đã nhìn thấy vị Bá tước này cười và trêu đùa khi tiến vào lăng mộ của Pha-ra-ông và nói với một phóng viên kế bên rằng, “Tôi cho ông ta sáu tuần để sống”.
Người tiếp theo dường như đã hứng chịu lời nguyền là Hoàng tử Ai Cập Ali Kamel Fahmy Bey, khi bị vợ bắn chết, theo sau bởi cái chết của người em trai cùng cha khác mẹ với Bá tước Carnarvon, Aubrey Herbert, do bị nhiễm trùng máu. Tiếp theo đó là cái chết của Woolf Joel, nhà triệu phú người Nam Phi, bị sát hại khoảng vài tháng sau khi ghé thăm lăng mộ, sau đó đến nhà tài phiệt George Jay Gould, qua đời do một cơn sốt khoảng 6 tháng cũng sau chuyến ghé thăm lăng mộ.
Các trường hợp tử vong khác bị quy cho lời nguyền lăng mộ bao gồm của Sir Archibald Douglas-Reid, bác sĩ X-quang phụ trách chụp X-quang xác ướp Pha-ra-ông (qua đời do một căn bệnh bí ẩn). Sir Lee Stack, Toàn quyền Sudan (bị ám sát khi đang lái xe qua Cairo), A. C. Mace, một thành viên của trong nhóm khai quật lăng mộ (qua đời do nhiễm độc asen), thuyền trưởng danh dự Richard Bethell, thư ký riêng của Carter (bị phát hiện chết ngạt trên giường), Richard Luttrell Pilkington Bethell, cha của vị thuyền trưởng kể trên (nhảy lầu tự tử từ căn hộ tại tầng thứ bảy của ông), và cuối cùng là Howard Carter, người trực tiếp mở cửa lăng mộ, qua đời hơn một thập kỷ sau đó vào ngày 2/3/1939.
Cửa vào khu lăng mộ Pha-ra-ông Tutankhamun. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi trước lời nguyền lăng mộ không chỉ bắt nguồn từ những cái chết được ghi nhận. Các sự kiện bí ẩn khác cũng đã làm dấy lên niềm tin cho rằng linh hồn Pha-ra-ông Tut vẫn đeo bám và canh gác nơi yên nghỉ của ông. Năm 1925, theo lời kể của nhà nhân chủng học Henry Field, bạn của ông Carter, Sir Bruce Ingham đã được tặng một cái chặn giấy, bên trong chứa một cánh tay xác ướp với cổ tay đeo một vòng tay hình con bọ hung chạm khắc dòng chữ “Lời nguyền sẽ giáng xuống ai dám di chuyển thi thể của ta. Lửa, nước và dịch bệnh sẽ đến với hắn”. Không lâu sau khi nhận món quà này, nhà ông Ingram đã bị thiêu rụi, theo sau bởi một trận lụt khi nó được tái xây dựng.
Tuy Howard Carter rất hoài nghi những lời nguyền đó, nhưng ông đã ghi chép trong cuốn nhật ký của mình một sự kiện “kỳ lạ” xảy ra vào tháng 5/1926, khi ông nhìn thấy bầy chó rừng cùng chủng loại với thần Anubis, vị thần bảo vệ người đã chết và các lăng mộ, lần đầu tiên sau hơn 35 năm công tác tại vùng sa mạc ở Ai Cập.
Thần Anubis, vị thần mình người đầu chó rừng cai quản người chết trong tín ngưỡng Ai Cập cổ đại. (Ảnh: Wikipedia)
Những người hoài nghi đã chỉ ra rằng có rất nhiều người ghé thăm lăng mộ hay giúp phát hiện ra nó đã có một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh. Một nghiên cứu cho thấy trong số 58 người có mặt ở đây khi lăng mộ và quan tài Pha-ra-ông được khai mở, chỉ có 8 người chết trong vòng một thập kỷ tiếp theo. Tất cả những người khác vẫn còn sống bao gồm Howard Carter; ông đã qua đời ở cái tuổi 64 vào năm 1939 do căn bệnh ung thư hạch bạch huyết.
‘Lời nguyền’ vẫn tiếp diễn sau nhiều thập kỷ
Tuy nhiên, một khía cạnh thú vị khác của lời nguyền là, điềm gở không chỉ giáng xuống những ai từng ghé thăm lăng mộ, mà cũng sẽ tác động đến các cá nhân quấy nhiễu nó, thậm chí trong nhiều thập kỷ về sau.
Năm 1972, kho báu trong lăng mộ Tutankhamun đã được chuyển tới London để trưng bày tại Bảo tàng Anh. Tiến sĩ Gamal Mehrez, giám đốc ban di sản, đã cười nhạo lời nguyền khi nói rằng tất cả những cái chết và bất hạnh trong suốt các thập kỷ qua đều chỉ là kết quả của sự ‘trùng hợp ngẫu nhiên’. Ông đã qua đời vào cái đêm sau khi giám sát việc đóng gói các di vật được chuyển tới bảo tàng.
Kho báu của Pha-ra-ông Tutankhamun. (Ảnh: Internet)
Xem thêm:
Sau đó có nhiều trường hợp tử vong, chấn thương, điều không may và thảm họa đã xảy đến với các thành viên phi hành đoàn chiếc máy bay chuyên chở những cổ vật này. Ken Parkinson, một kỹ sư hàng không đã lên cơn đau tim hàng năm vào đúng thời điểm chuyến bay chở kho báu đến Anh vào năm nọ. Ông đã liên tiếp bị những cơn đau tim định kỳ như vậy cho đến một lần chí tử vào năm 1978.
Sau đó đến trường hợp của Đại úy Không quân Jim Webb. Ông đã mất tất cả tài sản của mình sau khi một ngọn lửa thiêu rụi căn nhà ông đang sống, và tiếp viên Brian Rounsfall đã bị hai cơn đau tim trước khi thú nhận đã chơi bài trên quan tài của Tutankhamun.
Tuy rằng độ chính xác của lời nguyền này chưa từng được kiểm chứng, nhưng tần suất các ca tử vong và chuyện không may thật rất đáng kinh ngạc. Trong phần 2 chúng ta sẽ xem xét các cách giải thích tiềm năng cho lời nguyền bí ẩn xoay quanh lăng mộ này.
Video khám phá lăng mộ của Tutankhamun:
Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: