Triệu Mạnh Phủ là người toàn năng, từ làm thơ, thư pháp, viết sách đến hội họa, tất cả đều có thành tựu nổi bật. Vợ ông, Quản Đạo Thăng, cũng là một tài nữ thi, thư, họa xuất sắc. Hai người phu thê vô cùng tâm đầu ý hợp, họ luôn kết hợp và cùng nhau đối thơ, vẽ tranh, là mẫu mực về tình cảm vợ chồng xưa và nay.
Lập gia thất
Quản Đạo Thăng, tự là Trọng Cơ, nàng xuất thân là người Đại Hộ, Giang Nam. Là hậu nhân của Quản Trọng (nhà chính trị, tư tưởng nổi tiếng nước Tề, thời Xuân Thu), phụ thân nàng cùng quê với Triệu Mạnh Phủ, là một người vô cùng hào phóng.
Vào thời điểm triều đại Nam Tống sụp đổ, Triệu Mạnh Phủ – người mang dòng máu của hoàng tổ nhà Tống phải ẩn nấp ở nhà, vì thế mà được Quản phụ (phụ thân của Quản Đạo Thăng) chọn trúng. Ông cho là Triệu Mạnh Phủ ngày sau chắc chắn rất nổi tiếng xuất chúng, vậy nên mới đem con gái mình gả cho Triệu Mạnh Phủ.
Mỗi lần nhắc đến phu nhân của mình, Triệu Mạnh Phủ luôn luôn rất đắc ý: “Vợ ta là người thông minh hơn người, thư pháp và văn học đều tự học, cha vợ coi con gái yêu là bảo bối, luôn dặn lòng nhất định phải tìm cho nàng một rể hiền, chọn tới chọn lui, sau đó rốt cuộc chọn trúng ta!”
Không lâu sau khi Triệu Mạnh Phủ lập gia thất, ông đã được Nguyên Thế Tổ đang cầu nhân tài tìm thấy. Nguyên Thế Tổ thấy người này thần thái hơn người, vẻ mặt điềm đạm, còn gọi Triệu Mạnh Phủ là “có thần tiên ẩn trong người”. Từ ấy, Triệu Mạnh Phủ một bước thăng quan, từ quan tứ phẩm cho đến quan nhất phẩm, chiếm một vị trí quan trọng trong triều đình. Quản Đạo Thăng cũng được phong làm Ngụy Quốc phu nhân.
Vợ chồng tâm đầu ý hợp
Triệu Mạnh Phủ, hiệu là Tuyết Tùng Đạo Nhân, ông là người vô cùng toàn năng, từ làm thơ, thư pháp, viết sách đến hội họa, tất cả đều có thành tựu nổi bật. Lại cộng thêm Quản phu nhân, cũng là một tài nữ thi, thư, họa cùng sánh đôi.
Hai người phu thê vô cùng tâm đầu ý hợp, họ luôn kết hợp và cùng nhau đối thơ, vẽ tranh. Khi Triệu Mạnh Phủ vẽ “xuân giang thả câu” (câu cá bên bờ sông vào mùa xuân), thì phu nhân liền bổ sung thêm mai trúc, sau đó cùng nhau đề thơ lên bức họa.
Cũng như tất cả các cặp vợ chồng khác, họ cũng có những lúc giận dỗi, ưu tư về nhau.
Trong thời kỳ Đại Đức, Triệu Mạnh Phủ phụ trách việc dạy học cho các quan viên tại Chiết Giang, vô tình gặp được một kỹ nữ hát rất hay tên là Thôi Vân Anh, liền động ý niệm nạp thêm thê thiếp. Khi ấy bạn bè quan viên trong triều của ông đều có tam thê tứ thiếp, cưới vợ bé là chuyện hết sức bình thường.
Quản phu nhân khi ấy đã hơn 40 tuổi, biết chồng thay lòng, nàng nghĩ tất cũng là chuyện không thể không tránh khỏi. Nàng không có mang sự oán giận, mà chỉ nhẹ nhàng viết cho phu quân một bài Nguyên khúc:
“Người nông ta nông, tình cảm đã thay đổi nhiều
Tình đặt nhiều chỗ, nhiệt như lửa
Đem một nắm bùn, vê thành người, nặn thành ta.
Đem cả hai ta, đồng thời đánh vỡ, dùng nước hòa ra.
Lại vê thành người, nặn thành ta. Ta trong bùn có người, người trong bùn có ta.
Cùng người sinh cùng một chăn, chết cùng một quách.”
Sau khi Triệu Mạnh Phủ đọc xong bài từ, cười to một hồi, sau đó không thấy đề cập tới chuyện cưới vợ bé nữa.
Tài năng của Quản phu nhân
Thư pháp của Quản phu nhân rất có tiếng tăm, lúc ấy ngay cả những mảnh giấy nhỏ nàng tùy ý viết ra mà người người tranh nhau mua, học tập và coi đó như khuôn mẫu. Chữ của nàng nhỏ nhắn tinh mỹ, đoan tràn thâm sâu, hơn nữa so với thư pháp của Triệu Mạnh Phủ còn có những biến hóa phong phú hơn. Lịch sử còn đem Quản phu nhân và Vệ phu nhân liệt vào trong sách, xưng thành “Thư Đàn nhị phu nhân”.
Bút pháp “Thư họa đồng nguyên” mà Triệu Mạnh Phủ sáng tạo, tức dùng nét chữ thư pháp để vẽ tranh, có Quản phu nhân thực hành thành công đầu tiên. Nàng thường xuyên lấy thủ pháp thư pháp để vẽ trúc, tính toán tỉ mỉ tư thái, đem toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây trúc vẽ và tập hợp thành cuốn “Mực trúc phổ”, có ảnh hưởng rất sâu sắc đến lý luận hội họa triều đại nhà Nguyên.
Các tác phẩm thư pháp được lưu truyền của Quản phu nhân phần lớn đều là kinh văn Phật gia, nàng hết lòng tín ngưỡng Phật pháp, từng tự tay chép hết mấy chục cuốn “Kinh Kim Cương”, và tặng cho các tăng ni trên núi.
Quản phu nhân còn biên soạn cuốn “Quan Thế Âm Bồ Tát truyện lược”, lưu truyền dân gian. Cuốn sách này rất hấp dẫn những người phụ nữ, khiến họ tin vào thần phật và được truyền bá rất rộng rãi.
Không vì lợi, không vì danh
Thời bấy giờ, hoàng thượng và hoàng thái hậu đều vô cùng yêu mến tài nghệ của Quản phu nhân. Hoàng Thái Hậu ban thưởng cho nàng rượu ngon, còn thường xuyên mời nàng vào cung trò chuyện. Một lần dự tiệc trong cung trở về, Quản phu nhân ở “Tự đề họa trúc” viết:
Yến bãi quy lai vị tịch dương, tỏa y do đái ngự lô hương.
Thị nhi bất dụng tần huy phiến, tu trúc tiêu tiêu sinh vi lương.
Dịch nghĩa:
Tiệc xong trở về không nắng chiều, hương thơm trong cung như vẫn vương vấn y phục
Thị hầu không cần luôn luôn quạt mát, vì khí trúc vi vu mang đến cái cái lạnh hơi sương.
Đoạn thơ văn ngắn mà ý sâu, đem cái nóng bức trong cung so sánh với sự mát mẻ của cây trúc, viết lên thân phận mình là Quản phu nhân, trong ấy cũng mang một chút dửng dưng trước danh lợi.
Kinh đô huyên náo, Quản phu nhân từng viết trong “Ngư phụ từ”, khuyên chồng bỏ quan về quy ẩn:
Danh dữ lợi, phó chi thiên, tiếu bả ngư can thượng họa thuyền.
Nhân sinh quý cực thị vương hầu, phù lợi phù danh bất tự do.
Tranh đắc tự, nhất biển chu, lộng nguyệt ngâm phong quy khứ hưu.
Dịch nghĩa:
Danh và lợi, giao phó và thiên mệnh, cười đem sào tre lên vẽ thuyền
Đời người coi trọng địa vị vương quyền, thừa lợi thừa danh không được tự do.
Tranh đấu tựa như, một con thuyền trên biển, xách trăng ngâm gió quay về nghỉ ngơi.
Tuổi già của đôi vợ chồng Triệu Mạnh Phủ là một cuộc sống lui về ở ẩn như tăng nhân đạo sĩ. Tìm kiếm sự giải thoát của đời người, cũng là chí hướng mà họ đều hướng tới, vì thế mà thơ ca, hội họa của hai người họ đều mang ý cảnh siêu phàm thoát tục.
“Sinh cùng một chăn, chết cùng một quách”
Năm 1318, Quản phu nhân tái phát bệnh về chân, Triệu Mạnh Phủ liền đưa phu nhân về quê để chữa trị. Vào ngày 25 tháng 4 năm ấy, họ khởi hành từ Đô Thành, đến ngày 5 tháng 10, trên một con thuyền nhỏ tại Sơn Đông, Quản phu nhân đã qua đời ở tuổi 58. Triệu Mạnh Phủ cùng con trai đưa di thể nàng về quê làm lễ, sau đó chôn ở huyện Đức Thanh, núi Hành sơn. Đây là địa điểm mà Quản phu nhân khi còn sống đã lựa chọn.
Ba mươi sáu năm làm bạn đời, chớp mắt đã hai thế giới, Triệu Mạnh Phủ đau lòng khôn thấu.
Quản phu nhân qua đời vào mùa đông năm ấy, hoàng đế đã phái người đến mời Triệu Mạnh Phủ hồi kinh, nhưng Triệu Mạnh Phủ từ chối, sau đó ông quy y theo Phật giáo. Bốn năm sau, ngày 16 tháng 6 năm 1322, Triệu Mạnh Phủ qua đời. Ông cùng hợp táng với phu nhân tại huyện Đức Thanh.
Quách phu nhân sinh được 3 người con trai, 6 người con gái, là một điển hình cho người hiền thê lương mẫu. Quản phu nhân mặc dù tài hoa hơn những nữ nhân bình thường, nhưng nàng không bao giờ quên bổn phận của mình, không chỉ giỏi giang và trí tuệ, bà còn là một nho gia chính thống ảnh hưởng sâu sắc tới sự tu dưỡng và dạy dỗ con cái.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch