Bậc quân tử luôn có bốn cảnh giới: khiêm nhường, độ lượng, trầm tĩnh và hàm dưỡng nội tâm. Người cảnh giới càng cao trí huệ càng rộng mở, tầm nhìn càng vươn xa.

Khiêm nhường

Người càng khiêm nhường thì cảnh giới càng cao, tầm nhìn càng rộng mở. Họ tựa như đứng ở vị trí cao hơn người khác, tự khắc sẽ nhìn được cảnh vật xa hơn.

Triều đại nhà Thanh có một danh tướng tên là Niên Canh Nghiêu, vì có công hiển hách dẹp loạn Thanh Hải nên ông được hoàng thượng tán dương phong làm quan tới chức Tổng giám Tây Xuyên, Phủ viễn Đại tướng quân. Cũng kể từ đó Niên Canh Nghiêu sinh lòng kiêu ngạo, thậm chí trước mặt hoàng thượng ông ta vẫn ngang nhiên đi lại tuỳ tiện, bất tuân phép tắc triều đình.

Khi trấn thủ ở thành Tây An, Niên Canh Nghiêu từng chiêu mời hiền tài trong thiên hạ về làm môn khách cho phủ, trong đó có một nho sinh tên là Tưởng Hoành. Niên Canh Nghiêu rất trân trọng tài hoa của vị nho sinh này. Một hôm trong lúc cao hứng, Niên Canh Nghiêu nói với Tưởng Hoành rằng: “Ta sẽ để ngươi trở thành thiên hạ đệ nhất trạng nguyên”.

Nếu là người khác thì khi nghe được câu nói này ắt sẽ vui mừng tột độ, tuy nhiên Tưởng Hoành lại là bậc hảo hán có cái đầu lạnh của người quân tử. Anh nhận thấy Niêm Canh Nghiêu khẩu khí quá lớn nhưng lại chẳng hiểu phép tắc, suy cho cùng cũng chỉ là kẻ liều mình làm loạn mà thôi.

Sau hôm đó, Tưởng Hoành nói với một số người thân cận: “Niên Canh Nghiêu đức không thắng nổi uy, biết tiến mà chẳng biết lui, sớm muộn cũng thành cái gai trong mắt hoàng thượng, gặp tai họa cũng là điều khó tránh. Chúng ta nên sớm rời xa thì hơn”.

Nhưng những người thân cận lại không xem đó là điều quan trọng. Bởi đương thời Niên Canh Nghiêu có thế lực rất lớn trong thiên hạ, rất nhiều người muốn được làm thuộc hạ dưới trướng mà không được.

Tưởng Hoành không tìm được ai cùng chung chí hướng với mình bèn xin cáo ốm về quê. Niên Canh Nghiêu sợ vuột mất nhân tài, đã tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không giữ được chân Tưởng Hoành. Biết không thể ngăn cản nên ông ta đành sai thuộc hạ trọng thưởng cho Tưởng Hoành 1000 lượng vàng để về quê dưỡng bệnh, nhưng anh nhất quyết khước từ. Hai bên đùn đẩy mãi, cuối cùng Tưởng Hoành chỉ nhận 100 lượng rồi rời đi.

Sau khi Tưởng Hoành rời đi không lâu, quả nhiên Niên Canh Nghiêu bị khép tội chết, rất nhiều người cũng vì đó mà gặp hoạ theo. Niên Canh Nghiêu vàng bạc đầy kho nên có tục lệ thưởng cho ai dưới 500 lượng thì không cần ghi sổ, Tưởng Hoành chỉ lấy có 100 lượng nên mới được thoát nạn.

Niên Canh Nghiêu ngang ngược phách lối, cuối cùng chuốc họa diệt thân. Tưởng Hoành khiêm nhường lặng lẽ, biết tiến biết lùi, nhờ đó mà bảo toàn tính mạng. Cảnh giới khác nhau tầm nhìn sẽ khác nhau, và đương nhiên số phận cũng khác nhau.

(Ảnh minh họa: sohu.com)

Độ lượng

Cổ nhân có câu: “Độ lượng càng lớn, phúc càng lớn”. Bậc quân tử cũng cần có lòng độ lượng và bao dung cho người.

Một giọt mực rơi vào cốc nước thì cốc nước bẩn, nhưng một giọt mực rơi vào hồ nước, hồ nước vẫn trong xanh. Con người cũng vậy, người càng có lòng bao dung thì cuộc sống càng tươi đẹp, càng rộng mở, bạn bè càng nhiều. Bậc quân tử đối nhân xử thế luôn lấy khoan dung làm gốc. Thế nên chỉ cần nhìn vào cách ứng xử của một người khi đối diện với thắng-thua, thiệt-hơn, được-mất là đủ biết nhân cách họ ra sao, là chính nhân quân tử hay kẻ hám lợi quên mình, là anh hùng hào kiệt hay kẻ tiểu nhân nhỏ mọn đê hèn.

Thẩm Lân là quan huyện lệnh triều Nam Tống. Một lần người hàng xóm tình cờ thấy ông đi đôi giày giống hệt đôi giày mà ông ta mới mất hôm trước, nên một mực khẳng định rằng Thẩm Lân đã lấy trộm của mình. Thẩm Lân nghe vậy liền nói: “Là giày của anh sao?”, nói xong liền cởi giày đưa cho ông ta. Qua mấy ngày sau người hàng xóm phát hiện bản thân đã nhầm lẫn, liền mang giày tới trả Thẩm Lân. Thẩm Lân thấy vậy liền nói: “Không phải của anh à?”, rồi tươi cười nhận lại.

Câu chuyện trên đã trở thành giai thoại “Xử thế như Thẩm Lân” khiến người người đều bội phục.

Nhân tâm phức tạp, chúng ta không thể yêu cầu tất cả mọi người đều đối xử tốt với mình. Nhưng nếu có thể khoan dung độ lượng cho người, ta sẽ khiến cuộc sống trở lên dễ dàng, thư thái, và đó cũng là bản tính của bậc quân tử.

Làm người cần có lòng độ lượng. Nếu chỉ nhìn vào chỗ sai của người khác mà chỉ trích, mà phê bình, thì cái sai lại càng sai hơn. Bậc chính nhân quân tử biết lấy đức phục người, biết khoan dung hòa ái nên dẫu họ không cầu phúc mà lại được phúc vậy.

Trầm tĩnh

Là quân tử thì ngay cả suy nghĩ cũng có phong thái, có cách nhìn sắc sảo hơn người, như vậy mới phân biệt được thật giả thị phi, lúc lập luận lời lẽ mới sắc bén, uy lực.

Điểm nổi bật nhất của quân tử chính là sự điềm tĩnh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì họ vẫn luôn thể hiện phong thái bình thản hòa ái của mình. Lúc khốn khó hay khi đắc thời, người quân tử vẫn thư thái điềm nhiên, lấy tĩnh chế động, hoà ái thong dong. Còn kẻ tiểu nhân lại lấy động chế động, luôn luôn khuấy đảo, thị phi chia rẽ, chẳng lúc nào yên.

Trong đối nhân xử thế, bậc quân tử lấy đức thiện làm trọng, là thiện lương chứ không phải yếu mềm, là hoà hợp chứ không phải yếu đuối, mang lợi ích cho người chứ không coi được mất của bản thân làm trọng.

(Ảnh minh họa: pngtree.com)

Hàm dưỡng

Cổ huấn có câu: “Hàm dưỡng công phu hậu, quân tử quý tự luật”. Một người có hàm dưỡng là người luôn sống quy củ, trước sau như một, bậc quân tử dù hoàn cảnh nào cũng không phá bỏ nguyên tắc làm người của mình.

Người có hàm dưỡng thường có cuộc sống nội tâm phong phú, họ tìm kiếm niềm vui trong chính tâm hồn của mình chứ không phải hoàn cảnh bên ngoài. Đó là thành quả của quá trình không ngừng rèn giũa bản thân, hướng đến con đường đi tìm bản ngã của chính mình.

Người càng hàm dưỡng thì càng xem nhẹ được mất, vinh hoa, hay quyền lực bản thân. Xem nhẹ danh lợi cũng chính là phẩm chất của một người tu luyện. Làm người chỉ có buông bỏ được mất, coi thường danh lợi mới có thể khiến cho trí tuệ thăng hoa, tâm hồn thanh tịnh, cuộc sống thanh bình.

Kỳ thực, danh lợi giàu sang trong đời suy cho cùng cũng chỉ là bọt nước phù vân, sớm còn chiều mất, hạnh phúc có được nhờ đó cũng chỉ là thứ hạnh phúc ảo ảnh, dù có được cũng chẳng thể bền lâu.

Xem nhẹ được mất ắt không buồn rầu
Bớt phần lo âu ắt thêm phần thoả mãn
Thêm phần vui vẻ ắt hàm dưỡng đủ đầy.

Minh Vũ
Theo Cmoney

videoinfo__video3.dkn.tv||b7580ee6a__