Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, có ảnh hưởng tới rất nhiều thế hệ nhạc sĩ và khán giả sau này. Các tác phẩm của ông đều là những tuyệt tác xuất sắc của nghệ thuật. Những chương nhạc không những biểu hiện thành công những gì là sâu thẳm nhất của nội tâm, mà còn vươn tới vũ trụ bao la, kỳ diệu.
Khi nhắc đến “Kreutzer Sonata”, nhà phê bình âm nhạc Rob Kapilow từng cảm khái: “Đây chính là sự sáng tạo ra một vũ trụ trong âm nhạc… Giờ đây tôi có thể làm được gì khi chúng ta đã đơn giản hóa thế giới xuống một phân tử gồm mỗi nửa cung lên hoặc nửa cung xuống? Beethoven cuối cùng khám phá ra nửa cung trên nữa. Và hai nốt đó – Mi và Fa – là cột mốc của toàn vũ trụ âm nhạc. Theo nghĩa đen ông đã tái tạo lại vũ trụ từ góc đó.”
Violin Sonata No. 9, Op. 47 là bản Sonata số 9 của Beethoven, còn được gọi là Kreutzer Sonata dành cho Violon cùng nhạc cụ đệm piano. Tác phẩm sau khi ra mắt thành công vào năm 1803, đã được xuất bản năm 1805 với tên Beethoven’s Op. 47, dành tặng cho Rudolphe Kreutzer, người mang lại cho tác phẩm biệt danh của nó. Tuy nhiên khi nhận được bản thảo, Kreutzer xem qua rồi tuyên bố rằng không thể chơi được vì “cực kỳ khó hiểu”. Và Kreutzer, người mà cái tên sau này gắn liền với bản Violin Sonata No. 9 của Beethoven lại chưa từng một lần chơi nó.
Nhắc đến sáng tác của Beethoven, nhà văn Nga Lev Tolstoy đã đặt tên cho cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1889 của mình là “Bản sonata Kreutzer”. Cuốn tiểu thuyết đó được chuyển thể trong nhiều giai đoạn và sản xuất phim, góp phần khiến tác phẩm của Beethoven được công chúng biết đến.
Violin Sonata No. 9, Op. 47 dài khoảng 40 phút với 3 chương:
Chương 1: Adagio sostenuto – Presto
Chương 2: Andante con variazioni
Chương 3: Presto
Clip là trọn vẹn tác phẩm được biểu diễn trực tiếp bởi 2 nghệ sỹ: Sayaka Shoji (Violon), Gianluca Cascioli (Piano)
Chương 1 mở đầu trên nhịp chậm Adagio với giọng ngân vang của violon khá sáng trong màu sắc giọng La trưởng, nhưng khi tiếng piano chất lên bắt đầu sự hòa hợp của 2 nhạc cụ thì màu sắc chuyển dần xuống tối dần trên giọng La thứ, rồi thổi bùng lên một kịch tính nóng bỏng trên nhịp nhanh (Phần chính của chương), đây cũng chính là độ khó đối với cây vĩ cầm. Gần cuối, Beethoven mang nhịp Adagio trở lại, trước khi kết thúc chương trong một coda kịch tính.
Chương 2 gồm 5 biến tấu vô cùng tinh tế trên chủ đề âm nhạc của chương, mỗi biến thể được trang trí theo cách hoàn toàn riêng biệt. Được xắp xếp từ trang nhã yên bình lên đến hài hước vui tươi, rồi kịch tính và xoay trở lại vui tươi thanh thoát lãng mạn. Điểm đặc biệt là chương 2 được hạ xuống 4 tone, từ La trưởng thành Fa trưởng, nên sự yên bình lãng mạn, và sự thú vị của tác phẩm trở nên rất nổi bật, bởi âm sắc chói lọi của violon được giảm đi đáng kể.
Chương 3 đem lại một sự hào hứng tươi mới đầy sức sống, phát triển trên nhịp nhanh thoăn thoắt Presto. Vì đã trở về giọng chủ La trưởng nên sức mạnh chói lọi và lôi cuốn của violon đã quay trở lại, khiến thính giả thăng hoa cùng những hòa âm trầm hùng dũng của piano. Điểm thú vị của chương là mặc dù được chơi trên nhịp nhanh như vậy, nhưng cây violon vẫn đưa được vào những phần bè vô cùng đẹp và hấp dẫn
Đôi nét về tác giả
Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo.
Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.
Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.
Kim Cương