Ông được Trần Thánh Tông khen là bề tôi trung hiếu hiếm có, đề tặng bài thơ “Nhất đại công danh thiên hạ hữu, Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô.” Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú ghi nhận: “Công lao thu phục đất nước, ông đứng thứ nhất”. Ông còn là người học rộng, giỏi thơ phú, còn lưu lại tập thơ “Lạc Đạo Tập” truyền thế, trong đó hai bài thơ “Xuân Nhật Hữu Cảm”. 

Những vần thơ man mác hoài niệm, đậm đà hương sắc mùa xuân đưa chúng ta trở về với cố nhân. Gió đông lành lạnh khởi đầu xuân cùng những âm thanh thì thầm của thiên nhiên chợt đánh thức nhà thơ khi đêm dần tàn. Ông tỉnh mộng, trở mình nhìn ngắm khung cảnh bên ngoài cửa sổ, ánh trăng héo hắt, lặng nghe tiếng bông liễu cọ vào lầu gác, tiếng khóm tre đu đưa kẽo kẹt, tiếng mưa rơi lộp độp, cảm nhận vạn vật mùa xuân tươi nhuận.

Trời đã sang xuân, vạn vật như khoác một chiếc áo mới tinh tươm tràn đầy sức sống. Nhưng niềm vui chỉ thoáng qua, bởi thi nhân bỗng giật mình nhận ra, mình đã không còn xuân sắc. Hoài bão và tuổi trẻ của ông đã ở lại nơi sa trường, nơi ghi dấu bao chiến công hiển hách. Đời người sinh lão bệnh tử nào ai tránh được, giờ đây, quá khứ vinh quang chỉ còn lưu lại trong hoài niệm cùng thanh kiếm báu kỷ vật xưa. Vỗ về ông vơi đi nỗi sầu nỗi nhớ, giờ đây chỉ có chén rượu và những vần thơ. 

Nguyệt sắc vi vi dạ hướng lan,
Đông phong đặc địa khởi xuân hàn.
Phiên không liễu nhứ niêm cao các
Giác mộng tương quân phác họa lan
Bị vật nhuận tòng thiên ngoại vũ
Kinh tâm hồng thoái tích thì nhan
Khử sầu lại hữu tam bôi tửu
Phủ kiếm du du ức cố san

Tạm dịch
Ánh trăng héo hắt đêm dần tàn,
Gió đông lành lạnh khởi xuân hàn.
Trở mình hoa liễu vương cao các,
Khóm tre kẽo kẹt giấc mộng tan.
Trời vẫn đang mưa, xuân tươi nhuận,
Người chợt kinh tâm, sắc đã tàn.
Khử sầu chỉ có ba chén rượu,
Vỗ về bảo kiếm nhớ cố san.

Trên đây là bài thơ “Xuân nhật hữu cảm I” của Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải. Có lẽ nhiều bạn sẽ bất ngờ, bởi một vị danh tướng lẫy lừng như vậy lại là một hồn thơ đậm trữ tình. 

Trong thi tuyển của ông còn lưu lại bài thơ Đường “Xuân nhật hữu cảm II”, phong thái cũng vô cùng dung dị, triển hiện tâm thanh của lão tướng Đại Việt khi phải chấp nhận thực tại rằng tuổi thanh xuân đã vụt qua, giờ đây sức lực chẳng còn sung mãn, đành gói ghém lại những lo toan quốc sự, trở lại điền viên, thong dong ngắm cảnh ngâm thơ. Hào khí hừng hực năm nao nay đã chuyển thành ngọn gió đông hiền hòa, lắng đọng trên những vần thơ đậm đà hoài niệm, mời các bạn cùng lắng nghe:

Vũ bạch phì mai tế nhược ty,
Bế môn ngột ngột tọa thư si.
Nhị phần xuân sắc nhàn sai quá,
Ngũ thập suy ông dĩ tự tri.
Cố quốc tâm hoàn phi điểu quyện,
Ân ba hải khoát túng lân trì.
Sinh bình đảm khí luân khuân tại,
Giải đảo đông phong phú nhất thi.

Tạm dịch
Mưa trắng dưỡng mai mịn tựa tơ,
Giật mình khép cửa, dạ thẫn thờ.
Hai phần xuân sắc đà qua hết,
Năm mươi tự biết chỉ còn thơ.
Tâm hoài cố quốc nay cuộn lại,
Sóng ân biển rộng thả sức trì.
Bình sinh can đảm luôn hừng hực,
Giờ chuyển đông phong vịnh nhất thi

Nhân vật đằng sau những bài thơ

Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải (chữ Hán: 陳光啓) (1241 – 1294), là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông làm đến chức Thừa tướng đời Trần Thánh TôngTrần Nhân Tông và Trần Anh Tông, coi sóc mọi việc trong nước.

Trong kháng chiến chống Nguyên-Mông (1285), Hoàng đế Trần Nhân Tông phong ông chức Thượng tướng Thái sư; ông giữ vai trò nổi bật trong trận phòng thủ Thanh HóaNghệ An và trận đánh tan quân Nguyên tại Chương Dương độ. Ông được Trần Thánh Tông khen là bề tôi trung hiếu hiếm có, đề tặng bài thơ “Nhất đại công danh thiên hạ hữu, Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô.” Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú ghi nhận: “Công lao thu phục đất nước, ông đứng thứ nhất”. Ông còn là người học rộng, giỏi thơ phú, còn lưu lại tập thơ “Lạc Đạo Tập” truyền thế, trong đó có hai bài thơ xuân kể trên.

Trần Quang Khải sinh vào tháng 10 âm lịch, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 10 (1241). Ông là con thứ ba của vua Trần Thái Tông (vị hoàng đế đầu tiên của Nhà Trần), mẹ là Thuận Thiên hoàng hậu Lý thị (con gái trưởng Lý Huệ Tông), là em cùng mẹ với thái tử Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông. Người anh đầu của hai ông là Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, dù được Thái Tông nhận làm con, nhưng thật ra là con của Khâm Minh Đại vương Trần Liễu.

Từ nhỏ, ông đã được Trần Thái Tông phong tước Chiêu Minh vương và cho thụ giáo với Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử Viện giám tu, Bảng nhãn Lê Văn Hưu. Sử chép ông là người có học thức, hiểu cả tiếng nói của các bộ tộc ít người.

Năm Nguyên Phong thứ 8 (1258), ông được gả Phụng Dương công chúa, con gái của Thái sư Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu, ban cho thái ấp Độc Lập, phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Cùng năm, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông. Tân quân Trần Thánh Tông phong cho Quang Khải tước Chiêu Minh Đại vương.

Năm Thiệu Long năm thứ 4 (1261), Trần Thánh Tông phong Trần Quang Khải làm Thái úy, chính thức tham gia công việc triều chính khi vừa 20 tuổi. Theo “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, vua Thánh Tông có người anh là Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang lớn tuổi hơn, nhưng không có tài năng đặc biệt, nên phong Quang Khải làm đại thần. Năm Thiệu Long năm thứ 8 (1265), nhà vua lại phong Quang Khải làm Thượng tướng, vào trấn thủ Nghệ An.

Đầu năm Thiệu Long năm thứ 14 (1271), ông làm Tướng quốc thái úy, trở thành đại thần đầu triều nắm giữ việc nước, đứng trên Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là con của Khâm Minh đại vương Trần Liễu, Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải là con của Thái Tông hoàng đế Trần Cảnh. Theo quan hệ huyết thống thì Thái Tông là em ruột của Khâm Minh đại vương, cho nên, Hưng Đạo vương và Chiêu Minh vương cùng với Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang đều là anh em họ. Ngoài mâu thuẫn giữa hai chi họ, giữa hai ông còn có mối bất hòa cá nhân.

Cuối năm 1257, Hưng Đạo vương được cử làm chỉ huy các đạo quân thủy bộ ở biên giới, lập nhiều công lao cho triều đình. Tuy nhiên, sau khi đánh đuổi được quân Nguyên Mông, ông vẫn giữ nguyên tước vị cũ và trở về thái ấp ở Vạn Kiếp. Trong khi đó, không lâu sau Trần Quang Khải được phong tước Đại vương, và thăng làm Thái úy.

Cuối năm Thiệu Bảo thứ 4 (1282), vua Trần Nhân Tông thăng chức Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư, nắm cả quyền quân sự lẫn hành chính. Tuy vậy, trước tình hình áp lực nhà Nguyên gia tăng, cuối năm Thiệu Bảo thứ 5 (1283), triều đình tiến phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc. Như vậy, về thực quyền quân sự, Hưng Đạo Vương đã trở thành thượng cấp của Chiêu Minh Đại vương.

Nhận thấy mối bất hòa giữa 2 chi họ cũng như bất hòa cá nhân giữa hai vị đại thần trong triều có thể trở thành hiểm họa, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chủ động tìm cách giải hòa. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại điển cố này như sau:

“Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải: ‘Mình mẩy cáu bẩn, xin đi tắm giùm!’, nói rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: ‘Hôm nay được tắm cho Thượng tướng!’ Quang Khải cũng nói: ‘Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho!’ Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, phò tá nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.”

Trận phòng thủ Thanh Hóa – Nghệ An

Đầu năm 1285, quân Nguyên tràn sang tấn công Đại Việt với sức công kích rất mạnh. Thái sư Trần Quang Khải suýt tử thương khi chiến thuyền của ông đang ngủ bị bốc cháy, may nhờ có phu nhân Phụng Dương công chúa đánh thức, mới thoát được.

Dưới sự điều động tài tình của Hưng Đạo Vương, quân Đại Việt đã thực hiện nghi binh, đưa quân Nguyên vào thế bị động. Năm Ất Dậu (1285), Toa Đô từ Chiêm Thành theo đường bộ kéo ra Nghệ An tấn công quân Đại Việt, có Ô Mã Nhi dẫn quân đi đường biển tiếp ứng. Được tin, Trần Hưng Đạo tâu vua Trần Nhân Tông xin cho Thượng tướng Trần Quang Khải đưa binh vào đóng tại Nghệ An, và cho Trần Bình Trọng trấn giữ Thiên Trường, rồi rước xa giá về Hải Dương.

Trần Quang Khải vào đến Nghệ An, chia quân phòng giữ. Thấy thế giặc quá mạnh, ông cho lui quân ra mặt biển, trấn thủ các nơi hiểm yếu. Quân của Toa Đô đánh mãi không được, cạn lương, bèn cùng với Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền trở ra Bắc. Trần Quang Khải hay tin cho người về Thanh Hóa cấp báo. Vua Nhân Tông cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cùng Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân ra đón đánh tại Hàm Tử Quan thuộc huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên. Quân Nguyên thua đậm chết rất nhiều.

Trận Chương Dương Độ

Lúc bấy giờ đại binh của Thoát Hoan đóng tại Thăng Long, còn chiến thuyền thì đóng ở bến Chương Dương, thuộc địa phận huyện Thượng Phúc. Trần Quang Khải được lệnh vua, cùng Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão đem quân từ Thanh Hóa đi thuyền vòng đường biển ra đến bến Chương Dương tấn công chiến thuyền của quân Nguyên. Quân Nguyên địch không nổi phải bỏ thuyền lên bờ chạy. Trần Quang Khải đem quân lên bờ đuổi đánh về đến chân thành Thăng Long, nhưng ông lập mưu cho phục binh đóng sẵn ngoài thành.

Thoát Hoan đem quân ra đánh, bị phục binh đánh úp, quân Nguyên đại bại phải bỏ thành Thăng Long vượt sông Hồng giữ mặt Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Trần Quang Khải cho quân vào thành chiếm lại Thăng Long, và cho quân về Thanh Hóa báo tin cho Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão. Trong vòng hai tháng, ông hai lần đại phá quân Nguyên tại Hàm Tử và Chương Dương, khí thế quân sĩ Đại Việt trở nên rất mạnh, sau đó thắng nhiều trận liên tiếp, giết các tướng Toa ĐôLý Hằng, Lý Quán, đuổi Thoát Hoan về Trung Quốc.

Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1285, hai vua Trần ca khúc khải hoàn về kinh sư. Thái sư Trần Quang Khải đã làm bài thơ “Tụng Giá Hoàn Kinh Sư” (Ca tụng Vua trở về kinh đô):

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang sa

Tạm dịch:

Chương Dương đoạt giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình cần nỗ lực
Non nước ấy ngàn thu

(tham khảo bản dịch của Trần Ngọc Kim)

Nguồn tư liệu: WikipediaWikipedia

Hương Thảo dịch thơ và biên soạn