Có thể nói rằng, sự xuất hiện của âm nhạc đối với con người vẫn là một điều bí ẩn. Tựa hồ như, vào lúc con người xuất hiện thì âm nhạc cũng liền theo đó mà được sinh ra. Rốt cuộc âm nhạc ra đời có mục đích gì? Người hiện đại chúng ta ngày nay dường như không hề biết. Mặc dù chúng ta không biết nhưng người cổ đại thì lại biết rất rõ ràng.

Cuốn sách cổ “Lễ kí. Nhạc kí” viết rằng: “Nhạc giả, thiên đích chi hòa dã” (Tạm dịch: Âm nhạc là sự hòa hợp của trời đất). Mỗi vị Hoàng đế trong các triều đại của lịch sử Trung Hoa lên nắm quyền thì điều trước tiên họ làm là chính lại lễ nhạc. Đặc biệt là Đường Thái Tông, ông là vị Hoàng đế thứ 2 của triều đại nhà Đường và cũng là người hết sức để tâm đến việc này.

Vì sao các vị Hoàng Đế này lại coi trọng lễ nhạc như vậy? Nguyên nhân rất đơn giản, chính là âm nhạc ở trên có thể tương hợp với Trời, ở dưới có thể tương hòa với Đất, mà ở giữa thì lại tương thông với con người.

Tương hợp với trời

Đường Huyền Tông (Ảnh: Sưu tầm)
Đường Huyền Tông (Ảnh: Sưu tầm)

Rất nhiều thứ của nhân loại trên trái đất này đều được một đấng siêu nhiên nào đó dẫn dắt mà đến. Có những thứ thậm chí là do Thần trực tiếp truyền cấp cho con người, và âm nhạc là một trong những thứ đó. Đường Huyền Tông mơ thấy “Tử Vân Khúc” là một ví dụ thực tế nhất.

Trong một lần tọa triều, Đường Huyền Tông dùng tay vỗ vào bụng mình theo nhịp lên xuống. Sau khi bãi triều, thái giám Cao Lực Sĩ tiến đến hỏi Huyền Tông: “Vừa rồi, Bệ Hạ dùng tay vỗ vào bụng mình nhiều lần như vậy là vì Thánh thể không được thoải mái sao?”

Huyền Tông nói: “Không phải, đêm qua ta nằm mơ đến cung trăng, các vị tiên nữ đã diễn tấu cho ta nghe bản nhạc trên Thiên Thượng, âm thanh du dương, thánh thót, chưa từng nghe thấy ở nhân gian. Tiếng nhạc trên cõi tiên đã khiến cho ta chìm đắm vào trong những giai điệu du dương đó. Về sau, các vị tiên nữ lại diễn tấu một bản thanh nhạc để tiễn biệt ta. Bản tiên khúc này lại thống khổ, thanh lệ, phảng phất bi thương làm xúc động lòng người. Sau khi tỉnh mộng, ta vẫn cảm nhận được tiếng nhạc ở xa ngút ngàn đó như đang vang vọng ở bên tai mình. Ta vội vàng cầm sáo ngọc lên tập thổi để ghi nhớ lại bản nhạc đó. Vừa rồi lúc tọa triều, ta sợ mình quên tiết tấu bản nhạc nên mới cố nhớ lại, thỉnh thoảng lại vỗ tay vào bụng là để nhớ lại giai điệu của nó, chứ không phải là thân thể không khỏe.”

Cao Lực Sĩ liền bái lạy và chúc mừng Hoàng đế, nói: “Đây quả là chuyện ngàn năm khó gặp. Thỉnh xin Bệ Hạ có thể thổi cho lão nô nghe một lần bản nhạc đó được không?”

Đường Huyền Tông liền thổi một lượt, âm thanh của bản nhạc phát ra xa xăm, như có như không, quả nhiên là khác thường. Cao Lực Sĩ nghe xong lại một lần nữa bái lạy chúc mừng Hoàng đế. Ông ta cũng xin Hoàng đế đặt tên cho tiên khúc này. Đường Huyền Tông cười nói: “Vậy thì tạm gọi là “Tử Vân Hồi” đi!”.

Về sau, quan Thái Thường Tự Khanh, phụ trách lễ nhạc đã đem tiên khúc này xếp vào các ca khúc lớn của âm nhạc nhà Đường. Ngày nay vẫn còn tảng đá khắc ở Thái Thường phủ làm bằng chứng cho việc này. Từ chuyện này có thể thấy, dường như âm nhạc của nhân loại là tương thông với Thần.

Tương hòa với đất

Nghệ sĩ gảy đàn tỳ bà (Ảnh: NTDTV)
Nghệ sĩ gảy đàn tỳ bà (Ảnh: NTDTV)

Hoàng Phủ Trực là vị tướng, lại tinh thông âm nhạc. Ông chỉ cần gõ nhẹ vào đồ gốm sứ là có thể đoán ra được đồ gốm sứ đó là được đốt vào tháng  nào, năm nào. Ông đặc biệt thích đàn tỳ bà.

Vào năm Nguyên hòa, Đường Hiến Tông, Hoàng Phủ Trực có soạn một bản nhạc. Lúc ông hóng mát, đã chơi bản nhạc này bên bờ hồ. Bản nhạc vốn là sử dụng Hoàng Chung dương luật, nhưng khi ông chơi thì tiếng đàn lại chuyển thành Nhuy Tân dương luật. Ông chỉnh dây cung và chơi lại nhiều lần thì phát hiện tiếng nhạc vẫn là Nhuy Tân. Hoàng Phủ Trực vô cùng khó hiểu, trong lòng thầm nghĩ: “Chỉ e đây là điềm báo chẳng lành.” (Ghi chú: Hoàng Chung dương luật và Nhụy Tân dương luật là 2 trong 12 luật của âm nhạc Trung Hoa cổ xưa).

12 luật trong âm nhạc Trung Hoa cổ xưa (Ảnh: Sưu tầm)
12 luật trong âm nhạc Trung Hoa cổ xưa (Ảnh: Sưu tầm)

Cách một ngày sau, Hoàng Phủ Trực lại ở bên cạnh bờ hồ chơi bản nhạc ấy, ông phát hiện ra âm thanh vẫn giống y như ngày hôm trước. Ông thử ra chỗ khác chơi đàn thì phát hiện âm thanh lại trở về nguyên ban đầu, là Hoàng Chung dương luật.

Hoàng Phủ Trực vội điều chuyển bản nhạc sang Nhuy Tân dương luật. Sau đó, vào buổi đêm hôm ấy, ông lại ra bờ hồ liên tục chơi thử. Đột nhiên, ông cảm thấy nước ở sát cạnh bờ hồ gợn lên, có một thứ gì đó làm cho nước gợn lên giống như cá nhảy trong nước. Cho đến khi ông buông dây đàn thì không còn có âm thanh ấy nữa.

Hoàng Phủ Trực đã huy động nhiều người gạn nước từ cái hồ đó ra ngoài. Sau khi nước trong hồ đã cạn, sau mấy ngày tìm kiếm thì phát hiện dưới lớp bùn sâu một trượng ở cạnh chỗ ông ngồi chơi đàn có một miếng sắt. Miếng sắt này vốn là một cái “Khánh”, đây là một bộ phận của nhạc cụ cổ tên “Phương Hưởng”.

(Ghi chú: “Phương Hưởng” là một bộ thanh kim loại định âm cổ xưa. Nhạc cụ này bao gồm 16 thanh hình chữ nhật bằng sắt, định âm, nằm trong một cái khung và được xếp thành hai dãy. Những thanh này được gõ bằng một cái dìu nhỏ để phát ra giai điệu âm thanh. Các thanh có chiều dài và rộng bằng nhau nhưng độ dầy thì tăng dần. Những thanh mỏng hơn phát ra giọng trầm hơn, còn những thanh dầy thì phát ra nốt cao hơn. Vào thời xưa, Phương hưởng là nhạc cụ phổ biến trong nhạc cung đình Trung Quốc).

Từ sự việc này có thể thấy, khi một bản nhạc ở vào một tần số nào đó  thì có thể cảm ứng và cộng hưởng với tần số tương ứng của một vật nào đó phát ra. Đây chẳng phải là một việc hết sức kỳ diệu sao?

Tương thông với con người

Tùy Dạng Đế (Ảnh: Sưu tầm)
Tùy Dạng Đế (Ảnh: Sưu tầm)

Tùy Dạng Đế là vị vua thứ hai của nhà Tùy. Ông đặc biệt thích đi tuần du bên ngoài kinh thành Lạc Dương. Khi Tùy Dạng Đế sắp đi ngao du ở Giang Đô, Dương Châu. Người con trai của nhạc công Vương Lệnh Ngôn từ cung trở về nhà. Vương Lệnh Ngôn hỏi con trai rằng: “Hôm nay con đã trình diễn cho Hoàng Thượng nghe ca khúc gì?”

Con trai của ông trả lời: “Là ca khúc “An công tử””

Vương Lệnh Ngôn bảo con trai diễn tấu ca khúc đó một lần. Sau khi nghe xong, ông nói: “Con đừng theo Hoàng đế đi đến Giang Đô. Trong ca khúc này không có cung thanh, nên Hoàng thượng nhất định sẽ không trở về!” (Ghi chú: Cung thanh là cung âm trong năm âm thanh của âm nhạc cổ truyền Trung Hoa, bao gồm: Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, và Vũ.)

Về sau, sự việc diễn ra đúng như lời Vương Lệnh Ngôn nói, Hoàng đế Tùy Dạng Đế bị ám sát bỏ mạng ở Giang Đô.

Chúng ta gọi “Thiên, Địa, Nhân” là tam tài, mỗi loại đều có mối liên hệ nào đó với âm nhạc. Đối với “Thiên”, âm nhạc có sự tương ứng, đối với “Địa” âm nhạc có sự tương hòa và âm nhạc có sự tương thông với con người. Có lẽ, mục đích của âm nhạc chính là khiến cho hết thảy mọi thứ trên thế gian càng thêm hài hòa hơn!

Từ đó có thể thấy, tư tưởng của con người, số mệnh của con người đều có thể từ trong âm nhạc mà biểu hiện ra. Các bậc cao nhân đều xem đây là căn cứ để suy đoán sự việc trong tương lai.

 Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch