Có không ít người thường hỏi: “Trong Phật giáo thường hay nói có nhân quả, nếu như thật sự có, tại sao làm điều thiện lại thường không thấy thiện báo đâu? Còn làm chuyện xấu cũng không thấy bị trừng phạt?”.
Thật ra, nhân quả vốn không đơn giản giống như ta tưởng tượng. Người nông dân gieo nhân (hạt) xuống, không phải ngay lập tức sẽ nảy mầm kết quả. Giữa nhân và quả cần phải có một đoạn thời gian. Vậy nên làm sao có thể đòi hỏi sau khi tạo nghiệp rồi, rất mau sẽ gặp báo ứng hiện tiền đây?
Thế thì, quả báo khi nào sẽ báo ứng? Đức Phật đã từng khai thị cho chúng ta, có một số sẽ rất mau chín muồi ngay trong kiếp sống này, có một số phải đợi đến kiếp sau, có một số thì phải chờ đến rất nhiều kiếp mới chín muồi. Nhưng không kể thế nào, chỉ cần gieo “nhân”, không kể là qua thời gian bao lâu, dẫu là nghìn năm, vạn năm, “quả” của nó đều sẽ đến lúc chín muồi, hơn nữa sẽ không vơi đi chút nào.
Nhân quả, quy luật của vũ trụ này, nếu bạn chưa từng học qua thì có thể không hiểu lắm. Nhưng dù cho không hiểu, cũng tuyệt đối đừng nên “đem thân đi thử nghiệm”. Nếu không, dù cho cố tình hay vô ý, trường hợp báo ứng hiện tiền cũng sẽ có lúc xuất hiện.
Trong “Kinh Pháp Hoa” có câu chuyện không khỏi khiến người suy ngẫm:
Có một gã thợ săn dắt theo một bầy chó đi săn. Trên đường trông thấy một vị tỳ kheo. Ông ta lẩm bẩm trong miệng: “Hôm nay thật không may, chạm mặt tên hòa thượng này, nói không chừng sẽ không săn được gì cả“. Kết quả sau khi đi vào trong rừng, quả thật cả một ngày trời không săn được con vật nào. Trên đường trở về nhà, lại đụng mặt vị tỳ kheo đó từ trong thành đi ra. Tên thợ săn cơn giận chưa nguôi, liền thả chó ra đuổi cắn vị tỳ kheo.
Trong lúc gấp gáp, tỳ kheo hốt hoảng leo lên cái cây. Gã thợ săn chạy đến, lấy mũi tên đâm vào chân của tỳ kheo. Vị tỳ kheo đau đớn không thể hộ trì cà sa, kết quả chiếc áo cà sa từ trên người rơi xuống, vừa khéo lại choàng lên trên người gã thợ săn. Bầy chó săn trông thấy cà sa, tưởng rằng đó là vị tỳ kheo ngã từ trên cây xuống, cùng nhau lao đến cắn chết người thợ săn.
Còn một câu chuyện như vậy:
Xưa kia, vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có một vị vua Ấn Độ tên là A Xà Thế. Ngày nọ, có một người đồ tể làm nghề giết mổ đi đến trước mặt vị vua và đề nghị vị vua đồng ý với anh ta một thỉnh cầu. Vua A Xà Thế hỏi anh ta: “Ngươi có thỉnh cầu gì?”
Người đồ tể nói: “Thưa Quốc vương! Mỗi ngày lễ khi ngài cần phải sát sinh, xin ngài hãy giao việc đó cho tiện dân”.
Vua A Xà Thế thấy vậy liền ngạc nhiên hỏi: “Việc sát sinh, rất ít người cam tâm tình nguyện làm giúp người khác. Vì sao ngươi lại vui vẻ nhận làm như vậy?”.
Người đồ tể đáp: “Kiếp trước tiện dân sống nghèo khổ, may nhờ dựa vào nghề giết dê sống qua ngày, lại cũng vì giết mổ dê mà chết. Sau khi chết lại được đến thiên thượng hưởng phúc trời. Hết kiếp ở trên trời lại được đầu thai làm người và lại tiếp tục làm nghề giết dê, sau khi chết lại được lên trên thiên thượng“.
“Cứ như vậy, trải qua 6 vòng luân hồi, tiện dân đều là làm nghề giết mổ dê, nhờ vậy mà cứ mỗi một đời, khi chết đi, tiện dân lại được lên trên thiên thượng sinh sống, hưởng phúc, an nhàn vui sướng. Làm nghề giết dê tốt như vậy, nên tiện dân mới thỉnh cầu quốc vương”.
Quốc vương lấy làm khó hiểu, nghi ngờ: “Cứ cho những lời hắn ta nói đều là đúng sự thật, nhưng tại sao hắn lại biết?”.
Vì vậy, Quốc vương liền đem điều này đến hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni.
Phật Thích Ca Mâu Ni giải thích cho nhà vua rằng: “Những lời đồ tể nói đều là sự thật. Ở kiếp trước, anh ta từng có lần được gặp Phật, khi ấy đồ tể đã rất có lòng cung kính Phật, do công đức này mà được hưởng phúc cõi trời sáu lần, còn có thể nhìn được kiếp trước của mình“.
“Đồ tể mặc dù được hưởng phúc báo như vậy nhưng tội sát sinh thì đương nhiên vẫn phải chịu ác báo. Nhưng vì cơ duyên chưa tận nên báo ứng chưa đến. Chờ khi phúc báo này đã hưởng hết, anh ta sẽ bị đày xuống địa ngục chịu tội. Sau khi chịu tội ở cõi địa ngục xong còn phải sống kiếp dê rất nhiều kiếp cho đến khi trả hết khoản nợ ấy”.
Đức Phật trong “Tứ Thập Nhị Chương Kinh” nói: “Hắt bụi ngược gió, bụi không văng vào người đối phương“.
Không kể bạn làm tổn hại ai, nhìn từ lâu dài, đều là làm tổn hại đến chính mình. Có lẽ bây giờ bạn không cảm giác thấy, nhưng nó nhất định sẽ vòng trở về. Phàm là bạn làm chuyện gì với người khác, cũng là làm với chính mình. Bạn để người khác trải qua điều gì, có một ngày chính bạn cũng sẽ trải nghiệm điều đó. Nhân quả được giảng trong Phật giáo, vốn không phải dùng để dọa nạt người ta, mà là dùng để thức tỉnh con người. Chân lý này, không kể là bạn có tin hay không, nó đều vẫn ở đó, không tăng không giảm chút nào.
Hiện nay, có rất nhiều người thường coi tạo ác là bình thường, xem hành thiện giống như điều kỳ dị. Nếu như có người tham sân đầy mình, tự tư tự lợi, liền cảm thấy khá là gần gũi. Có người làm việc tốt, họ liền đặc biệt cảm thấy không quen, tìm đủ mọi cách bới móc khuyết điểm.
Dù cho hiện nay thói đời sa sút, nhưng chúng ta vẫn không nên hòa mình vào đó, mà cần phải kiên trì với bản tính cao thượng của mình. Suy cho cùng, nhân quả trong tương lai tuyệt đối sẽ là tự làm tự chịu, chỉ là vấn đề sớm muộn mà thôi.
Theo moneyaaa.com
Thiện Sinh biên dịch
Xem thêm: