Tóm tắt bài viết
Báo Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới đọc giả chuỗi câu chuyện có thật về những người bình dị quanh ta:
Phượng vẫn rực lửa giữa trưa hè oi ả, cái nắng chang chang như rang khô những gì trên mặt đất. Ve kêu, còi xe, tiếng máy ầm ì… cầu cảng tấp nập những chuyến xe không ngừng nghỉ. Tôi thả những bước chân bình thản trên con đường bỏng rộp hầm hập nóng. Mọi thứ đã đổi thay, thời tiết cũng đổi thay, chỉ bấy nhiêu năm trôi qua mà đã trở nên vô cùng khác lạ.
Tôi là Nguyễn Anh Đức kỹ sư ngành Máy tầu thuộc Đại học Hàng Hải, hiện đang công tác tại Công ty Logistics và dịch vụ hàng hải. Câu chuyện của tôi có thể sẽ chạm đến một khóc khuất đen tối của xã hội.
Tôi đã may mắn thoát ra được khỏi dòng xoáy tàn khốc ấy để trở thành một con người hoàn toàn khác. Tôi xin kể câu chuyện này có thể sẽ mang lại ánh sáng niềm tin cho những mảnh đời đã từng lầm đường lạc lối như tôi.
Tuổi thơ êm đềm và niềm tin trong sáng.
Thời gian trôi qua, tôi lớn lên trên quê hương đất cảng mặn mòi gió biển. Tuổi thơ tôi êm đềm với những niềm vui nho nhỏ được cất dấu từng ngăn, từng ngăn trong vô vàn yêu thương của mẹ, của bà.
Cái thời ấy trái tim nhỏ bé của tôi rung lên khi nghe được những gì là Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín qua những trang sử sáng chói Trung Hoa. Những câu chuyện Tam Quốc Diễn Nghĩa, những trận chiến Xích Bích và tài thao lược thiên biến vạn hóa của vị thừa tướng họ Gia (Gia Cát Lượng).
Mẹ và bà là những tín đồ Phật giáo nên từ nhỏ tôi đã được tham dự rất nhiều các khóa lễ ở chùa. Từ lòng hâm mộ tinh thần trung nghĩa đến niềm tin có Thần Phật hiện hữu quanh ta. Trong tâm thức đứa trẻ nom nớt như tôi mọi thứ được trải dài tinh khôi như trang giấy trắng đặt lên những nét vẽ sạch sẽ mượt mà.
Từ trong sâu thẳm tâm hồn ngây thơ ấy tôi luôn có một niềm tin, một niềm tin ngây ngô và đậm mùi cổ tích. Rằng sẽ có một vị Phật với huyền năng vô tỷ, ngài sẽ kiểm soát tất cả mọi việc trên thế gian và có thể làm sinh sôi nảy nở rất nhiều điều kỳ diệu khác. Dường như một hạt giống thiện lành đã được gieo vào tâm trí tôi ấp ủ.
Có rất nhiều câu hỏi to lớn nằm trong đầu não bé nhỏ của tôi mà không thể giải đáp: “Sau khi chết con người sẽ đi về đâu?”; “tại sao trái đất lại quay không ngừng nghỉ? Ai đẩy chúng?”; “Sao lại có sướng có khổ, có yêu có ghét?”… Tôi không thể chia sẻ cùng ai và những thắc mắc này cũng dần mờ nhạt theo năm tháng khi tôi lớn khôn.
Vấp ngã đầu đời
Tôi có một đam mê, niềm đam mê này trở thành vết đen đầu đời mà tôi sẽ phải hối hận khôn nguôi. Tôi có thể thuộc gần hết tên các tuyển thủ của các đội bóng trong mỗi kỳ World Cup hoặc Euro.
Ngay từ những năm tháng học trò tôi đã không bỏ sót bất kỳ một mùa bóng nào, thậm chí năm cấp III khi VTV bắt đầu truyền hình trực tiếp giải ngoại hạng Anh, tôi còn có hẳn một “đội chiến hữu” chuyên thức đêm để xem.
Khi đó để đạt được mục đích thỏa mãn tụ tập chúng tôi đã bắt đầu nghĩ ra những lý do thuyết phục để nói dối bố mẹ, rằng: “Chúng con học nhóm muộn nên xin ngủ lại nhà bạn”; “Nhiều bài tập nên con phải ở lại làm cho hết”…
Cứ như vậy, nhóm chúng tôi khoảng 10 đứa, Mỗi tuần đôi lần lang thang trên phố đêm để chờ trận bóng bắt đầu. Dần dà chúng tôi lựa chọn điểm tập kết để xem các trận bóng là tụ điểm cafê bóng đá. Tờ mờ sáng khi kết thúc trận đấu chúng tôi lục tục về nhà đứa nào đó ngủ vật vờ rồi sáng ra lại kéo nhau đi học.
Để gia tăng hương vị cho các trận đấu, lũ nhóc “hỉ mũi chưa sạch” chúng tôi cũng đua đòi cá cược trong nhóm. Bắt đầu đơn giản chỉ là bữa ăn sáng hoặc một món tiền nho nhỏ. Rồi sau cùng góp tiền để ra ngoài cá độ. Ở cái tuổi chưa hiểu biết, chỉ vì lợi dụng lòng tin và thương con của cha mẹ để được thỏa sức hò hét thỏa mãn đam mê. Chúng tôi nào đâu có biết con đường đi đến phạm pháp lại nhanh và ngắn ngủi đến thế.
Cảm giác cá độ khi được khi mất nó làm con người ta như say mụ mị không đủ tỉnh táo và sáng suốt. Chúng tôi cũng không nằm ngoài ngoại lệ ấy. Bị lôi cuốn vào vòng xoáy cá độ lúc nào không biết. Lũ “ngựa non háu đá” chúng tôi còn có khoái cảm hành động này là một sự gắn kết, gần gũi, có sướng cùng hưởng, có khổ cùng chịu.
Có ai chơi cá độ mà giàu được đâu. Điều này cả nhân loại đều biết nhưng mỗi mùa bóng vẫn có gia đình tan cửa nát nhà. Nhóm chúng tôi chưa đến mức độ làm cho gia sản của cha mẹ sạt nghiệp, nhưng cũng làm cho họ nổi đóa đau đầu. Những lần thua cuộc, chúng tôi không dám về nhà, mà tụ tập sống chui lủi hàng tuần, vất vưởng, cầm cố qua ngày ở xưởng đồ hộp nhà một đứa trong bọn và không để cho ai biết.
Mặc kệ bố mẹ mướt mải đi tìm, lo lắng, tức giận, chúng tôi chẳng thèm đếm xỉa. Một lũ ngốc chúng tôi không màng đến nỗi đau của người lớn cho đến khi chúng tôi thực sự trưởng thành, lập gia thất sinh con mới thấu hiểu sự chịu đựng hy sinh lớn lao của cha mẹ.
Cái kết cuối cùng cũng đến khi khoản nợ mỗi ngày một trương nở vĩ đại hơn. Chúng tôi đứa nào về nhà nấy, tôi bị bố mẹ cho một trận tơi bời ròng rã mấy hôm liền. Tôi trơ ra không nghĩ ngợi điều gì, tôi cũng chẳng vì trận đòn ấy mà tỉnh ngộ, chỉ là thấy nhớ nhà, thậm chí thấy nhớ cả tiếng chửi bới của mẹ… nên tôi quyết định dừng lại mọi hành vi và cách sống đó của mình.
Cứu bạn khỏi nợ nần và cú sốc thức tỉnh
May mắn khi dừng lại đúng lúc nên tôi mới có cơ hội bước chân vào giảng đường Đại học. Khoác trên mình mác sinh viên Hàng Hải, tôi quyết tâm nghiêm túc học hành. Dường như tôi chưa trả đủ món nợ trần ai nên năm thứ hai đại học tôi một lần nữa bị dính mắc vào thói quen cũ. Bản thân là một người rất coi trọng chữ “Nghĩa” đối với bạn bè. Cái này do từ nhỏ đã ngấm rất sâu giá trị Nhân – Nghĩa – Lế – Trí – Tín qua các trang sử sách văn hóa Trung Hoa. Đối với bạn bè huynh đệ tôi luôn trân trọng và hết lòng.
Người bạn trong nhóm “bóng đá” bị thua lỗ nặng khi vẫn theo cá độ. Tôi đã lặng lẽ mang tiền học phí, cầm cố xe, các đồ dùng cá nhân có giá trị để lấy tiền chơi cá độ gỡ thua cho bạn. Tuy nhiên tôi càng lún sâu vào nợ nần và không còn khả năng chi trả. Năm đó tôi tưởng đã bị đình chỉ học, việc học hành có thể đứt gánh giữa đường. Tôi đành về đổ gánh nặng lên vai của mẹ.
Đây quả thực đây là một khảo nghiệp đau đớn và khắc cốt ghi tâm. Tôi cứ nghĩ rằng mẹ sẽ lại đánh đập và chửi bới. Nhưng lạ thay, sau khi nghe tôi thú nhận, mẹ chỉ lặng lẽ khóc lấy tiền đưa cho tôi và nói rằng mang trả họ rồi tập trung học hành cho tốt. Thái độ của mẹ lúc đó đã làm tôi thực sự hoảng sợ.
Tôi như rơi vào khoảng không vô tận, một cảm giác tội lỗi xâm chiếm trái tim, tôi đã làm được gì cho mẹ? Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự bất hiếu của mình đối với người mẹ đã hy sinh và luôn che trở cả khi tôi tệ bạc và hư hỏng.
Mời các bạn chờ đón đọc:
Kỳ 2: Bất mãn và oán hận, tôi cô độc giữa nhân gian
Nguyễn Anh Đức
Xem thêm: