Vào ngày đền Quan Đế ở Bì Sơn hoàn thành, người dân địa phương muốn viết câu đối nhưng không được. Đột nhiên, một nông dân không biết chữ bước vào chỗ ngồi, cầm bút viết một tấm biển năm chữ lớn “Hán Thọ Đình Hầu Miếu”, tiếp theo lại viết câu đối: “Du du càn khôn cộng lão; Chiêu chiêu nhật nguyệt tranh quang.”
Quan Vũ thời đại Tam quốc, một đời nghĩa bạc vân thiên, nổi tiếng là người trung nghĩa. Kể từ thời Đông Hán, ông đều được các triều đại phong hiệu, nhân gian đâu đâu cũng có đền Quan Đế, khói hương nghi ngút. Từ cổ xưa cũng có rất nhiều thần tích Quan Công hiển linh được lưu truyền lại.
Quan Công hiển linh mách bảo thiên mệnh
Vào những năm Sùng Trinh, có một thầy bói họ Hình mở một cửa hàng ngay trước một ngôi đền Quan Công, liên tục hơn mười năm. Khi Minh mạt loạn thế, nội gian ngoại hoạn cộng với mất mùa đói kém khắp nơi, biến dân lưu lạc thành thổ phỉ. Vào tuần đầu tháng 3 năm Giáp Thân, thầy bói viết một câu đối trước cửa đền:
Hán phong hầu, Tấn phong vương, hữu Minh phong đế, Thánh thiên tử khả vị hậu hĩ;
Nội hữu gian, ngoại hữu địch, Trung Nguyên hữu tặc, đại tướng quân hà dĩ đãi chi?
Những lời này nguyên lai là câu thoại của Tả Quang Đẩu (Trung Nghị Công) thượng tấu lên hoàng thượng để đàn hặc Ngụy Trung Hiền. Hàm ý câu thứ nhất nói về việc Quan Vũ được các hoàng đế các triều đại nhiều lần gia phong, từ phong “hầu” lúc đầu cho tới phong “Thánh”. Minh triều sùng tế Quan Vũ, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương hạ lệnh bái Quan Công; Minh Thần Tông năm Vạn Lịch thứ mười phong Quan Công là “Hiệp thiên hộ quốc trung nghĩa đế”, năm Vạn Lịch thứ 12 lại gia phong ông là “Tam giới phục ma đại đế thần uy viễn trấn thiên tôn quan thánh đế quân”. Câu đối này gọi Quan Công là “Thánh thiên tử”, chính là từ đó mà ra.
Câu đối thứ hai phản ánh thời cuộc lúc bấy giờ, không chút sai trật, còn hỏi Hộ quốc trung nghĩa Quan Đế (Quan Công từ triều Minh được phong hiệu là Quan Đế) về tương lai của nhà Minh. Đêm hôm đó, thầy bói trong mộng đi đến trước điện của đền Quan Đế, nhìn thấy Quan Đế đang ngồi trong trướng, nói với ông: Minh triều quốc vận đã tận, thiên mệnh quy về nơi khác, không lâu nữa đại thánh nhân sẽ đến.
Sau khi thầy bói tỉnh dậy, ông nói với những người khác: “Tôi đã mở một cửa hàng bên cạnh ngôi đền Quan Đế này hơn mười năm, trong nháy mắt biển xanh sẽ hóa ruộng dâu, tôi không chịu đựng nổi nhìn thấy triều Đại Minh gặp kịch biến thế này!” Ngày hôm sau, thầy bói treo cổ tự tử tại cây đình.
Vào thời nhà Thanh, có một miếu thổ địa bên cạnh đền Quan Đế, mọi người nói rằng vị thần râu trắng được thờ cúng chính là người thầy bói.
Kính ngưỡng Quan Đế, được Thần trợ lực trị nước
“Tân Lư tùy bút” ghi lại: Phan Quý Tuần (1521-1595, tự Thời Lang), một quan chức ở Hồ Châu triều nhà Minh, là người gốc Hòe Khê, Ô Trình, Chiết Giang (nay là Ngô Hưng, Hồ Châu), một đời kính ngưỡng Quan Đế. Phan Quý Tuần là một chuyên gia thủy lợi nổi tiếng, từ năm Gia Tĩnh thứ 44 đến năm Vạn Lịch thứ 20, ông đã bốn lần chủ trì việc trị thủy sông Hoàng Hà, có thành tích xuất sắc. Kỉ Hiểu Lam nói: “Quý Tuần những năm Gia Tĩnh, Vạn Lịch, bốn lần phụng mệnh trị thủy sông, làm việc này suốt 27 năm, lập thành tích.”
Khi Phan Quý Tuần giám sát sông Nam Hà (thời cổ đại, đoạn sông Hoàng Hà chảy từ tây sang đông từ Đồng Quan ngày nay được gọi là sông Nam Hà), đã có hai trận lũ. Phan Quý Tuần mơ thấy Quan Đế, trợ thần lực giúp ông chặt đầu hai con giao long (thuồng luồng). Đầu của hai con giao long bị chặt hạ, một chiếc được đặt trong đền Quan Đế ở đê Cao Gia, chiếc còn lại được giấu trong nhà công vụ, hàng năm đến ngày cúng Quan Đế dưới chân núi Bì Sơn ở Hồ Châu, nó sẽ được trưng bày để tế lễ.
Vào ngày đền Quan Đế ở Bì Sơn được hoàn thành, người dân địa phương muốn viết câu đối nhưng không được. Đột nhiên, một người nông dân không biết chữ bước vào chỗ ngồi, cầm bút viết một tấm biển năm chữ lớn “Hán Thọ Đình Hầu Miếu”, tiếp theo lại viết câu đối: “Du du càn khôn cộng lão; Chiêu chiêu nhật nguyệt tranh quang.” Sau khi người nông dân viết xong, không hề ký tên, mà rời khỏi chỗ ngồi. Có người đến hỏi ông làm sao mà có linh cảm đó, làm sao viết nó ra được? Người nông dân trả lời, bản thân cũng không biết mình làm gì.
Người ta nói rằng bút tích mà người nông dân để lại giống hệt phong cách thư pháp của Ngu Thế Nam, một bậc thầy chữ Khải thư triều Đường. Vào thời nhà Thanh, tấm biển năm ký tự và câu đối này vẫn tồn tại trong đền. Có lẽ là một nhà thư pháp kính ngưỡng Quan Đế nào đó đã mượn tay người nông dân để lưu lại lời tán tụng chân thành của mình! Người chân tâm kính ngưỡng thần linh như vậy, cũng được thần linh quan tâm chiếu cố!
Người tính không bằng trời tính
Tương truyền, vào năm Thiên Khải (1621-1627) tố tạo hai bức tượng Quan Đế, một lớn một nhỏ. Đương thời có một vị thầy bói rất linh nghiệm. Minh Hi Tông trong tâm muốn thử nghiệm ông thầy bói, liền chỉ vào hai bức tượng Quan Đế, yêu cầu bói.
Thầy bói trả lời rằng bức tượng Quan Đế nhỏ phúc thọ dài lâu, hương thơm gấp trăm lần bức tượng lớn. Hi Tông sau đó đã đặt bức tượng Quan Đế nhỏ trong một ngôi đền nhỏ ở phía bên trái cổng Chánh Dương, và cất giữ bức tượng Quan Đế lớn trong cung điện, muốn để thầy bói phán không chuẩn.
Ai ngờ không lâu sau, đội quân Sấm Vương nhập cung, bức tượng Quan Đế lớn bị phá hủy trong hỗn loạn, còn bức tượng Quan Đế nhỏ thì ngày ngày hương khói nghi ngút.
Người tính không bằng trời tính, thời gian và không gian mà con người có thể nhìn thấy là rất hạn chế, sự an bài của con người không thể xoay chuyển thiên ý, trái lại ấn nút khởi động vận mệnh mà ông trời đã an bài. Thầy bói tinh chuẩn trong nhân thế có thể nhìn thấy kết quả an bài của thiên mệnh, nhưng không biết nguyên nhân thực sự là gì. Sinh mệnh cao cấp ở tầng thứ cao có thể nhìn thấy chân tướng mà phàm giới không nhìn thấy, tầng thứ càng cao thì tri thức càng chu toàn, càng toàn diện. Thiên mệnh, vận mệnh chân chính, đều nằm trong tay sinh mệnh cao tầng, trong những câu chuyện này đã triển hiện rất rõ ràng minh bạch. (Tài liệu tham khảo: “Doanh liên tùng thoại toàn biên”)
Tác giả: Hoài Nhẫn Nhẫn, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch